Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành da giày: Tự chủ không dễ

Do sản xuất nguyên phụ liệu trong nước kém phát triển ngành da giày Việt Nam hiện chủ yếu vẫn làm gia công cho nước ngoài là chính

 

Do sản xuất nguyên phụ liệu trong nước kém phát triển ngành da giày Việt Nam hiện chủ yếu vẫn làm gia công cho nước ngoài là chính

Với thực tế các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang đóng góp tới 65-75% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của toàn ngành thì việc chuyển đối phương thức từ gia công sang tự chủ là điều không dễ dàng đối với ngành da giày Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tòng - Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Việt Nam cho hay, hiện các nước lân cận như Trung Quốc đang có chiến lược không khuyến khích sản xuất nhiều thông qua việc đóng cửa các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Vậy Việt Nam sẽ tiếp cận vấn đề ra sao khi trên thực tế các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ lệ chi phối trong kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Thống kê của Hiệp hội Da Giày Việt Nam cho biết, tới hết năm 2008, trên 50% doanh nghiệp xuất khẩu lớn là các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Hiện cả nước có 235 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, chủ yếu đến từ Đài Loan và Hàn Quốc. Với tiềm lực tài chính, quy mô sử dụng lao động từ vài chục tới vài trăm ngàn người, sự đóng góp của khối doanh nghiệp này là không hề nhỏ, xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

2,79 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu mà ngành da giày đạt được trong 8 tháng đầu năm

Còn các công ty trong nước, tuy chiếm hơn 50% số lượng doanh nghiệp toàn ngành nhưng đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ có 20 doanh nghiệp có quy mô lớn như CTCP sản xuất - đầu tư Thái Bình, Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Công ty Sao Vàng, Công ty Duy Hưng, Biti’s, Thượng Đình, Khải Hoàn… Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, có tới 70% số lượng các doanh nghiệp trong nước hiện đang làm gia công cho nước ngoài.

Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước có muốn thoát khỏi cảnh gia công cũng không hề dễ. Lý giải về điều này bà Tòng nói:“Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thì vướng giá nguyên phụ liệu cao, dẫn tới việc sản phẩm làm ra không có tính cạnh tranh cao. Nếu tự sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng nhu cầu của mình thì lại vướng đầu ra bởi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có sự liên kết chặt chẽ, không dễ xen được vào để bán hàng cho họ”.

Cũng do làm gia công là chính nên những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cộng với việc rà soát cuối kỳ vụ kiện phá giá các loại giày có mũ từ da xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc của EU - dẫn tới việc các sản phẩm của ngành không được hưởng ưu đãi thuế quan GSP khi xuất khẩu vào thị trường này - nên kim ngạch xuất khẩu giày dép 8 tháng đầu năm đã giảm sút đáng kể, chỉ đạt mức 2,79 tỷ USD - giảm 327 triệu USD so với cùng kỳ năm 2008.

Đáng nói hơn là nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hiện thực sự đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một cuộc khảo sát được Hiệp hội Da Giày phối hợp với Vụ Công nghiệp nhẹ và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thực hiện vào tháng 4/2009 đã cho thấy thực tế này. Từ trước năm 2008, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với những tên tuổi quen thuộc trong ngành như Pou Yuen, Pou Chen (Đài Loan), Shang Hung Chen, Tea Kuang Vina (Hàn Quốc)… đang sản xuất trực tiếp cho các hãng giày có thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Puma, Rebook… hầu như không bị ảnh hưởng từ vụ kiện chống bán phá giá. Quy mô sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn giữ được đà tăng trưởng với mức 12 - 17%/năm. Thế nhưng, sang đến năm 2009, các tập đoàn lớn đã bắt đầu tính tới chuyện chuyển dịch sản xuất từng bước sang các nước châu Á khác như Ấn Độ, Indonesia, Campuchia hay Myanmar do lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đã bị giảm sút vì không được hưởng ưu đãi GSP do bị kiện bán phá giá. Cùng với suy thoái kinh tế, đơn hàng của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng giảm mạnh, từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn hàng và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp chỉ được báo trước 1 - 3 tháng, thay vì 6 tháng đến 1 năm như trước đây và thời hạn thực hiện hợp đồng lại rất ngắn.

