UBND tỉnh vừa phê duyệt "Chương trình áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020". Chương trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trong nước và khu vực dựa trên việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ.
Theo khảo sát của tỉnh, hiện trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp tỉnh An Giang nhìn chung còn nhiều hạn chế. Chỉ có các doanh nghiệp ngành đông lạnh thủy sản và xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu có sử dụng các thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn phần lớn các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác có trình độ kỹ thuật sản xuất và công nghệ kém phát triển, thiết bị cũ kỹ, thiếu đồng bộ. Hơn nữa, các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp quy mô lớn thì cũng chỉ áp dụng công nghệ ở mức trung bình trở lên. Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước quy mô nhỏ trình độ công nghệ lạc hậu, quy trình sản xuất chủ yếu mang tính thủ công hoặc bán cơ giới. Chính vì thế, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Qua đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương; đồng thời tập trung đầu tư áp dụng công nghệ cao vào một số ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn như: Gạo, thủy sản và rau quả chế biến xuất khẩu, máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, thiết bị sấy nông sản, cơ điện tử, hóa dược, phân bón, lụa, quần áo, giày dép xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng 45% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Song song đó, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất đồng thời chuẩn bị điều kiện hình thành khu công nghệ cao giai đoạn 2020.
Trên cơ sở đó, trong chế biến gạo xuất khẩu áp dụng công nghệ chế biến gạo liên hoàn tự động hóa; công nghệ bảo quản lương thực trong hệ thống kho kín có sử dụng khí trơ; công nghệ bảo quản lương thực ở nhiệt độ thấp; sử dụng các hoạt chất có nguồn gốc thảo mộc trong quá trình bảo quản lương thực. Đối với mặt hàng chế biến thủy hải sản, gia súc, gia cầm áp dụng công nghệ đông lạnh, công nghệ chế biến đồ hộp, công nghệ cấp đông, công nghệ bảo quản bằng phóng xạ, bằng sóng siêu âm. Chế biến rau quả bảo quản theo phương pháp sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng máy ozon ly tâm loại trừ vi khuẩn và các loại thuốc trừ sâu trong bảo quản, chế biến rau quả sạch. Riêng lĩnh vực cơ khí, việc ứng dụng rộng rãi các loại máy, thiết bị điều khiển theo chương trình số ở phần lớn các khâu, công đoạn để sản xuất máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, thiết bị sấy và bảo quản nông sản, máy dùng trong chế biến lương thực thực phẩm xuất khẩu, máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản chất lượng cao có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, có giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh…
Để thực hiện có hiệu quả chương trình, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, gồm: Xúc tiến thương mại, ưu đãi về thuế đối với đầu tư thiết bị, hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh vay vốn đầu tư vào các dự án áp dụng công nghệ cao. Đối với nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích thực hiện các chương trình đào tạo, phối hợp giữa các công ty có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng phát triển công nghệ vào việc tạo sản phẩm có ưu thế về chất lượng giá thành… để công nghiệp An Giang phát triển mạnh mẽ hơn.
(Theo HẠNH CHÂU // An Giang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com