Ngành dệt may liên tục nhận được đơn hàng xuất khẩu cho năm 2011 |
Theo khuyến cáo của Hội Dệt may- Thêu - Đan TP.HCM (Agtek), trước việc nhiều nhà nhập khẩu đổ dồn đơn hàng sang Việt Nam, các DN sẽ có cơ hội được lựa chọn các đơn hàng có giá trị, nhưng cũng cần tính toán cẩn thận trước khi chính thức ký kết hợp đồng.
Tại buổi gặp mặt các DN dệt may phía Nam vừa được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức ở TP.HCM, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, mặc dù hoạt động xuất khẩu dệt may năm 2010 đang rất khả quan, đạt kim ngạch lớn, đơn hàng nhiều, song nhiều DN e ngại rằng, lợi nhuận thu được không cao.
Theo nhận định chung, trong 2 tháng cuối năm 2010 và năm 2011, DN dệt may còn gặp không ít khó khăn. Đó là giá bông, xơ tăng cao kéo theo chí phí đầu vào tăng, giá nhân công tăng…
Ông Lê Trung Hải, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, giá bông nhập khẩu giao trong tháng 12/2010 đã vọt lên mức 3,05 USD/kg, tăng hơn gấp 2 lần so với mức giá 1,3-1,4 USD/kg được duy trì trong vài năm gần đây.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên nhận xét, nếu so với năm 2009, khi nhiều DN không có việc để làm, thì năm 2010 và dự báo cả năm 2011, ngành dệt may sẽ làm không hết việc do liên tục nhận được nhiều đơn hàng từ các nhà nhập khẩu.
“Khi có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, lựa chọn khách hàng và sản phẩm, thì hoạt động sản xuất - kinh doanh lại đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh. Do vậy, DN khó lòng có được lợi nhuận cao”, ông Dương nói.
Ông Bùi Đình Thành, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần May Hoà Thọ cho hay, dù đơn hàng khá dồi dào, nhưng các DN phải tính toán kỹ bài toán hiệu quả kinh doanh. khi giá vải đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng như giá bông nhập khẩu vào cuối năm 2010 và năm tới dự báo sẽ tăng mạnh. “Nếu không có kế hoạch và nguồn vốn chuẩn bị cho dự trữ bông vào thời điểm giá phù hợp, thì DN sẽ rất bị động”, ông Thành cảnh báo.
Đây cũng là nỗi băn khoăn của phần lớn các DN đang dần bứt ra khỏi gia công 100% để làm hàng FOB, nhằm hướng đến doanh thu và lợi nhuận tốt hơn. Nhưng câu chuyện mua nguyên liệu dự trữ cũng đang nằm ngoài tầm với của không ít DN vì tình trạng thiếu vốn. Rất ít DN có đủ tiềm lực tài chính để bỏ tiền ra mua nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất. Nếu vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu dự trữ thì với mức lãi suất như hiện nay cũng không mang lại hiệu quả cao.
Thực tế này đẩy DN luôn ở trong vòng luẩn quẩn và bị động trong sản xuất, gặp khó trong tính toán giá xuất khẩu, vì không biết sau khi ký xong hợp đồng xuất khẩu, giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ diễn biến ra sao.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com