Với dự báo, ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015.
Xuất khẩu tăng cao, thị trường nội địa khởi sắc
Dệt may luôn là một trong những nhóm ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bất chấp nhiều khó khăn ngành luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 17%/năm. Theo số liệu mới đây của Bộ Công Thương, tháng 11 là tháng thứ 5 liên tiếp ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành 11 tháng năm 2010 đạt 10,36 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2009. Không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng ở những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, ngành còn chú trọng phát triển, mở rộng những thị trường mới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…
DN ngành dệt may cũng đã coi trọng hơn thị trường trong nước. Nhiều DN trong ngành đầu tư mạnh vào nghiên cứu thị trường, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới, tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn; tham gia tích cực những chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Doanh nghiệp dệt may đồng hành cùng đồng bào biển đảo của tổ quốc”. Các DN không những tăng thêm được doanh thu, lợi nhuận, mà còn thiết lập, mở rộng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. Với mức tăng trưởng bình quân 15-18%/năm, thị trường nội địa của ngành dệt may đang thực sự khởi sắc và thu hút ngày càng nhiều các DN, các nguồn đầu tư.
Mục tiêu chiến lược
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam: So với những nước xuất khẩu hàng dệt may khác như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… trong những năm tới, Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh, thậm chí có phần thuận lợi hơn. Do đó, trong chiến lược phát triển, ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2015 là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, phấn đấu đến năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa là 60% và thu hút trên 2,5 triệu lao động. Đặc biệt, phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực…
Để đạt được những mục tiêu đó, ngành dệt may sẽ tập trung phát triển theo hướng “chất lượng, thời trang, trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường”. Đặc biệt, việc tái cơ cấu về phương thức kinh doanh trong ngành may xuất khẩu cũng sẽ theo hướng chuyển dần từ phương thức gia công sang bán sản phẩm với thiết kế của chính các DN trong nước; việc tái cơ cấu đẳng cấp về sản phẩm của ngành may xuất khẩu sẽ đi vào hướng chất lượng cao, chứ không làm những sản phẩm cấp thấp, đẩy mạnh chương trình thời trang hóa ngành dệt may đi đôi với xây dựng thương hiệu thời trang.
Còn tại thị trường nội địa, mỗi DN sẽ tiếp tục phong cách và tính chuyên biệt của các sản phẩm, từ đó có thể chiếm lĩnh những mảng thị phần là thế mạnh. Trong đó, việc tăng năng lực cạnh tranh và lập sơ đồ phát triển ngành may tại các địa phương được đặc biệt chú trọng. Để làm tốt điều này, Tập đoàn Dệt may cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao, đồng thời giải quyết được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định nguồn lao động. Hiện Tập đoàn Dệt may đã nghiên cứu và xây dựng sơ đồ phát triển ngành may tại các địa phương tùy vào nguồn lao động và điều kiện về giao thông để có hướng phát triển dài hơi cho toàn ngành; chuyển dịch sản xuất, các dự án dệt nhuộm ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung có hệ thống xử lý nước thải, môi trường, đồng thời kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào ngành dệt.
Về tính thiết thực của mục tiêu chiến lược của ngành dệt may đến năm 2015, ông Vũ Đức Giang chia sẻ: Với tiềm lực phát triển và khả năng cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam hiện nay, thì việc hoàn thành mục tiêu này là hoàn toàn có thể. Hơn nữa, ngành dệt may còn phấn đấu trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn và xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội và nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc khu vực và quốc tế./.
(ven)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com