![]() |
Sắp tới, một hội thảo để giới thiệu về GDHH kỳ hạn diễn ra tại Buôn Mê Thuột đã có khoảng 100 DN đăng ký tham dự. Điều đó cho thấy các DN bắt đầu quan tâm hơn đến hoạt động GDHH tập trung |
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, cụm từ “vỡ nợ cà phê” trở nên quen thuộc. Đặc biệt trong năm 2011, cụm từ này còn được nâng lên thành “bão vỡ nợ cà phê”. Theo khảo sát của CTCP Giao dịch Hàng hoá CFE (CFE Commodities), phần lớn các vụ vỡ nợ có liên quan đến 3 nguyên nhân chính: Một là, thói quen giao dịch của bà con nông dân; Hai là, trình độ quản trị rủi ro của DN; Ba là, các khó khăn khách quan của điều kiện kinh tế vĩ mô như lãi suất vay vốn, áp lực cạnh tranh của DN nội và ngoại...
Hệ lụy của... mạnh ai nấy buôn
Ở hầu hết các vụ vỡ nợ, không phải vì trữ kho nhiều và giá cà phê giảm mà DN bị thua lỗ. Trái lại, phần lớn các DN đều gặp khó khăn về thanh khoản khi giá cà phê tăng. Lý giải cho điều này chính là thói quen giao dịch của bà con và DN đã được hình thành từ nhiều năm nay. Việc nông dân gửi cà phê sau thu hoạch vào kho của đại lý/DN và chốt giá sau tạo ra cơ hội giúp các DN chiếm dụng vốn. Bà Nguyễn Thảo Dân - Giám đốc Dự án CFE Commodities nhận xét: “Về bản chất, đây là hoạt động tốt và giúp cho cả DN sử dụng tốt hơn nguồn vốn kinh doanh và người nông dân tiết kiệm được chi phí chế biến, bảo quản và tiếp cận được nguồn hỗ trợ tài chính từ phía đại lý/DN trong quá trình canh tác. Tuy nhiên, nghiệp vụ này chỉ phát huy tác dụng khi DN thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro và quản trị dòng tiền”.
Vấn đề là thực tiễn thời gian qua các DN cà phê đã gần như không có sự quan tâm đầy đủ đến điều này. Điển hình như sự việc đã xảy ra tại Cty CP Đầu tư và XNK cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Mê Thuột) - “ông lớn” từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng Cty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu nay đang đối mặt với khoản nợ khó trả lên đến gần 2.000 tỉ đồng mà nguyên do được giới phân tích cho rằng chỉ vì DN đã “lỡ” bán phần lớn hàng hoá cà phê do nông dân, đại lý trung gian ký gửi với kỳ vọng khi giá hàng hoá rẻ đi, sẽ mua lại để “bù vào”; nhưng ngược dự đoán giá ngày càng tăng khiến DN thua lỗ nặng nề. Dĩ nhiên, bên cạnh hệ quả từ sự “đánh bạc liều” đó, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động thua lỗ và nợ khủng của DN, như chính ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc Vinacafe Buôn Mê Thuột đã nêu, đó là biến động của tỷ giá, việc đầu tư vốn vào tài sản chưa thể lập tức khấu hao, hàng tồn kho…, mà về bản chất chung, vẫn là do DN thiếu quản trị rủi ro và quản trị dòng tiền một cách cơ bản.
Cũng như Vinacafe Buôn Mê Thuột, rất nhiều DN lớn, nhỏ của ngành đã nếm trải thất bại với các hợp đồng, trừ lùi dự đoán sai… khiến cơ hội tồn tại rất mong manh. Có thể nói, DN cà phê nội đã và đang kinh doanh theo cung cách mạnh ai nấy buôn, mạnh ai nấy phát triển để rồi mạnh ai nấy… tàn lụi ngay khi gặp những khó khăn, thách thức dồn dập xảy đến. Đây cũng là một nghịch lý nữa với các DN ngành cà phê vì họ đã có một Hiệp hội, một cộng đồng kinh doanh cùng ngành hàng và có cả một đề án “Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai từ năm 2011, theo chủ trương của đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê VN đến 2015 và định hướng 2020” do Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì soạn thảo, đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt từ năm 2008.
