Đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu hàng hoá giai đoạn 2009 - 2010” của Bộ Công Thương đã xác định dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mặc dù ngành công nghiệp này đang hứng chịu những tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.
Năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 9,108 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,5% so với năm 2007, đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết công ăn việc làm của một lực lượng lớn lao động, song năm 2009 - 2010, dự báo tỷ lệ tăng trưởng có xu hướng thực sự khó khăn.
Theo Hiệp hội Dệt may, xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may đạt khoảng 9,5 tỷ USD năm 2009, tăng 5% so với năm 2008, song tại Đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu hàng hoá giai đoạn 2009 - 2010”, Bộ Công Thương đã đề ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2009 là 10,5 tỷ USD và đến năm 2010 sẽ đạt kim ngạch 11,9 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Theo đó, một loạt các mục tiêu và giải pháp cụ thể đối với một số thị trường trọng điểm được đề ra, trước mắt là thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, để đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD vào năm 2010, nâng tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu của nước này lên trên 6% (xuất khẩu của Việt Nam năm 2008 vào Hoa Kỳ chỉ chiếm 5% kim ngạch nhập khẩu của nước này), Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống điều hành hai chiều giữa Bộ Công Thương và Hải quan, đồng thời triển khai hoạt động của Tổ kiểm tra cơ động; Tổ chức làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn (đặc biệt là xuất khẩu những mặt hàng trong diện giám sát) để nắm rõ khả năng sản xuất, xuất khẩu luôn luôn nắm thế chủ động và đưa ra kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu phù hợp, vừa có sự kế thừa vừa có tính phát triển.
Đối với thị trường EU, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD năm 2010, nâng tỷ lệ xuất khẩu lên 1,4% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này (xuất khẩu của Việt Nam năm 2008 vào EU chỉ chiếm 1% kim ngạch nhập khẩu). Năm 2008, EU đã bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc, do vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần nghiên cứu tác động của thị trường EU khi Trung Quốc được bãi bỏ hạn ngạch để giúp các doanh nghiệp định hướng mặt hàng và nước xuất khẩu để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đối với thị trường Nhật Bản, từ năm 2009, hàng dệt may của ta xuất khẩu sang Nhật được hưởng mức thuế 0% theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) được ký kết tháng 4 năm 2008, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải sử dụng nguồn nguyên phụ liệu nội địa hoặc được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc các nước ASEAN để được hưởng mức thuế này, do vậy kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có thể phấn đấu đạt khoảng 1,1 tỷ USD vào năm 2010, nâng tỷ lệ xuất khẩu lên 3% kim ngạch nhập khẩu của nước này (xuất khẩu của Việt Nam năm 2008 vào Nhật Bản chỉ chiếm 2,8% kim ngạch nhập khẩu). Theo Bộ Công Thương, để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa vào thị trường Nhật Bản: cần tổ chức, liên kết với Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may và Trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế cho ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành này và đào tạo cán bộ kỹ thuật tay nghề cao, cán bộ thiết kế, thời trang cho ngành; Tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài các thị trường trọng điểm xuất khẩu dệt may nêu trên, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến các thị trường khác như: Canada, Hàn Quốc, Australia và các thị trường nhỏ lẻ nhưng đóng vai trò là trung tâm mua sắm của các khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thụy Sĩ, Anh…
(Theo Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com