Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng gần 17% trong 8 tháng qua. Sắp tới, cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường này lại càng lớn hơn khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 520 triệu USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái, Đây là mức tăng khá ấn tượng, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm lần lượt là 5,8% và 5%.
Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận xét, thị trường Nhật Bản đang giữ vai trò quan trọng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Nếu không có sự bù đắp của thị trường này thì trong những tháng đầu năm, chắc chắn ngành dệt may không có tăng trưởng, kéo theo nhiều áp lực về việc làm, tiền lương và an sinh xã hội.
Ông Giang cho biết, theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2009), hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được giảm thuế. Cụ thể, nếu đáp ứng yêu cầu xuất xứ, sử dụng nguyên phụ liệu của Nhật Bản, Việt Nam và các nước ASEAN, thì hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% so với mức thuế từ 5% đến 10% hiện nay.
Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, người dân Nhật Bản rất ưa thích hàng may mặc làm từ chất liệu bông, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người dân nước này có xu hướng tiêu dùng hàng dệt may giá rẻ nhằm cắt giảm chi phí. Trước xu thế ấy, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách nhập khẩu chuyển từ nguồn cung cấp chính của Trung Quốc sang các nhà cung cấp hàng giá rẻ khác của ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam...
Trong 8 tháng đầu năm nay, các mặt hàng áo thun, áo sơ mi, đồ lót, khăn bông, áo khoác... của các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng khả quan, như kim ngạch xuất khẩu mặt hàng khăn bông tăng 128% so với cùng kỳ năm ngoái, áo thun tăng gần 100%, áo sơ mi tăng 35%, đồ lót tăng 26%...
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, trong xu hướng cầu hàng dệt may thế giới giảm sút thì sự tăng trưởng xuất khẩu tại Nhật Bản sẽ tạo thêm động lực để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Việc có thêm nguồn nguyên liệu được ưu đãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các khách hàng Nhật Bản, bởi đây vốn là một thị trường cực kỳ khó tính.
Điều quan trọng hơn, theo ông Ken Arakawa, Cố vấn đầu tư cao cấp thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), người Nhật Bản đòi hỏi cao về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng của sản phẩm. Họ có thể dùng đồ rẻ tiền, nhưng vẫn đồng ý trả tiền cho những sản phẩm sáng tạo, chất lượng tốt.
Do vậy, để tăng sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam phải giảm tỷ lệ gia công, tăng giá trị gia tăng của hàng may mặc xuất khẩu bằng cách nâng cao năng lực thiết kế thời trang, chọn những mặt hàng đẳng cấp cao để tránh đụng phải hàng giá rẻ Trung Quốc.
(Theo Hải Yến // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com