Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp dệt may phát triển thị trường trong nước

Một phân xưởng may của
Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến.
Ngành dệt may là một trong những ngành sản xuất hàng tiêu dùng quan trọng. Thời gian qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng các doanh nghiệp (DN) dệt may cùng với sản xuất mặt hàng mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, còn đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường trong nước.
 
Nhất là từ khi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động, các DN dệt may càng có thêm thời cơ mới để phát triển thị trường trong nước đầy tiềm năng.

Khác với những năm trước đây, các DN dệt may chỉ tập trung gia công hàng cho các hãng nước ngoài, giờ đây khi bước vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại ngay trên thị trường trong nước thì hầu hết các DN đều đầu tư nghiên cứu, xây dựng thương hiệu và cách làm cụ thể.

Sớm định hướng vào thị trường trong nước, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến từng bước khẳng định thương hiệu của mình đối với đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Người ta tìm mua sản phẩm "Viettien" vì nó đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của người tiêu dùng là: tốt - đẹp - giá phải chăng. Xây dựng chỗ đứng trên thị trường, từ năm 1998 hàng Việt Tiến tăng trưởng ở thị trường trong nước từ 30% đến 35%/năm, đến nay chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng doanh thu của tổng công ty.

Không thỏa mãn với kết quả đạt được, nhiều năm qua, Việt Tiến liên tục đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Việt Tiến đặc biệt chú trọng đầu tư vào công tác thiết kế, nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm khác nhau với những thương hiệu phù hợp nhiều đối tượng khách hàng với những phân khúc thị trường trong nước khác nhau, trong đó chú trọng đối tượng khách hàng có thu nhập khá, có mức sống trung lưu. Sau một thời gian nghiên cứu và thăm dò thị trường, DN này đã mạnh dạn cho ra đời một thương hiệu mới mang tên San Sciano nhằm phục vụ đối tượng khách hàng có thu nhập cao, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài. Sau gần hai năm tung sản phẩm ra thị trường, thương hiệu San Sciano đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Từ bảy cửa hàng chủ yếu tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đến nay thương hiệu San Sciano đã phát triển lên 20 cửa hàng ở các thành phố lớn. Doanh thu mặt hàng này trong năm nay ước tính sẽ tăng gấp gần sáu lần so với năm ngoái. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến Phan Văn Kiệt cho biết: Hiện nay, Việt Tiến đang chuẩn bị đưa ra thị trường một thương hiệu mới đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động ở khắp mọi miền đất nước.

Cùng với việc đầu tư sản xuất và thiết kế mẫu mã mới, Tổng công ty coi trọng phát triển hệ thống phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Ðến nay, DN này đã xây dựng được hơn 1.000 cửa hàng và đại lý ở 63 tỉnh, thành phố, vươn tới nhiều vùng xa xôi như đảo Phú Quốc. Một yếu tố không kém phần quan trọng giúp hàng may mặc Việt Tiến gần gũi với người tiêu dùng là Tổng công ty tham gia tích cực làm việc tình nghĩa, chia sẻ hàng chục tỷ đồng trích từ lợi nhuận với cộng đồng.

Hướng vào thị trường trong nước có phần muộn hơn nhưng Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC) lại có bước đi xây dựng thương hiệu khá táo bạo, liên kết về thiết kế và kỹ thuật với nhà kinh doanh thời trang chuyên nghiệp I-ta-li-a và các nhà thiết kế thời trang có tên tuổi ở Việt Nam như Lâm Hồng Phúc và Ðỗ Mạnh Cường xây dựng một số thương hiệu mạnh. Sau khi đã thành công ở thương hiệu Noventi, năm 2009, NBC cùng một lúc tung ra thị trường hai thương hiệu mới. Ðó là thương hiệu Mattana, dòng sản phẩm thời trang công sở nam, nữ trẻ trung, khỏe mạnh, duyên dáng và thương hiệu De Celso, dòng sản phẩm cao cấp sang trọng và hiện đại thông qua chuyển giao thiết kế và công nghệ của I-ta-li-a.

Tổng Giám đốc NBC Dương Thị Ngọc Dung cho biết: Mặc dù tỷ trọng hàng trong nước trong tổng doanh thu của NBC chưa nhiều nhưng tốc độ phát triển khá nhanh. Năm 2007, doanh thu trong nước chỉ đạt 57 tỷ đồng, chiếm 5% trong tổng doanh thu, đến năm 2008 tăng lên 107 tỷ đồng, chiếm 7% và năm nay dự kiến 247 tỷ đồng, chiếm 14%.

Ðối với Tổng công ty cổ phần Phong Phú, từ lâu, mặt hàng khăn bông của Dệt Phong Phú được tín nhiệm trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Nhưng mấy năm nay, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã quen sử dụng sản phẩm cao cấp này. Những năm gần đây, bên cạnh tiếp tục giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, Dệt Phong Phú còn đẩy mạnh tiêu thụ khăn bông ở thị trường trong nước thông qua các đại lý bán sỉ ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Vinh (Nghệ An), Phan Thiết. Doanh thu bán hàng ở thị trường trong nước tăng từ 66 tỷ đồng năm 2007 lên 129 tỷ đồng trong chín tháng đầu năm 2009.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú Phạm Xuân Trình cho rằng, chủ trương giữ vững chất lượng hàng trong nước cũng như hàng xuất khẩu cả về nguyên liệu, mẫu mã, chất lượng, mà điển hình là mặt hàng khăn bông quấn cho trẻ sơ sinh cung cấp cho Bệnh viện Từ Dũ đã giúp DN tăng lượng hàng hóa tiêu thụ hằng năm.

Ðể Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phát huy hiệu quả cùng với tuyên truyền cổ vũ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam điều quan trọng nhất là các nhà sản xuất cần làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước. Muốn đạt được mục tiêu này, ngành dệt may phải tiếp tục đầu tư công nghệ mới, giảm thiểu tác động môi trường cả ở nơi làm việc của người lao động, cũng như môi trường sống. Coi trọng ngang nhau cả hai nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, với DN dệt cần đặt mục tiêu bảo vệ môi trường trên cả mục tiêu kinh tế. Làm cho sản xuất của ngành dệt thân thiện với môi trường hơn. Từng DN nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Chủ động đầu tư mở rộng hệ thống kênh phân phối; chuỗi cửa hàng tự chọn; công khai, minh bạch giá bán có sức cạnh tranh cao. Tin rằng sản phẩm may mặc của các DN dệt may chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước.

(Theo NGUYỄN PHAN TOÀN // Báo Nhân dân điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container