Để nâng cao thu nhập cho công nhân, hiệp hội Dệt may Việt Nam nên hướng cho các doanh nghiệp cùng nhau tăng giá xuất khẩu. Điều này có thể thực hiện được nếu có sự phối hợp, chia sẻ thông tin tốt giữa các doanh nghiệp.
Với kim ngạch xuất khẩu trên 11,2 tỉ USD trong năm 2010, tăng hơn 23% so với năm trước, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, năm 2011, các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật đều tăng nhập khẩu, các nước ở châu Á, châu Phi, Trung Đông cũng đặt hàng nhiều hơn. Ông Hồng cho rằng, tuy chịu sức ép cạnh tranh ở các nước có nguồn nhân lực rẻ như Bangladesh, Pakistan, Myanmar… nhưng Việt Nam có ưu thế hơn về tay nghề và chất lượng sản phẩm.
Ngay sau tết, tình hình giá cả sinh hoạt trong nước đã tăng khá cao, tiền điện, nước, nhà trọ cũng tăng đã tác động xấu đến sự ổn định đội ngũ công nhân khiến cho nỗi lo định kỳ của doanh nghiệp dệt may càng lớn. Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP.HCM phân tích, nếu nhìn chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,75% trong năm qua sẽ thấy việc cải thiện thu nhập từ 10 – 15% cho công nhân trong năm 2010 chỉ đủ bù tốc độ tăng giá tiêu dùng. Theo ông Kiệt, trên thực tế là giá những mặt hàng thiết yếu tăng đến 20 – 30% nên họ cũng không thoát khỏi khó khăn.
Các doanh nghiệp đều phấn đấu năm nay mức thu nhập tối thiểu cho công nhân ngành dệt may là 3,5 – 4 triệu đồng/tháng, đảm bảo các quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản phúc lợi khác. Ông Nguyễn Ân, tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex Saigon) chia sẻ, thu nhập 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng mà công nhân Garmex Saigon không phải tăng ca, không làm ngày chủ nhật và không làm quá sáu giờ chiều mỗi ngày. Ban lãnh đạo may Việt Tiến xác định tăng năng suất lao động, nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động là chìa khoá giải mã cho mọi dự án đầu tư. May Việt Tiến quyết tâm giảm giờ làm ngay những ngày đầu năm, phấn đấu làm cho thu nhập của công nhân ngành may đạt đến mức chịu thuế thu nhập cá nhân.
Theo ông Ngô Trung Kiên, tổng giám đốc công ty cổ phần may Sài Gòn, trong năm 2011, nhu cầu về hàng dệt may ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật chuyển sang hàng phẩm cấp cao nhiều hơn, cùng số lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch sẽ cao hơn. Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị để tăng thu nhập cho công nhân bằng cách làm cho nhà nhập khẩu phải chấp nhận mua hàng dệt may Việt Nam với giá tốt hơn. Hiệp hội Dệt may Việt Nam nên hướng cho các doanh nghiệp cùng nhau đẩy giá lên, tăng giá xuất khẩu thông qua sản xuất hàng FOB. Điều này có thể thực hiện được nếu có sự phối hợp, chia sẻ thông tin tốt giữa các doanh nghiệp.
Tính toán của doanh nghiệp trong ngành dệt may, qua tìm hiểu, tuy đã có dự tính về lãi suất cao và giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng vẫn còn ẩn số phụ thuộc sự điều chỉnh giá bán điện cho sản xuất hay giá xăng dầu trong thời gian tới. Một số doanh nghiệp lo lắng các biến số này sẽ không ủng hộ họ trong việc nâng thu nhập cho công nhân.
(Theo Các Ngọc/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com