Sản xuất và chế biến thủy sản tồn kho gần 40% do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, lãi suất ngân hàng và sức mua giảm. Ảnh:TL |
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo so với cùng kỳ năm trước đã giảm dần nhưng nghịch lý là so với các tháng gần đây, chỉ số này không hề giảm mà còn tăng thêm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) hôm 31-7, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm trước đã giảm dần từ mức 34,9% tại thời điểm 1-3-2012, xuống 29,4% (thời điểm 1-5) và 21% (1-7).
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất, công nghiệp 7 tháng đầu năm đã chỉ rõ thêm tình hình là chỉ số tồn kho chỉ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, còn so với từng tháng thì lại tăng.
Tính đến thời điểm ngày 1-7 so với tháng trước chỉ số này tăng 6%. “Đây là thời điểm có mức tăng chỉ số tồn kho tương đối cao trong các tháng từ đầu năm 2012 đến nay“, Bộ Công thương nhận định. Cụ thể, ba tháng gần đây tồn kho theo xu hướng tăng (tính cả thời điểm đến 1-7): Thời điểm ngày 1-6 tăng 2,2% so với tháng trước; ngày 1-5 tăng 1,9%; còn ngày 1-4 giảm 0,5%.
Ở những tháng đầu năm thì diễn biến tồn kho này thất thường hơn: thời điểm ngày 1-3 tăng 15%; ngày 1-2 giảm 2,2% và tại thời điểm ngày 1-1 giảm 3,8% đều so với những tháng trước.
Hiện nay, tồn kho cao nhất ở một số ngành công nghiệp chế biến như chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 39,4%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 33,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 74,4%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 61,5%; sản xuất xi măng tăng 49,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 20,8%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 53,8%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 98,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 9,4%.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com