May mặc là một trong những ngành luôn “khát” lao động (ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Cty Việt Tiến) |
Là ngành công nghiệp có kim ngạch XK đứng đầu nền kinh tế, dệt may đang đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho xã hội, XK tăng mạnh, nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động… Thế nhưng trên thực tế không phải mọi chuyện của ngành này đều màu hồng, vẫn có những chuyện có thể coi là… nghịch lý của dệt may.
Lẽ ra việc XK tăng mạnh như vậy là điều các DN dệt may phải mừng, nhưng chính những người trong cuộc lại đang lo bởi càng XK thì càng lỗ. Lý do chính của việc này là thời gian qua giá nguyên liệu tăng khiến giá thành sản xuất ra một sản phẩm tăng hơn so với dự kiến của các DN.
Càng xuất càng... lỗ
Đây đang là một thực trạng hiện nay ở một số DN của ngành dệt may, mặc dù có thể coi năm nay đang là năm "thắng" của dệt may, bởi mới chỉ bắt đầu bước sang Quý II được một thời gian song nhờ những đơn hàng đầy ắp từ cuối năm ngoái mà dệt may hiện đang đứng thứ 4 trong nhóm 6 mặt hàng xuất khẩu đã đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (ước đạt 3,04 tỷ USD qua 4 tháng, tăng 18,9% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do thiếu lao động nên năng lực sản xuất chung của toàn ngành may mặc đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy có thể thấy XK dệt may đã đạt được khoảng 1/3 kế hoạch năm 2010 là 10,5 tỷ USD, và như vậy với tốc độ XK như hiện nay việc đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD đang nằm trong tầm tay ngành dệt may.
Nhiều DN cho biết, để đảm bảo cho ngành dệt may trong nước, thời gian qua Ấn Độ đã cấm XK bông nên giá bông thế giới đang tăng cao, lên đến mức 1,9 USD/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khiến không ít DN sợi VN lo lắng. Lý do là vì hợp đồng xuất khẩu hàng dệt may đã ký từ đầu năm nên không thể ngừng sản xuất, trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nên càng xuất khẩu càng lỗ.
Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ, điều tiết để DN sợi trong nước cung ứng sản phẩm cho DN dệt nhằm ổn định sản xuất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều DN trong ngành cũng lo ngại các Cty nước ngoài giao hàng chậm, khiến DN khan hiếm nguyên liệu, ảnh hưởng đến việc thực hiện các đơn hàng XK đã ký từ đầu năm. Được biết, do giá XK đang cao, nên nhiều Cty bông không mặn mà bán hàng cho các DN nội địa. Để duy trì sản xuất, nhiều DN sản xuất vải sợi phải khắc phục bằng cách vay mượn nguyên liệu lẫn nhau. Đây cũng là điều khiến nhiều DN cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký các hợp đồng cho năm 2011 sắp tới.
Phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập
Nếu ví phát triển DN dệt may ở VN là gã khổng lồ thì phát triển các DN sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may như: dệt, bông, sợi... chỉ được coi là chàng tí hon. Ví như vậy để thấy việc phát triển không đồng đều giữa dệt, bông, sợi... và may là một trong những nguyên nhân khiến các DN dệt may trong nước phụ thuộc quá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đây là điều mà các chuyên gia lo ngại có thể khiến cho tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất sẽ khó giải quyết trong "một sớm một chiều".
