Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao, hiện Việt Nam đang rơi vào tình trạng có quá nhiều người bán cà phê, trong khi chỉ vài người mua. Điều này khiến xuất khẩu bị động, thua lỗ.
Ông Lương Văn Tự dẫn chứng, 8 tập đoàn cà phê trên thế giới chiếm giữ 80% lượng cà phê chế biến. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 1 triệu tấn (robusta là chủ yếu) thì hầu hết đi qua cửa của 12 doanh nghiệp lớn có mặt tại Việt Nam.
Trong nước, lại có tới 142 doanh nghiệp bán cà phê (còn Indonesia chỉ có 5 doanh nghiệp). Các công ty Việt Nam lại có thói quen không hay là chỉ nhăm nhăm hạ giá để tranh giành khách hàng.
Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), đúc kết, tình trạng "trăm người mua, vạn người bán" này khiến xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn ở thế bị động, thua thiệt.
Hiệp hội Cà phê - ca cao và các doanh nghiệp đang tìm cách bán trực tiếp cho các nhà rang xay, như vậy, sẽ được hưởng thêm phần chênh lệch khoảng 60 USD/tấn. Nếu bán cho thương lái hay nhà phân phối, các doanh nghiệp sẽ mất số tiền đó.
Ông Tự cho hay, diễn biến giá cà phê hiện đang phụ thuộc vào cung cầu, sự dẫn dắt của hai thị trường London và New York và hoạt động của các quỹ đầu tư.
Khó nhất là thị trường cà phê dao động bấp bênh. Các doanh nghiệp cà phê Việt Nam lại tham gia mua bán theo phương thức trừ lùi giao hàng xa chưa chốt giá. Họ xác định lấy giá London làm chuẩn.
Trong khi đó, hầu hết dự báo của các hãng tin nước ngoài đều hướng vào người mua. Thậm chí, các viện nghiên cứu giá cả trên thế giới khi đưa ra bản tin đều phục vụ lợi ích một bên nào đó, còn thực tế không có lợi cho Việt Nam.
Vì thế, đến lúc họ "lùa cừu vào trong chuồng" đông rồi thì kéo giá xuống. Đây là cuộc chơi mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải trả giá và thua lỗ, đang tìm mọi cách thoát ra.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, niên vụ cà phê 2009-2010, sản lượng cà phê Việt Nam giảm 20-30% so với năm trước, chỉ đạt khoảng 900.000 tấn. Giá cà phê trong nước cũng giảm liên tục, có lúc chỉ còn 22 triệu đồng/tấn, giảm tới 50% so với mức giá đỉnh cao của năm 2008.
Hiện nay, dự trữ cà phê còn trong dân khoảng 20%, nguồn nữa là dân gửi các doanh nghiệp và đại lý, những nơi đã mua đứt bán đoạn.
Do vậy, Chính phủ đã đồng ý ủng hộ chương trình mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Lương Văn Tự thừa nhận các doanh nghiệp chưa mua được một kg cà phê nào.
Nguyên nhân là do chính sách bao giờ cũng có độ trễ, không thể ngay lập tức được. Đến giờ ngân hàng đã có quyết định nhưng doanh nghiệp chưa nhận được vốn để thu mua, ít nhất phải đầu tháng 6 mới triển khai được.
Với chính sách thu mua cà phê tạm trữ, Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ nên coi là chính sách thường xuyên vì cà phê mua 3 tháng nhưng bán cả năm, cần chủ động tạm trữ.
(Việt Nam Nét)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com