“Công nhân ở các ngành khác được nhận vào làm, thì chỉ cần một, hai tháng đào tạo là có thể trở thành công nhân thực thụ, nhưng công nhân dệt phải đào tạo 6 tháng thì mới làm được việc, vì mẫu mã dệt thay đổi liên tục...”, ông Khoa nói và cho biết, mỗi năm, Công ty Thái Tuấn dành ra 4 - 5 tỷ đồng cho đào tạo lao động mới (một khoản tiền đáng kể), song tỷ lệ biến động nhân sự của Thái Tuấn cũng rất lớn (26% trong tổng số 1.200 công nhân dệt trong năm 2009).
Điều đáng nói nữa là, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ ngành dệt hiện gần như bỏ ngỏ. “Trước đây, Trường Đại học bách khoa và Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM đều có khoa công nghệ dệt, nhưng nay không còn nữa. Vì thế, nhiều năm qua, Thái Tuấn phải tự đào tạo để có nguồn nhân lực dệt của riêng mình”, ông Khoa nói.
Bà Bùi Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty cổ phần Sản xuất - Dịch vụ Dệt Phước Long cũng nhận xét, nhân sự trong ngành dệt hiện rất khan hiếm, phần lớn các DN phải tự tổ chức đào tạo công nhân, nhưng khi công nhân đã lành nghề thì DN phải có những chính sách ưu đãi tốt mới mong giữ được họ. “Chúng tôi phải trả chi phí nhân công cao mới giữ được công nhân. Điều này khiến giá thành sản phẩm dệt đội lên cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm dệt của Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ…”, bà Phượng nói và cho biết, khi công nhân không được đào tạo bài bản, thì các DN buộc phải sử dụng nhiều lao động phổ thông, dẫn đến nguy cơ tỷ lệ hàng hóa bị lỗi, hư hỏng cao, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận.
Bên cạnh đó, hiện các DN ngành dệt còn gặp khó khăn về nguyên, vật liệu nhập khẩu. Theo thống kê, DN trong ngành dệt phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu bông, tơ, sợi. Chính vì lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nên mới đây, khi tỷ giá hối đoái VND/USD biến động, các DN ngành dệt lại càng gặp khó khăn hơn. Hơn nữa, lợi nhuận của ngành dệt thường không cao, bởi các DN nhập nguyên liệu phải đóng thuế suất thuế nhập khẩu trên 10% (chỉ có sợi polyester được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%). Mặt khác, những rào cản về xuất khẩu như chất lượng, hóa chất độc hại… đã đẩy chi phí sản phẩm dệt lên cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thực tế Vinatex hiện có đến 5 trường cao đẳng và đại học tổ chức tuyển sinh hàng năm cùng với hệ thống giáo dục quốc gia trong đó có ngành sợi, dệt, nhuộm, may, trong đó, ngành may mạnh nhất, tuyển sinh được nhiều nhất, với khoảng 5.000 sinh viên mới/năm. Ngành dệt, sợi, nhuộm ít hơn nhưng cũng luôn ở mức 1.000 sinh viên/năm (hệ cao đẳng). Hệ đại học chính quy tập trung hiện nay trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 50 kỹ sư (rất ít so với nhu cầu), hệ tại chức đóng góp thêm khoảng 200 kỹ sư mới. Phần lớn các lớp tại chức là do Vinatex tổ chức cho các DN thành viên và các giáo viên Đại học Bách khoa Hà Nội trực tiếp giảng dạy.
Về định hướng phát triển ngành dệt, ông Trường cho biết, Vinatex vẫn xác định phát triển dệt – nhuộm là 1 trong 3 chương trình chiến lược và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, bao gồm cả mở rộng về năng lực sản xuất, nâng cấp chất lượng đảm bảo cung cấp 1 tỷ mét vải cho may xuất khẩu.
“Phương thức thực hiện là Vinatex đầu tư các khu công nghiệp, có đầy đủ các điều kiện xử lý chất thải, gần các trung tâm ngành may, hình thành chuỗi DN dệt - may để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, hình thành các công ty cổ phần, liên doanh; mua, chuyển giao công nghệ làm vải. rút ngắn thời gian đưa ra sản phẩm đạt chuẩn phục vụ may mặc xuất khẩu...”, ông Trường nói.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com