Hiện nay nguồn bông, xơ trong nước cũng chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu dệt sợi. Một nguồn nguyên liệu sản xuất khác là phụ kiện như chỉ, khóa kéo, khuy cao, tấm bông lót... trong nước sản xuất được 60-70% nhu cầu. Nhưng phần này chỉ nằm trong 10% nguyên phụ liệu nói chung của sản phẩm. 90% nguyên phụ liệu giá trị gia tăng lớn, quyết định đến giá cả sản phẩm vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Dệt may VN, mỗi năm VN cần trên 2 tỷ m2 vải, nhưng nay trong nước mới đáp ứng được khoảng 1/3, chưa kể là các nguyên phụ liệu từ bông, sợi, chỉ, cúc tỷ lệ nội địa còn rất thấp. Vì vậy, đầu vào ngành may mặc đang NK phần lớn từ các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan... Hiện tại, nhu cầu về nguyên liệu NK để bảo đảm sản xuất cần đến 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim và 60% vải dệt thoi. Qua đó, có thể thấy rằng cả một ngành công nghiệp dệt may gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu nước ngoài
Việc liên tục các nhà máy dệt may khởi động và đi vào hoạt động thời gian qua ở góc độ nào đó đang hứa tăng trưởng kim ngạch XK cũng như chiếm lĩnh nhiều hơn sản phẩm dệt may ở thị trường nội địa. Tuy nhiên việc các nhà máy may XK ra đời liên tục trong khi số lượng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ít sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dệt may cũng như khiến cho các DN thiếu sự lựa chọn cho nguồn cung nguyên liệu.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến nay đã có 5- 6 nhà máy dệt may ở phía Bắc được đưa vào sử dụng cho thấy ngành dệt may đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên số lượng nhà máy dệt, sợi... ra đời so với nhà máy may mặc còn ít. Cụ thể, ngày 10/4/2010, nhà máy Veston cao cấp Hải Phòng (thuộc TCty May 10) đã khánh thành. Nhà máy này có tổng trị giá đầu tư 101,258 tỷ đồng, xây dựng trên khuôn viên 42.508 m2 với hệ thống máy móc sản xuất Veston nam công nghệ Nhật và dây chuyền sản xuất Veston nam công nghệ Âu - Mỹ, hệ thống chuyền treo và giàn thiết bị hiện đại của Đức. Nhà máy có hệ thống kho thành phẩm hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích trên 1.200 m2.
Trước đó, tại Bắc Ninh, Công ty cổ phần Đáp Cầu - Yên Phong tổ chức khánh thành giai đoạn I dự án nhà máy May 8 chuyền sản xuất. Tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy hơn 99 tỷ đồng với năng lực sản xuất khoảng 9 triệu sản phẩm/năm (sơmi quy chuẩn). Quy mô khi xây dựng hoàn chỉnh từ 32 đến 36 chuyền sản xuất, giải quyết cho gần 2.000 lao động khi vận hành đầy đủ.
Ngày 9/4, tại tỉnh Hưng Yên, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Doximex) đã khởi công nhà máy may sản phẩm dệt kim chất lượng cao với công suất 10 triệu sản phẩm/năm và sẽ giải quyết việc làm trên 800 lao động khi nhà máy đi vào hoạt động. Được biết, Doximex đang chuẩn bị cho dự án nhà máy thứ hai tương tự tại Hưng Yên.
Ngày 6/3/2010, Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đón nhận giấy chứng nhận đầu tư và động thổ dự án bao gồm di dời 30.000 cọc sợi từ Hà Nội về Đồng Văn và đầu tư mới 30.000 cọc sợi. Nhà máy xây dựng trên lô đất khoảng 150.000 m2, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 158 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong vòng 2 năm, dự kiến công trình sẽ khánh thành vào ngày mồng 3/2/2012.
Cuối tháng 1 vừa qua, tại KCN nhỏ Kha Sơn - Thái Nguyên, Cty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã khởi công nhà máy May TNG Phú Bình. Dự án nhà máy May TNG Phú Bình có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 9,2 ha, gồm các hạng mục: 2 nhà xưởng may có diện tích trên 2,5 ha, 64 dây chuyền may hàng dệt kim... Lãnh đạo Vinatex cho biết, bên cạnh hàng loạt dự án đang triển khai, Bộ Công Thương đã nhất trí với quy hoạch chi tiết xây dựng hai khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung. Hiện Vinatex đang lập dự án xây dựng chi tiết để trình Chính phủ phê duyệt.
XK hàng đầu, lương lao động... hàng cuối !
Dệt may xưa nay vốn được coi là ngành XK mũi nhọn của nền kinh tế, và dệt may cũng được coi là thế mạnh XK của VN được nhiều nước trên thế giới biết đến. Thế nhưng có một thực tế là mức lương của lao động ngành dệt may hiện nay vẫn được coi là thấp so với những gì mà ngành này mang lại cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Tùng Vân - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Dệt may VN cho biết, 70% lao động trong ngành dệt may hiện là nữ giới. Hơn nữa phần đông trong độ tuổi sinh đẻ nên những đặc điểm về giới tính, thời gian làm việc để lao động thể hiện thiên chức phụ nữ của mình khiến các lãnh đạo DN phải quan tâm hơn. Tuy nhiên, vấn đề còn nhiều trăn trở hơn với lao động dệt may hiện nay là mức lương lao động.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thời gian cuối năm 2009, đầu năm 2010, mức lương trung bình của một lao động ngành dệt may là 1,43 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương còn thấp hơn khá nhiều so với các ngành kinh tế khác, mặc dù sự quan tâm của Nhà nước và các DN đã nâng dần mức lương trong thời gian qua. Mức thấp này có nguyên khách quan là ngành dệt may VN hiện chủ yếu là gia công nên tiền lương chiếm 25 - 27% cơ cấu tài chính của DN (lĩnh vực may chiếm trên 50%), trong khi các ngành khác tỷ lệ này chỉ khoảng 10%. Hơn nữa, những rào cản thương mại của các nước NK, những quy định thương mại nhằm vào lao động giá rẻ VN luôn được đưa ra khiến sản phẩm may mặc, thời trang VN gặp khó khăn ở thị trường các nước. Điều này đang dồn gánh nặng lên chính đôi vai vốn đã nhiều nhọc nhằn của lao động ngành may.
