Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp nào cho cà phê ?

Phương thức thu hoạch, phơi và bảo quản thủ công còn ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cà phê

VN là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, cà phê VN vẫn chưa thể điều tiết được thị trường, mà ngược lại, cà phê VN thường bị đánh giá chất lượng không đồng đều, bị thương nhân nước ngoài ép giá, thao túng. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do tiêu chuẩn chất lượng cà phê VN chưa thống nhất.

Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nay đang có tới 5 tiêu chuẩn chất lượng cà phê được áp dụng tại VN. Nhiều tiêu chuẩn dẫn tới nhầm lẫn và khiến nhiều loại hàng bị tồn kho.

Chưa thống nhất

Chất lượng cà phê đã được cải thiện nhiều trong niên vụ 2009/2010. Tuy nhiên, phương thức thu hoạch, phơi và bảo quản thủ công còn ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cà phê. Theo ông Nguyễn Nam Hải - TGĐ Cafe Control, niên vụ vừa qua cà phê đạt chất lượng tốt. Ngay từ khâu thu hoạch, chất lượng cà phê đã khá cao, cộng với nhiều cải tiến trong chế biến, cà phê VN đã hầu như không còn tình trạng bị trả về.

Cũng theo ông Hải, việc xuất khẩu cà phê của VN thường theo các đơn đặt hàng. Khách hàng yêu cầu chất lượng loại nào thì DN đáp ứng loại đó. Thực tế này cũng phát sinh nhiều hạn chế. Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) mới đây, có tới 75% lượng cà phê của VN không đạt chuẩn CQP (Coffee Quality Improvement Program). Ông Hải nhận xét, nếu cà phê loại 1 của VN xuất khẩu thì việc đạt chuẩn là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, một số nhà đầu cơ quốc tế lại mang tất cả các loại cà phê của VN lên sàn giao dịch London để đánh giá tiêu chuẩn chất lượng mới dẫn đến tình trạng 75% không đạt chuẩn.

Hàng loạt khó khăn của ngành cà phê sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo Triển vọng Nông nghiệp VN năm 2010. Trong đó, vấn đề thống nhất tiêu chuẩn chất lượng cà phê VN với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sẽ là một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra. DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

Thực tế, các DN xuất khẩu cà phê của VN ngại xuất khẩu cà phê theo những tiêu chuẩn cao là có nguyên nhân. Thứ nhất là từ khách hàng, khách hàng đặt loại nào thì DN đáp ứng loại đó. Đồng thời nếu DN, áp dụng triệt để theo tiêu chuẩn 4193 thì chi phí thường đội hơn giá bán khoảng 10 – 20 USD/tấn.

Việc thống nhất 1 tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng thương hiệu cà phê VN là cần thiết. Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Cục phó Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), để khắc phục tình trạng chưa thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng cà phê, dự kiến trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chính thức cho áp dụng Tiêu chuẩn 4193 vào quản lý chất lượng cà phê, bao gồm các quy định về thu hái, phơi sấy, bảo quản, chế biến...

Ngoài ra, bộ cũng sẽ đề xuất việc áp dụng từng mức thuế đối với chất lượng các lô cà phê xuất khẩu. Đối với các lô hàng đạt chuẩn sẽ cấp giấy chất lượng và hưởng mức thuế 0%, còn những lô hàng không đạt sẽ chịu một mức thuế xuất khẩu nhất định khoảng 1-2%.

Điều tiết thị trường

Niên vụ vừa qua, VN đã thu hoạch được gần 1 triệu tấn cà phê, nhưng vẫn chưa đủ sức điều tiết thị trường. Mặc dù, trước khi kết thúc năm 2009, ngành cà phê VN đã rất lạc quan tin tưởng rằng sang năm 2010, xuất khẩu cà phê sẽ nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, diễn biến tiêu thụ cà phê đã đi xuống, nằm ngoài dự báo. Giá cà phê trước Tết nguyên đán giao dịch ở mức thấp 1.350 - 1.360 USD/tấn. Thế nhưng sau Tết giá lại tiếp tục đi xuống từ 1.300 đến 1.250 USD/tấn.

Phân tích nguyên nhân giá cà phê luôn trồi sụt như vậy, ông Vân Thành Huy - TGĐ Cty Inexim Đắk Lắk cho rằng, hoạt động xuất khẩu cà phê của VN luôn bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng. Khi họ biết các DN VN còn nhiều lô hàng “bán trừ lùi” chưa chốt giá (do chờ giá sẽ lên), nên họ đã cố tình ép giá xuống.

Theo một số chuyên gia, nhà đầu cơ thường sử dụng sức mạnh tài chính để khống chế và ép giá xuống. Vì vậy, các DN xuất khẩu cà phê phải tìm mọi cách không để cho nhà đầu cơ gây sức ép. Trong xu thế giá giảm kiên quyết không giao dịch theo hợp đồng trừ lùi mà bán theo hình thức giao ngay.

Trong khi bên ngoài chưa chủ động điều tiết được thị trường, tiêu chuẩn chất lượng chưa thống nhất, bên trong cũng đang gặp không ít khó khăn. Theo phản ánh của một số DN, việc thu mua cà phê trong những năm qua thường giao dịch dưới hình thức, DN xuất khẩu tạm ứng tiền cho các đầu mối thu mua. Tuy nhiên, năm nay, nhiều đầu mối phá sản. DN đã tạm ứng tiền không thu hồi được cả tiền lẫn hàng.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Chấn chỉnh việc thu mua nguyên liệu
  • Cà phê Việt Nam “nhất thế giới”
  • Ngành điều nơm nớp lo thua lỗ
  • Sản lượng cà phê Việt Nam có thể rớt xuống đáy 8 năm
  • Người trồng cà phê găm hàng trước Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container