-Ðến nay, phần lớn diện tích cà-phê ở vùng Tây Nguyên đã quá hạn chu kỳ kinh doanh. Chất lượng vườn cây, năng suất và hiệu quả sản xuất cà-phê ngày càng giảm sút. Do vậy, việc thanh lý diện tích cà-phê già cỗi và thực hiện làm mới vườn cây gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là đòi hỏi bức bách của các doanh nghiệp và người lao động. Giải pháp nào đáp ứng yêu cầu chính đáng này? Hiện nay, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam có hơn 17 nghìn ha cà-phê kinh doanh trên địa bàn Tây Nguyên và ở một số tỉnh thuộc vùng Trung Trung Bộ. Riêng ba tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai, Kon Tum có diện tích vườn cà-phê lên tới hơn 16 nghìn ha. Trong đó, có khoảng 11 nghìn ha được trồng vào những năm đầu của thập niên tám mươi thế kỷ trước, đến nay đã bước vào tuổi 28 hoặc 30 năm. Theo quy định, nếu vườn cây được thâm canh đúng quy trình kỹ thuật trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì chu kỳ kinh doanh vườn cây cũng chỉ được 20 đến 25 năm. Như vậy, diện tích vườn cây nói trên đã bước vào giai đoạn già cỗi, không còn sức sinh trưởng phát triển. Bên cạnh đó, toàn tổng công ty còn có hơn 1.500 ha cà-phê bị sâu bệnh, phá hại nặng và hàng trăm ha cà-phê ở vùng M'Ðrắc, Ðác Lắc bị khô hạn bởi nguồn nước tưới đã cạn kiệt... Vì thế, năng suất và sản lượng cà-phê liên tục giảm sút. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cà-phê Việt Nam Trịnh Ngọc Tới cho biết, nhiều năm trước đây, trên diện tích vườn cà-phê ở Tây Nguyên đạt năng suất ổn định vào khoảng 3 đến 3,5 tấn nhân trên một ha. Có một số đơn vị như Công ty cà-phê Việt Ðức (Ðác Lắc), Iasao (Gia Lai) đã đạt bốn tấn nhân/ha... nay giảm xuống còn hai tấn/ha niên vụ 2006 - 2007 và gần 1,5 tấn niên vụ 2007-2008. Ðã thế, giá cà-phê trên thị trường trong nước và thế giới thường xuyên biến động. Có năm vườn cà-phê trúng mùa nhưng rớt giá, thậm chí đã có thời điểm giá bán cà-phê quả tươi không bằng so với quả cà pháo. Một số doanh nghiệp cà-phê và nhiều hộ nhận khoán vườn cà-phê bị thua lỗ nặng, không yên tâm sản xuất. Thực tế này nếu cứ tiếp diễn, chẳng bao lâu nữa, tình hình sản xuất, kinh doanh của tổng công ty và các đơn vị thành viên sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng cả về diện tích và sản lượng, người lao động thiếu việc làm mức thu nhập giảm, đời sống của họ gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Ðể kịp thời ngăn chặn tình trạng sa sút sản lượng và chất lượng cà-phê Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cà-phê Việt Nam Ðoàn Ðình Thiêm cho biết: Tổng công ty đã đề ra chủ trương và nhiệm vụ củng cố, nâng cao chất lượng vườn cây. Trước hết xúc tiến việc thanh lý diện tích vườn cà-phê già cỗi. Theo đó, tiến hành trồng lại (tái canh) hoặc cưa đốn, phục hồi vườn cà-phê đã quá chu kỳ kinh doanh và diện tích cà-phê bị cháy vì khô hạn hoặc sâu, bệnh phá hại... gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đặc điểm từng loại đất, từng vùng khí hậu. Trước hết là giải pháp huy động vốn đầu tư. Theo tính toán ban đầu, suất đầu tư cho việc tái canh hoặc cưa đốn, phục hồi vườn cà-phê vào khoảng 100 triệu đồng/ha. Vậy số vốn đầu tư cho 11 nghìn ha cà-phê từ nay đến năm 2013 lên tới hơn 1.100 tỷ đồng được huy động từ các nguồn khác nhau. Ðể vườn cây được hình thành cơ bản từ vốn Nhà nước; được Chính phủ cho phép, thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại trong nước, tổng công ty sẽ tiến hành vay vốn từ nguồn vốn của chương trình kích cầu đầu tư của Chính phủ để đầu tư các dự án tái canh vườn cà-phê. Tiếp theo, tổng công ty và các đơn vị thành viên dành một phần vốn tự có đồng thời kêu gọi các hộ cán bộ, công nhân trong đơn vị nhận khoán tái canh vườn cà-phê cùng góp vốn, sức lao động thực hiện nhiệm vụ trẻ hóa vườn cây. Nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, tổng công ty xúc tiến nhanh việc hoàn chỉnh và sớm ban hành đề cương lập dự án đầu tư, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật tái canh, cơ chế quản lý, v.v. làm căn cứ cho các đơn vị thành viên triển khai nhiệm vụ; xem xét, phê duyệt phương án tái canh vườn cà-phê của từng đơn vị; tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện phương án. Với các đơn vị thành viên, biện pháp đầu tiên cần làm là tổ chức các hội nghị cán bộ, công nhân viên, người lao động quán triệt chủ trương trẻ hóa vườn cà-phê của tổng công ty để họ nhận thức đầy đủ, thống nhất hành động thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, từ nay đến hết quý IV-2009, từng đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tiến hành đồng bộ từ khâu kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng đặc điểm về đất đai, khí hậu, môi trường sinh thái, phân loại và chỉ rõ vườn cây nào cần áp dụng biện pháp tái canh, vườn nào tiến hành cưa đốn, phục hồi chất lượng vườn cây, xác định rõ nội dung việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng... đến việc lập phương án tái canh để trẻ hóa vườn cây và tổ chức triển khai nhiệm vụ tái canh được tổng công ty cho phép. Nhằm bảo đảm đủ số lượng và chất lượng cây giống cà-phê phù hợp từng vùng đất đai, đáp ứng nhu cầu trẻ hóa 11 nghìn ha cà-phê từ nay đến hết năm 2013, tổng công ty đã thành lập Ban trù bị xúc tiến thành lập công ty cổ phần giống cây cà-phê. Ðồng thời, vận động các nhà khoa học cà-phê, các doanh nghiệp có diện tích cà-phê tái canh cùng tổng công ty tham gia làm cổ đông sáng lập chuyên lo sản xuất các loại giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao phục vụ chương trình trẻ hóa vườn cây và cung ứng cho nhân dân trong vùng. Khuyến cáo các đơn vị không tùy tiện sử dụng các loại cây giống cà-phê trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có thể nói việc trẻ hóa vườn cà-phê là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản vừa góp phần tích cực trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty Cà-phê Việt Nam; vừa đóng góp quan trọng vào việc xây dựng vườn chuyên canh sản xuất cà-phê bền vững, đạt hiệu quả; giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. |
(Theo HOÀNG HIỂN // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com