Đắc Nông sắp bước vào mùa thu hoạch cà phê mới, nhưng vấn nạn thu hái cà phê quả xanh và bán non của bà con lại tiếp tục, chẳng những làm họ thiệt đủ bề mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu của nước ta.
Cắn răng chịu thiệt...
Năm trước, do cần tiền gửi cho con đang học đại học ở TP.HCM và thanh toán nợ tiền phân bón của đại lý, chị Nguyễn Thị Vân ở xã Đắc Sắc (huyện Đắc Mil) đã bán “non” cả rẫy cà phê cho thương lái. Gia đình chị Vân gắn bó với cây cà phê hơn 10 năm qua nên rất chú trọng các khâu chăm sóc vườn cây. Vì vậy, năng suất khá cao, thường đạt 15 – 16 tấn quả tươi/ha. Nhưng do phải bán non, người mua cho rằng rẫy của chị chỉ đạt 13 – 14 tấn/ha và ra giá 4,400 đ/kg quả tươi. Sau khi khấu trừ chi phí, họ trả chị 580 triệu đồng, ứng trước 400 triệu đồng. Chị Vân than thở: “Vẫn biết bán non cà phê sẽ bị thiệt, nhưng đành phải cắn răng mà bán. Năm nào cũng thế, cứ sắp vào vụ thu hoạch là họ lại đến bảo mình bán trước rẫy cà phê cho họ để trừ tiền nợ mua phân nên không bán cũng không được”. Bán non vườn cà phê chưa đến ngày thu hoạch, đó là “thảm cảnh” của không ít bà con trồng cà phê ở Đắc Nông, nhất là với những nông hộ nghèo, ít vốn.
Ngoài vấn nạn “bán non” vườn cà phê, bà con trồng cà phê ở Đắc Nông còn có thói quen thu hái cà phê quả xanh. Đó là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cà phê nước ta. Với tâm lý lo sợ nạn ăn trộm cà phê và đồng thời nhằm giảm chi phí công hái, rất nhiều bà con đã cho “tuốt” sạch 1 lần cả quả chín lẫn quả xanh. Thậm chí, có vườn lượng quả xanh chiếm đến 60% – 70% sản lượng thu hoạch. Trong khi đó theo quy trình kỹ thuật thì việc thu hoạch phải được tiến hành làm 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 10 – 15 ngày tùy theo lượng quả chín trên cây. Anh Nguyễn Xuân Thủy ở xã Đắc Ngo, huyện Đắc R’lấp phân trần: “Chúng tôi cũng biết rằng thu hái cà phê xanh sẽ làm giảm chất lượng quả, nhưng không hái quả xanh lẫn quả chín thì mất nhiều nhân công và thời gian để thu hái, còn bị bọn trộm nó tuốt sạch cả cành”.
Một tiểu thương ở thị trấn Đắc Mil thẳng thắn nói: Bọn hái trộm cà phê ở Đắk Nông thường là dân từ nơi khác tới, có tổ chức thành từng đội rất chuyên nghiệp, chủ yếu hái trộm vào ban đêm nên rất khó canh chừng.
Cần một lối đi bền vững
Ông Nguyễn Đức Luyện - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Nông cho biết, hái cà phê xanh thì sẽ làm giảm chất lượng quả vì hương sẽ không thơm, vị sẽ nhạt, nhân không đẹp, không mẩy bóng mà teo tóp và làm giảm từ 10 – 15% sản lượng, khi xuất khẩu sẽ bị khách hàng chê, bị trừ lùi cao (1 tấn từ 100 – 120USD). Hàng năm, cà phê kém chất lượng của Việt Nam bị thải loại trên thị trường chiếm tới gần 80% số lượng bị thải loại của cả thế giới. Cho nên tính ra mỗi năm ngành cà phê Việt Nam bị thiệt hại tới hàng trăm triệu USD.
Cứ đến vụ thu hoạch cà phê, tỉnh Đắc Nông lại ban bố hết công văn này đến chỉ thị khác khuyến cáo người người dân không được hái cà phê quả xanh và nếu ai vi phạm sẽ bị phạt. Nhà nông cũng biết những khuyến cáo đó, nhưng họ vẫn cứ hái cà phê quả xanh thì đỡ bị mất trộm hơn, giảm được công hái (vì chỉ hái một lần là xong), phơi sấy một lúc, tiết kiệm được chi phí và điều quan trọng nhất là vẫn bán được, vẫn có người mua, tuy giá có thấp hơn chút ít, nhưng lại lợi ở nhiều khâu khác...
Theo ông Luyện, chỉ đưa ra những khuyến cáo để người dân không còn bán non và thu hái cà phê quả xanh thì rất khó. Để có một lối đi bền vững, trước hết chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, làm sao để các nông hộ sản xuất cà phê đơn lẻ hiện nay đứng vào một tổ chức, từ đó thống nhất được một cách làm (80% sản lượng cà phê Việt Nam hiện nay là do các hộ sản xuất đơn lẻ tạo ra). Sau đó, áp dụng tiêu chuẩn VN 4193-2005 vào xuất khẩu, người sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn đó sẽ không bán được hàng.
Ngoài việc ban hành đề án phát triển cà phê bền vững để tìm hướng đi mới cho ngành cà phê của tỉnh, hiện nay Đắk Nông đang thí điểm mô hình vườn cà phê bền vững ở 2 xã của huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp để người dân học tập và từ đó ứng dụng.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com