“Cửa thoát hiểm” là sàn ?
Để tránh tình trạng mạnh ai nấy buôn, thì một sự buôn bán tập trung, có tổ chức là rất cần thiết. Từ mấy năm về trước, với sự cho phép của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk đã thành lập Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột (BCEC). Tiếc là cho đến nay, “khu chợ tập trung” được tổ chức theo các quy tắc công bằng, minh bạch cho các bên tham gia này vẫn chưa thu hút được nhiều người cùng vào “chợ”, để mua hoặc bán.
Về mặt lý thuyết thì một trung tâm, sàn giao dịch hàng hóa (GDHH) sẽ là nền tảng cho việc thiết lập quan hệ mua bán công bằng và cùng có lợi. Theo đó, các bên mua và bán có thể chủ động trong việc xác định giá mua, giá bán sao cho có lợi và phù hợp nhất cho mình. Vì là chợ giao dịch tập trung, nên thông tin được công bố và cập nhật thường xuyên. Các thông tin đó được phản ánh ngay vào giá và điều này giúp cho thị trường giao dịch được hoàn hảo hơn. Đứng trên lợi ích này, người sản xuất có cơ hội tiếp cận với nhiều đối tác mua hàng và chủ động trong việc định đoạt giá bán, củng cố được vị thế của mình. Đối với DN, mặc dù mất đi một số lợi thế trong việc đàm phán về giá cả, bù lại họ có thể tiếp cận được nguồn hàng với khối lượng lớn.
Tuy nhiên, như các mặt hàng nông sản khác, nông dân trồng cà phê cũng có thói quen mua đứt bán đoạn. Dù số lượng bán ra là không nhiều và chủ yếu đáp ứng nhu cầu về tài chính ngắn hạn như thanh toán nợ và đáp ứng các hoạt động sinh hoạt hàng ngày nhưng điều đó cũng khiến họ không thấy có nhu cầu phải thích nghi, tập làm quen với một “chợ” giao dịch tập trung. Và để tránh tình trạng cà phê sau thu hoạch hư hỏng, bị mất cắp, người trồng cà phê gửi hàng tại kho của các đại lý thu mua cà phê và chốt giá sau.
Một hệ thống tổng kho thuận tiện và đủ đáp ứng nhu cầu ký gửi của người dân, của các đại lý, DN như hệ thống tổng kho mà BECE đang xây dựng được kỳ vọng sẽ là lời giải “phá” đi tập quán, thói quen cũ của người nông dân, khuyến khích các hộ sản xuất lớn và DN tham gia giao dịch, cũng là cơ sở để GDHH sớm đi vào phổ cập trong hoạt động giao dịch, kinh doanh và đầu tư hàng hoá nông sản ở VN.
Thiếu nhiều điều kiện đủ
Nhưng một hệ thống tổng kho vẫn chưa phải là tất cả để khu chợ GDHH trở nên đông đúc và trở thành nền tảng thúc đẩy ngược trở lại cho sự phát triển của ngành sản xuất, trồng trọt. Theo ông Trần Lương Thanh Tùng - Giám đốc CFE, “cần có những điều kiện đủ để phát triển một TTGDHH thực sư”.
Theo đó, ưu tiên trước nhất là “hoàn thiện khung pháp lý với đầy đủ các quy định cụ thể về giao dịch hàng hóa qua sàn. Kế đến, cần sự xuất hiện của những tổ chức trung gian về GDHH chuyên nghiệp giúp đảm bảo tính thanh khoản, tính công bằng, an toàn và thuận lợi cho người tham gia cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ để người sản xuất và DN kinh doanh, XNK thấy được lợi ích của việc giao dịch qua sàn, từ đó có động lực chủ động lên sàn tham gia giao dịch. Đồng thời, xây dựng một cơ chế phù hợp để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào GDHH qua sàn, song song là việc thúc đẩy các chương trình phổ cập kiến thức và kỹ năng giao dịch phù hợp”… Ông Tùng cho biết BCEC và CFE đã và đang đẩy mạnh các chương trình phổ cập, giới thiệu kiến thức như vậy tới cộng đồng DN ở khu vực miền Trung Tây Nguyên.
