Không nằm ngoài dự báo, do tác động của khủng hoảng châu Âu, năm 2012, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh. Đã đầu quý III mà nhiều DN vẫn “thiếu ăn” với lượng đơn hàng “nhỏ giọt”.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã khiến Việt Nam giảm thị phần nhanh chóng tại thị trường xuất khẩu dệt may EU. Tuy nhiên, đằng sau đó còn là những câu chuyện dài mà các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lí còn đang đau đầu.
Hao hụt đủ đường
Cuộc khủng hoảng tại khu vực Eurozone hiện nay khiến chính phủ và người dân châu Âu kéo dài chính sách thắt lưng buộc bụng cắt giảm chi tiêu và đầu tư công. Điều này mang đến hệ lụy tất yếu rằng sức mua giảm nhanh chóng kéo theo số đơn đặt hàng dệt may "tuột dốc" thảm hại. Tính đến nay, trung bình mỗi tháng, số lượng đơn hàng giảm 20-30% so với cùng kì năm 2011.
Khó khăn hơn khi ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, đơn hàng phần lớn tập trung vào các DN lớn, và số lượng chỉ có đến hết tháng 8. Đó là chưa kể các đơn hàng mang tính "chụp giật" vì thời hạn ngắn. Đặc biệt, chính vì thị trường xuất khẩu "ăn hàng" chậm nên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhiều lúc phải chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ ít nhiều do bị ép giá nhằm giữ thị trường dài hạn.
Đáng ngại hơn, khủng hoảng khu vực châu Âu khiến đồng Euro biến động và mất giá liên tục. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam xuất đi châu Âu và nhận đồng Euro nhưng đa số DN Việt Nam phải trả đồng USD khi nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan.
Chính sự chênh lệch và thất thoát tỷ giá hối đoái trong thanh toán khiến không ít các DN nhận nhiều mà lời chẳng bao nhiêu.
Mặt khác, thị trường châu Âu còn tăng cường áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu thông qua các rào cản thương mại, gia tăng những đòi hỏi khắt khe về an toàn chất lượng, áp dụng hệ thống kiểm soát hóa chất có trong các sản phẩm đưa vào EU.
Vì lẽ đó, cũng theo ông Phạm Xuân Hồng: "Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ khó có thể đáp ứng những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội mà các nhà nhập khẩu EU đang ngày càng siết chặt hơn". Để đảm bảo yêu cầu chất lượng cao ngất ngưởng, các doanh nghiệp muốn hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh tại EU càng gặp khó khăn. Đó là chưa kể lượng hàng hóa "dội ngược" vì những phản kháng sau cơ chế bảo hộ của thị trường EU.
Khó trong, khó ngoài
Trong khi thị trường nước ngoài đi xuống thì ở trong nước, tình hình kinh tế và năng lực của các DN dệt may cũng không mấy sáng sủa.
Nợ xấu trong suốt thời gian qua khiến nền kinh tế Việt Nam lao đao khi các dự báo về tương lai không mấy tươi sáng. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất vay vốn cùng các yêu cầu về chuẩn được vay đối với các doanh nghiệp. Vấn đề xảy ra khi các doanh nghiệp vốn gặp khó khăn do ứ động hàng hóa dệt may không có vốn xoay xở để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Và khi ngân hàng vẫn quyết "cứng rắn" thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào phá sản. Nhiều doanh nghiệp hàng dệt may đã đề ra ý định tái cấu trúc sản xuất nhằm cải tiến chất lượng hàng dệt may cũng như tính cạnh tranh mà vẫn không thoát khỏi số phận chết yểu khi thiếu vốn. Còn các doanh nghiệp lớn biết rằng nếu vẫn duy trì lề lối sản xuất hiện tại thì sớm muộn họ cũng "đến đường cùng". Trước mắt họ là hàng trăm tấm gương nợ xấu đã và đang trước bờ vực phá sản.
Bên cạnh đó, việc "miếng ăn ít lại" tại thị trường châu Âu không phải vì đây là một thị trường nhỏ. Thực tế, châu Âu là thị trường lớn nhưng có nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Đơn cử là đối thủ truyền thống Trung Quốc với mức độ cạnh tranh quyết liệt về sản lượng, giá cả lẫn chất lượng sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, Myanmar sau khi hết bị EU cấm vận sẽ cùng Campuchia và nước Bangladesh trở thành các đối thủ nặng kí của Việt Nam khi ba nước này được xuất khẩu hàng dệt may vào EU với thuế suất bằng 0.
Những áp lực cạnh tranh trên cùng cơ chế WTO khiến "sân chơi lớn" chỉ còn lại những doanh nghiệp lớn có chỉ số chịu đựng áp lực cao. Hệ lụy xảy ra là trong quý I năm 2012, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đã giảm đến 25-30% so với cùng kỳ năm 2011. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, thời điểm 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU chỉ đạt 844 triệu USD, giảm 1,4%.
Ngoài ra, trong thời gian qua, có rất nhiều cảnh báo định tính lẫn định lượng về tình trạng hàng dệt may sang EU sau bài học về xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, ngoài giải pháp tạm thời là gói miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 29 nghìn tỷ của Chính phủ khi quyết định giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sử dụng lao động một số ngành trong đó có dệt may thì hiện nay Việt Nam chưa có những biểu hiện cụ thể nhằm tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp cho tương lai.
Kinh nghiệm về những bất ổn gần đây ồ ạt ập đến với nền kinh tế Việt Nam như "nợ xấu", xuất khẩu cá tra... cho thấy chúng ta không được phép lơ là trước những cảnh báo. Nhất là khi "tin đồn" về dệt may bắt đầu thành hiện thực tại thị trường EU khiến khoảng 100.000 công nhân dệt may bị đẩy vào các tình trạng: mất việc vì công ty đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất, giảm lương vì giảm giờ làm, làm thêm nhiều công việc khác để chi trả chi phí sinh hoạt ...
----------------
Tác giả: Đỗ Thiện - Kim Ngân // Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com