Phóng viên báo DVT đã phỏng vấn ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), về vấn đề nêu trên.
Xin ông cho biết, sản xuất, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên thế giới?
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, những năm gần đây sản lượng cà phê Việt Nam luôn đạt mức trên 1 triệu tấn/năm với kim ngạch đạt trên 2 tỉ USD. Với vị trí này, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê xếp hàng thứ hai thế giới và đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối.
Tuy Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản xuất - xuất khẩu cà phê vối và thứ hai về tất cả các loại cà phê, nhưng vị trí đó chưa thực sự ổn định bởi 98% lượng cà phê xuất khẩu đều dưới dạng nguyên liệu thô, với các tiêu chuẩn vào loại trung bình trong các thang tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu thế giới. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam là các cường quốc cà phê như Brazil, Colombia và các quốc gia ở châu Mỹ la tinh. Mặt khác, cây cà phê ở Việt Nam đang vào giai đoạn “già hóa” hiện chiếm 137.000 ha. Cà phê già sẽ cho sản lượng kém, để trồng lại cần phải mất 5 năm mới cho thu hoạch.
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường đầu tư xây dựng kho bãi và chỉ định đại lý để trực tiếp mua cà phê từ người dân thay vì mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước. Ông đánh giá việc này như thế nào?
Sở dĩ có sự giảm sút như vậy là do năm nay, doanh nghiệp cà phê nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp từ người trồng cà phê, nên một lượng lớn cà phê được bán cho doanh nghiệp nước ngoài thay vì bán cho doanh nghiệp trong nước. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn thì chỉ một vài năm nữa ngành cà phê Việt Nam sẽ bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Từ khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường cà phê Việt Nam thì sức ép đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ngày càng tăng. Lý do, những doanh nghiệp này có nguồn tài chính dồi dào do được ngân hàng nước họ cho vay đô-la Mỹ với lãi suất 3% nhưng lại không hạn chế số tiền được vay, còn doanh nghiệp Việt Nam vay với lãi suất 8%.
Đó là “bài ca muôn thuở” không dễ thay đổi của cà phê Việt Nam. Từ trước đến nay, nông dân thường chỉ bán cà phê cho 12 nhà thu mua lớn trên thế giới. Những nhà thu mua nước ngoài lại bán cho 8 nhà rang xay của thế giới, chiếm 80% sản lượng cà phê thế giới. Thế nên có thể nói, thị trường cà phê Việt Nam rơi vào tình trạng trăm người bán nhưng chỉ có vài người mua. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại mà chưa có lối thoát. Các công ty của nước ngoài đã lợi dụng khó khăn này của ta để ép giá. Và người thiệt thòi nhất là nông dân.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2010, khi giá cà phê xuống quá thấp, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ đã ra Quyết định 481 (năm 2010) về việc doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng để thu mua tạm trữ cà phê. Đây là một biện pháp để điều tiết thị trường, nhưng rất tiếc chưa trở thành chính sách hàng năm.
Hiện nay, lượng cà phê còn tồn ở các kho châu Âu vào khoảng 350.000 đến 388.000 tấn. Do Việt Nam chuẩn bị vào vụ cà phê mới nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tạm dừng mua vào nhằm làm giá cà phê trên thị trường đi xuống, qua đó, gián tiếp kéo giá cà phê của Việt Nam xuống để sau đó mua vào với số lượng lớn. Vì vậy, bằng mọi cách Việt Nam phải chủ động mua vào một lượng lớn cà phê vào đầu vụ thu hoạch để người trồng cà phê không bán với giá thấp.
Vừa qua, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đác Lắc bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Chúng ta đã giải quyết đến đâu, thưa ông?
Hiện Hiệp hội đang phối hợp với UBND tỉnh Đác Lắc để đòi lại. Đầu tiên sẽ yêu cầu công ty Trung Quốc hủy bỏ việc đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, nếu bị từ chối sẽ xúc tiến khởi kiện. UBND tỉnh Đác Lắc đã ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh thực hiện việc này.
Hiệp định Trips của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định nếu nhãn hiệu hàng hóa có chứa chỉ dẫn địa lý thì không cho đăng ký, còn nếu đăng ký rồi thì phải hủy bỏ. Tuy nhiên, Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc cũng quy định nếu nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký trung thực sẽ có hiệu lực. Như vậy, điều cốt lõi là chúng ta phải chứng minh được Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd (doanh nghiệp ở Quảng Châu - Trung Quốc đánh cắp Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột) đã không trung thực.
Việc chứng minh họ đăng ký gian dối là không khó khăn. Trong logo của công ty này, 3 chữ Trung Quốc nằm trên dòng chữ Buon Ma Thuot nhưng không có nghĩa tương ứng với Buôn Ma Thuột, chứng tỏ họ cố ý làm sai. Hơn nữa, đã có nhiều công ty của Việt Nam xuất khẩu cà phê có Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột sang tỉnh Quảng Châu, trong khi họ kinh doanh cùng sản phẩm nên không có lý do gì để không biết thương hiệu của chúng ta. Một điều quan trọng nữa là, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đã được đăng ký tại Việt Nam từ năm 2005, còn tại Trung Quốc mới chỉ đăng ký trong năm 2010 và 2011…
Bên cạnh khởi kiện để đòi lại nhãn hiệu thì Hiệp hội và tỉnh Đác Lắc sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở nhiều thị trường khác nhau nhằm tránh lặp lại trường hợp vừa xảy ra vnhư trên.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công văn trả lời Bộ Công Thương, nhất trí đưa cà phê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện. Theo ông, các doanh nghiệp cà phê có gặp khó khăn nào không?
Theo tôi, việc sàng lọc doanh nghiệp bằng điều kiện bắt buộc là việc nên làm từ lâu. Nhiều nhà nhập khẩu thế giới đã ngỏ ý nếu Việt Nam kiểm soát được thị trường, duy trì được ổn định họ sẽ sẵn sàng mua cao hơn 100 USD/tấn, Như vậy, ngành cà phê có thể mang về hàng trăm triệu USD/năm
Nếu áp dụng điều kiện trong kinh doanh, xuất khẩu cà phê, sẽ có khoảng 50-60 doanh nghiệp đủ điều kiện. Nên phân điều kiện cho ba loại doanh nghiệp khác nhau tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu. Thứ nhất là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Thứ hai là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Thứ ba là doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất khẩu. Ba loại doanh nghiệp này có các tiêu chí khác nhau.
Đây là giải pháp chiến lược nhằm liên kết doanh nghiệp với sản xuất chế biến với xuất khẩu. Đổi mới công nghệ đầu tư, phát triển chế biến sâu và nâng cao trình độ kinh doanh, tăng giá trị cho hạt cà phê để phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com