![]() |
Hy vọng TPP là cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ảnh: T.L |
Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của Mỹ, được xem là cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có dễ dàng nắm bắt cơ hội hay không?
Hiện TPP vẫn đang được 9 nước thành viên đàm phán, trong đó vòng đàm phán thứ 7 diễn ra tại Việt Nam vào tháng 6-2011. Trong 9 nước tham gia TPP, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt với ngành dệt may vốn chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Dệt may – ngành nhạy cảm của Mỹ
Theo một luật sư Mỹ, phần lớn cơ sở sản xuất của Mỹ về dệt may đã chuyển sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Hiện ngành sản xuất dệt may tại Mỹ rất nhỏ về quy mô, nhưng được bảo vệ kỹ lưỡng.
Mỹ thường có ba cách thức bảo vệ ngành công nghiệp dệt may trong các hiệp định thương mại tự do, là: lộ trình giảm thuế chậm, quy tắc xuất xứ khắt khe, xác nhận hàng hóa rất phức tạp. Trong hiệp định thương mại tự do Mỹ ký với các nước khác nhau thì thường cắt giảm thuế xuống bằng 0% với nhiều mặt hàng, nhưng lộ trình cắt giảm thuế lại chậm đối với ngành hàng dệt may.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ đã ký với các nước khác, thường có một đàm phán riêng về dệt may và nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi trở đi (yarn-forward) áp dụng cho mặt hàng may mặc.
Theo nguyên tắc này, sản phẩm dệt may được hưởng ưu đãi thuế chỉ khi có sợi, và các công đoạn sau sợi (gồm vải, cắt và may) được thực hiện tại các nước tham gia hiệp định, và sơ thì được phép có nguồn gốc từ nước không tham gia hiệp định.
Theo bà Dung, nếu nguyên tắc “yarn-forward” được áp dụng trong TPP, thì dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ không được hưởng lợi ích gì, và nhà đầu tư của Mỹ tại Việt Nam cũng không được lợi vì họ cũng chỉ đầu tư ở công đoạn cắt và may.
Hiện các bên tham gia đàm phán cũng chưa đưa ra đề xuất cụ thể về nguyên tắc xuất xứ với ngành dệt may. Tuy nhiên, một bài viết trên trang just-style.com phân tích về việc tại sao Việt Nam là mối đe dọa lớn nhất cho ngành dệt may của Mỹ trong TPP đăng ngày 2-6-2011, cho biết một nhóm gồm 52 nhà làm luật ở Mỹ vốn có liên quan đến ngành dệt Mỹ đã gửi một lá thư lên đại diện thương mại Mỹ (USTR) Ron Kirk nhằm kêu gọi áp dụng các luật lệ hà khắt với Việt Nam cho đến khi các nguyên tắc thị trường tự do được áp dụng.
Kêu gọi doanh nghiệp đóng góp ý kiến trong TPP
Trong khi mọi thứ vẫn còn đang đàm phán, một nhóm đại diện các hiệp hội của Mỹ trong ngành may mặc, như Hiệp hội may mặc và giày của Mỹ (AAFA) và Hiệp hội các công ty hàng đầu trong ngành bán lẻ Mỹ (RILA), tuần rồi đã đến TPHCM để tìm "tiếng nói chung" từ doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Trong một buổi họp báo chiều 17-6, ông Stephen Lamar, Phó chủ tịch của AAFA và bà Stephanie Lester, Phó chủ tịch của RILA, cho biết họ ủng hộ nguyên tắc xuất xứ đơn giản và linh hoạt để tạo cơ hội cho thương mại trong ngành dệt may toàn cầu phát triển, thay vì hạn chế bằng các quy tắc khắt khe.
Hai đại diện này cũng nhấn mạnh ngành dệt may Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với các thành viên của họ vốn đang làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Có ý kiến phản đối việc TPP mở cửa cho hàng dệt may Việt Nam, nhưng “chúng tôi không phải là họ”, bà Stephanie Lester cho biết.
Ông Stephen Lamar và một số đại diện khác ngành may mặc Mỹ đã gặp gỡ các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam trong hội thảo cùng ngày. “Mục đích của hội thào là phổ biến để bạn hàng Việt Nam biết và tham gia đóng góp ý kiến, tác động cho đàm phán TPP vì các chính phủ cần nghe nhiều nguồn để biết được lợi ích”, ông Stephen Lamar cho biết.
Bà Stephanie Lester cũng cho biết sẽ phản ảnh ý kiến đến những người tham gia đàm phán TPP và Quốc hội Mỹ. Bà khá lạc quan về cơ hội TPP đem lại cho ngành may mặc của Việt Nam cũng như về các nguyên tắc xuất xứ đơn giản và linh hoạt hơn để đảm bảo TPP sẽ làm tăng tốc thương mại và đầu tư, đặc biệt của ngành may mặc.
Hiện xuất khẩu dệt may từ Việt Nam sang Mỹ đóng góp 61% tổng thu từ thuế của Mỹ từ tất cả mặt hàng nhập khẩu từ 8 nước tham gia TPP (gồm Singapore, Chile, Úc, Peru, New Zealand, Malaysia, Brunei và Việt Nam). Trong năm ngoái, Việt Nam cũng xuất khẩu 6 tỉ đô la Mỹ hàng dệt may vào Mỹ - thị trường chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Mỹ, nhưng chỉ chiếm 8% thị phần tại Mỹ, trong khi Trung Quốc là 42%. Hiện Việt Nam cũng nhập khá nhiều bông (cotton) từ Mỹ. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com