Đây là ý kiến của ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DM VN (Vitas) về những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối mặt.- Với tư cách “người trong cuộc”, ông có thể cho biết tình hình ngành may VN hiện như thế nào?
Nhìn chung các DN ngành may hiện sản xuất kinh doanh khá ổn định. Đúng là việc giá nguyên liệu tăng cũng ảnh hưởng phần nào nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất xuất khẩu (XK) VN do khoảng 95 - 96% DN ngành may VN sản xuất gia công, nguyên liệu do đối tác đặt hàng cung ứng. Việc giá nguyên liệu tăng cũng sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, cũng là việc mà các đối tác đặt hàng lo, không phải là việc của các DN DM VN.
- Nhưng thưa ông, việc giá nguyên liệu tăng cao có làm cho các đối tác đặt hàng giảm giá gia công, hoặc hủy đơn đặt hàng với các DN VN ?
Việc này cũng khó xảy ra, nếu có cũng không đáng kể. Việc làm ăn là lâu dài và có ảnh hưởng dây chuyền khi có bất kỳ sự thay đổi nào. Khi giá nguyên liệu tăng, bên mua hàng thứ nhất sẽ tăng giá bán để bù lại phần nào, thứ hai có thể trao đổi đàm phán với bên gia công có thể giảm chút ít giá gia công của DN VN. Tuy nhiên, trong ngành may, các HĐ thỏa thuận chung có thể là 6 tháng hoặc một năm, nhưng HĐ cụ thể về số lượng, giá bán... thường chỉ dài 1- 2 tháng. Do vậy, các DN VN vẫn ở thế chủ động khi bàn bạc cụ thể đơn hàng mới, có giảm giá cũng chỉ giảm rất ít do mình cũng khó khăn, cũng bị tăng chi phí về lương, về giá đầu vào...
- Nhưng giá nguyên liệu tăng cao có ảnh hưởng đến các DN sản xuất dạng FOB (tự mua nguyên liệu sản xuất, tự lo bán hàng), thưa ông ?
Như đã nêu, các DN dạng FOB chỉ chiếm khoảng 3- 4% tổng kim ngạch XK của ngành DM VN, mặt khác các đơn hàng cũng thường là rất nhỏ nên ảnh hưởng không lớn đến sản lượng chung. Ngoài ra, việc giá nguyên liệu tăng cũng chỉ ảnh hưởng phần nào đến các DN XK dạng FOB, không nên quá cường điệu. Các DN FOB sẽ đàm phán lại giá mua nguyên liệu, tăng giá bán sản phẩm lên trên cơ sở thỏa thuận thực tế thị trường, và quá trình làm ăn gắn bó uy tín, có thể bị giảm lợi nhuận khoảng 20% so dự kiến.
- Vậy khó khăn lớn nhất của ngành DM là gì, thưa ông ?
Khó nhất là vấn đề thiếu và thất thường của nguồn điện... và khó thứ hai là nhìn chung hiện ngành dệt may đang thiếu khoảng 10% LĐ. Đương nhiên không phải là tất cả các DN đều thiếu LĐ, vì những DN lớn, chăm sóc công nhân tốt thì LĐ ổn định, không thiếu LĐ. Thiếu trầm trọng LĐ nhất là ở các DN chưa chú trọng vấn đề chăm sóc ổn định LĐ, đặc biệc tại các DN có vốn FDI.
- Vậy ông có kiến nghị gì đối với Nhà nước, cũng như lời khuyên gì đối các DN ?
Theo tôi, Nhà nước cần có giải pháp căn cơ ổn định nguồn điện sản xuất. Thứ hai là trong tình hình nói chung là khó khăn của DN, Nhà nước nên giảm và bỏ hẳn việc nộp phí công đoàn bởi các lý do sau: Hiện ngoài phí CĐ mà người LĐ nộp hàng tháng, chủ DN phải trích 2% lợi nhuận nộp phí CĐ, trong đó CĐ của DN được giữ lại 1% còn 1% nộp lên CĐ cấp trên. Nay kiến nghị chỉ nộp lên CĐ cấp trên 0,5%, giữ lại 1,5% cho hoạt động CĐ của DN. DN sẽ dùng khoản 1,5% này, chi thêm nhiều ít tiền tùy DN để chăm sóc công nhân tốt hơn...
Đối với các DN, việc thiếu LĐ một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn đề chăm lo, thực hiện Luật LĐ trong một số DN chưa được tốt. Tôi cho rằng để xảy ra đình công, hầu hết là lỗi của DN đã thiếu chăm sóc công nhân.
Ông Trần Đăng Chúc - TGĐ Cty CP dệt sợi Thiên Nam : Đúng là hiện nay giá bông thế giới lên cao gấp hơn 2 lần giá đầu năm, cũng như việc Ấn Độ giảm và ngừng XK bông. Không biết các Cty khác thế nào, chứ Thiên Nam không xảy ra chuyện các đối tác vì giá bông lên cao mà hủy HĐ giao bông do chúng tôi không mua bông của Ấn Độ. Tuy nhiên, việc giá bông lên cao quá sẽ gây khó khăn nguyên liệu cho DN dệt sợi VN. Riêng Cty chúng tôi thì chỉ đủ nguyên liệu vài tháng nữa. Vấn đề thiếu điện là vấn đề gây khó khăn lớn nhất cho Cty tôi, còn vấn đề LĐ thì ổn định. Nếu DN quan tâm chăm lo tốt cho người LĐ thì vấn đề LĐ không đáng lo lắm. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com