![]() Yếu nhất là khâu kho vận Một trong những điểm yếu và thiếu của các sàn giao dịch hàng hoá, nhất là sàn giao dịch nông sản VN hiện tại là khâu kho vận, tức hệ thống tổng kho chứa hàng và khâu vận chuyển (logistic). Riêng với ngàng hàng cà phê thì do khu vực luân canh sản xuất, trồng trọt của các hộ nông dân ở khá xa, địa hình khó đi nên khâu vận chuyển hàng hoá lại càng quan trọng. Nếu các trung tâm, sàn giao dịch “gỡ” được vấn được vấn đề này, thì người dân mới tự nguyện ký gửi hàng hoá vào trung tâm và sẵn sàng chịu phí lưu ký. Mặt khác, khi có sẵn sàng hàng hoá và quy trình vận chuyển đạt được ở quy mô lớn, lượng hàng lớn, đó mới là lực đẩy để các trung tâm giao dịch thực sự vận động liên thông và bắt nhịp với thị trường giao dịch hàng hoá nông sản thế giới”. ![]() Cần quy mô thị trường... lớn hơn nữa Quan điểm của tôi là bất cứ một mô hình, thể chế, tổ chức tài chính, loại hình giao dịch đầu tư nào ra đời cũng cần có thời gian để có thể đi vào vận hành tốt, “ngấm” vào thị trường. Với đặc thù một hình thái trung gian trên thị trường tài chính là sàn giao dịch hàng hoá nông sản tại VN, lại càng cần có thời gian. Theo quan sát của tôi đối với sự vận hành của BCEC, hiện tại tất cả các DN ngành hàng cà phê ĐăkLăk đã biết đến sự có mặt, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm này. Tuy nhiên, quá trình vận hành BCEC trước mắt vẫn còn có một số hạn chế. Điều đó là bình thường. Các sàn giao dịch hàng hoá nông sản để có thể trở thành Sở giao dịch hàng hoá theo chuẩn quốc tế, không thể đạt được ngay một sớm một chiều. Tôi cho rằng không chỉ các DN, nhà đầu tư trong nước mà nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đang quan sát và chờ đợi những vận động mới, sự cải thiện từ các hình thái trung gian lẫn sự hoàn bị khung khổ hệ thống pháp lý đối với hoạt động đầu tư, đầu tư tài chính hàng hoá, song song là việc gia tăng quy mô của ngành hàng cà phê VN, để tìm kiếm cơ hội tham gia. Hiện nay, VN đã có nhiều DN FDI kinh doanh lĩnh vực cà phê và lượng thu mua hàng hoá của họ là rất lớn. Để thu hút nhiều DN FDI như thế, và cả các NĐT tầm cỡ, các quỹ đầu tư vào thị trường hàng hoá cà phê VN chúng ta vẫn cần một “big size” – một quy mô thị trường lớn hơn nữa.
Sàn giao dịch hàng nông sản nói chung và cà phê ở VN nói riêng đứng ra cung cấp hợp đồng kỳ hạn trong bối cảnh các quy định pháp luật chưa có, giao dịch chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, yếu kém về tổ chức lẫn năng lực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Bản chất giao dịch kỳ hạn nhằm giúp nông dân - nhà sản xuất, người kinh doanh biết được mức giá tương ứng với kỳ vọng hàng hóa trong tương lai nhằm định hướng, tính toán các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt với nông sản thì giá giao dịch kỳ hạn sẽ giúp nông dân tính toán được nhu cầu và giá cả trong các vụ tiếp theo, tránh tình trạng được mùa mất giá như vẫn xảy ra. Tổ chức giao dịch kỳ hạn trong khi trình độ tổ chức và quản lý ở nước ta đều còn khá non kém trong bối cảnh cơ sở pháp lý lẫn thể lệ hoạt động đều lỏng lẻo nên nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong giao dịch, hay tranh chấp xảy ra là khó tránh khỏi. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com