Trong khi mức lương của lao động chưa được tăng nhiều thì chỉ số giá tiêu dùng lại có phần tăng cao hơn (CPI là một chỉ số chính để tính mức lương cho lao động dệt may). Mức lương chỉ đủ cho sinh hoạt tối thiểu với phần nhiều công nhân, sự biến động về giá tiêu dùng là nỗi lo thường trực của không chỉ công nhân mà còn là của lãnh đạo các chủ DN, nhất là trong khi thị trường XK không nhiều thuận lợi.
Lý giải về việc này, giám đốc một DN thuộc hàng lớn trong ngành dệt may cho biết, đơn hàng nhiều hiện cũng chỉ trả cho người lao động bình quân không quá 200 USD/tháng (gần 4 triệu đồng/tháng) trong khi giá nguyên liệu tăng cao, giá cả sinh hoạt, lương cơ bản cũng tăng... khiến cho DN dù có muốn cũng khó đáp ứng được mong muốn của người lao động.
Thay lời kết
Ngành dệt may là ngành XK quan trọng của đất nước, hiện nay được coi là ngành đi đầu, mũi nhọn cho XK, đem lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển ngành này được cân bằng và có tính bền vững, thiết nghĩ việc phát triển và chủ động nguồn nguyên liệu là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần xem xét kỹ càng. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu NK sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới việc chất lượng XK. Lợi thế cạnh tranh XK hiện nay không chỉ nằm ở giá mà nó bao gồm cả thời gian giao hàng, chất lượng gia công sản phẩm, quy trình sản xuất khép kín... Hay nói khác đi là đối tác sẽ cân nhắc chọn bạn hàng dựa trên khả năng chủ động sản xuất.
Hi vọng rằng, với hàng loạt dự án phát triển bông, sợi, nhất là dự án nhà máy sản xuất sợi polyester, công suất 160.000 tấn/năm do các DN phía Nam đầu tư và một số nhà máy do DN nước ngoài đầu tư ở khu vực phía Nam sẽ đi vào hoạt động thời gian tới sẽ giải quyết phần nào bài toán thiếu nguyên liệu của ngành dệt may hiện nay
Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, thị trường... nên chăng các DN cũng cần chú trọng hơn nữa tới đời sống của người lao động dệt may, một ngành có tới 70% lao động là nữ giới.
Ngành dệt may VN ký thoả ước lao động tập thể Được biết, Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) và Công đoàn Dệt may VN đã tổ chức Lễ ký kết thoả ước lao động tập thể ngành dệt may VN. Tham gia lễ ký thoả ước lao động tập thể là đại diện lãnh đạo của 69 doanh nghiệp trong ngành dệt may với trên 90.000 lao động. Nội dung của thoả ước lao động tập thể được ký quy định đối với người lao động là công nhân, nếu làm việc đủ theo thời gian làm việc tiêu chuẩn (đủ 12 tháng và đủ thời gian tiêu chuẩn trong tháng) và đảm bảo định mức lao động và chất lượng thì người sử dụng lao động đảm bảo mức thu nhập bình quân/năm, gồm tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng (không kể tiền ăn ca và bảo hiểm)... Hàng năm, mức thu nhập này sẽ được điều chỉnh căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh và chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố. Trong thời gian áp dụng, nếu người sử dụng lao động thực hiện đúng các nội dung của thoả ước thì tập thể người lao động không tự ý tổ chức đình công về những nội dung đã được thoả thuận. Trường hợp người lao động đình công không đúng trình tự của pháp luật thì ngay sau khi đình công, Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải cử đại diện để đàm phán với người sử dụng lao động. Vê trách nhiệm của hai bên ký kết, khi co tranh chấp dẫn đến đình công thì Vitas và Công đoàn Dệt may VN phải cử đại diện phối hợp cùng với DN và các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật... |
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com