Hiệp hội Da Giày Việt Nam cũng cho hay, hãng Nike đã thông báo ngừng sản xuất ở Công ty Samho Việt Nam để dồn đơn hàng cho các doanh nghiệp còn lại. Còn hãng Adidas tuy không đóng cửa nhà máy nào ở Việt Nam nhưng đã thực hiện chiến dịch giảm đều đơn hàng ở tất cả các doanh nghiệp sản xuất hàng cho hãng này và chỉ duy trì ở mức 70 - 90% năng lực. Thực tế này đã khiến cho mục tiêu 5,1 tỷ USD xuất khẩu từ mặt hàng giày dép trong năm 2009 trở thành một cái đích khó có thể đạt được.

Để chủ động được trong sản xuất lẫn kinh doanh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn phải vượt qua quãng đường rất dài. Đánh giá của một số Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho hay, phần lớn giày dép của Việt Nam thuộc loại có chất lượng trung bình trở xuống, giá bán lẻ dưới 40 USD/đôi và được kinh doanh thông qua đối tác thứ 3. Nhưng, ngay cả khi các sản phẩm này mới ở cấp độ trung bình, phục vụ số đông với giá rất rẻ thì khách hàng vẫn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm cùng các vấn đề về an toàn vệ sinh lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do chưa có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước đáp ứng cho nhu cầu sản xuất giày dép nên có tới 60% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Do vậy, dù có tới 90% sản lượng làm ra được xuất khẩu thì lợi nhuận thu về của ngành này cũng chỉ đạt 25 - 30% giá trị gia tăng mà thôi, bởi vẫn dựa vào giá nhân công rẻ là chính.

Đáng nói, đa phần các doanh nghiệp da giày lớn và trung bình hiện đang say sưa với thị trường xuất khẩu mà gần như quên lãng thị trường nội địa. Thị trường trong nước, với nhu cầu 130 triệu đôi/năm, đang được để lại cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước và một phần không nhỏ là hàng nhập khẩu.

Giảm nhập khẩu sữa và ôtô

Bộ Công Thương cho biết kim ngạch nhập khẩu tháng 8 của một số mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu đã có sự giảm sút mạnh so với tháng 7, trong đó lượng sữa và sản phẩm từ sữa nhập khẩu giảm 13,1%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 2,4%. Thống kê cho thấy trong tháng 8 các doanh nghiệp đã nhập khẩu lượng sữa và sản phẩm từ sữa với tổng trị giá 35 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm của mặt hàng này lên 304 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa giảm đã 15,9%. Một số mặt hàng nhập khẩu có mức giảm khác như xe máy nguyên chiếc giảm 8,9%; linh kiện, phụ tùng xe gắn máy giảm 17,5%... Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành sữa vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn do giá sữa nhập khẩu tăng cao. Lượng sữa bột sản xuất trong nước tháng 8 ước đạt 4,5 nghìn tấn, tăng 18,4% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng ước đạt 26,7 nghìn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

 

(Theo Thu Nga // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Ngành Da - giày: Bài toán cân đối xuất khẩu và nội địa
  • Điểm tin xuất nhập khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam
  • Ngành dệt may phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 9,2 tỷ USD năm 2009
  • Nga sẽ tăng thuế nhập khẩu giày lên 15%
  • Ngành dệt may thời suy giảm kinh tế:Chọn hướng đi đúng
  • Xu hướng mới trong thiết kế giày dép tại Ý
  • Xuất khẩu hàng dệt may, quần áo của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh
  • Dệt may : Đón cơ hội mới từ thị trường Nhật Bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container