Dây chuyền may mũi giầy thể thao củaCông ty giầy Thái Bình (Bình Dương) |
Theo Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso), bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu da giày cả nước đạt 2,75 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước. Với kim ngạch xuất khẩu này, da giày tiếp tục là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Ðây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành da giày Việt Nam trong bối cảnh giày mũ da Việt Nam vẫn đang chịu mức thuế xuất khẩu 10% vào EU và không được hưởng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.
Cơ hội "vàng"
Cùng với sự hồi phục kinh tế thế giới, các đơn hàng xuất khẩu của ngành da giày tăng khoảng 16% so với năm ngoái. Theo Hiệp hội da giày Việt Nam, chỉ riêng hai tháng 6 và 7 vừa qua, trung bình kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 450 triệu USD/tháng. Thị trường tiêu thụ hàng giày dép Việt Nam chính vẫn là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 700 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong bảy tháng qua chủ yếu là giày thể thao, còn lại là giày thời trang, túi, cặp, giày da, giày vải... Với đà tăng trưởng này, dự kiến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt gần 5 tỷ USD.
Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam Nguyễn Ðức Thuấn cho biết, từ năm 2010 trở đi, đặc biệt từ năm 2010 đến năm 2015 được coi là thời kỳ "vàng" của ngành da giày nước ta bởi Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh hơn một số nước trong khu vực. Ðiển hình là chi phí nhân công ở nước ta rẻ hơn. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới, hiện thu nhập bình quân đầu người đã đạt mức khoảng 3.000 USD/người/năm nên giá nhân công ở Trung Quốc bắt đầu tăng lên. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 1.200 USD/người/năm. Ðây chính là lợi thế để Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như da giày. Ðến nay, phần lớn các sản phẩm da giày và thời trang trên thế giới được tập trung làm chủ yếu ở một số nước châu Á đông dân như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét... Không những thế, Việt Nam cũng là nước đang có cơ cấu dân số "vàng", tỷ lệ người bước vào độ tuổi lao động hằng năm đang tăng lên, tạo nguồn lao động dồi dào cho các ngành này. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Ðức Thuấn ví von: "Ðơn hàng xuất khẩu da giày đang như dòng thác chảy vào những chỗ có lợi thế, vì vậy thách thức đối với ngành da giày Việt Nam là phải chớp được cơ hội vàng này". Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cơ hội lớn đối với các DN da giày lớn, làm chủ công nghệ nền (vật tư nguyên liệu, thị trường, làm hàng FOB...), còn những DN da giày nhỏ cũng chỉ có thể làm gia công cho các DN lớn.
Khó khăn thu hút nhân công
Hiện nay, thu nhập của người lao động trong ngành da giày còn thấp hơn một số ngành khác nên đã xuất hiện tình trạng dịch chuyển lao động sang những ngành sản xuất có thu nhập cao hơn. Mặc dù các DN da giày nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng khó khăn lớn nhất đối với họ chính là không đủ năng lực sản xuất do thiếu lao động. Nếu DN nhận đơn hàng vượt năng lực sản xuất của mình và để kịp giao hàng cho đối tác, thì DN buộc phải tăng lương công nhân, tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, vận chuyển bằng đường hàng không... Nhiều DN da giày sẽ không chịu nổi một loạt chi phí tăng lên như vậy.
Khó khăn về nhân công chính là bài toán nan giải đối với các DN da giày Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Ðức Thuấn phân tích, để giải bài toán này, DN cần làm sao đưa được đơn hàng về những nơi có lợi thế về lao động để tranh thủ nguồn lao động dồi dào ở các địa phương, tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Giải pháp khắc phục dài hạn là Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các DN xây dựng nhà máy sản xuất da giày tại các vùng có lực lượng lao động, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có thể quy hoạch thành năm vùng cho phát triển ngành da giày như vùng 1 gồm một số tỉnh phía bắc như Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng; vùng 2 gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, một phần Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng; vùng 3 gồm các tỉnh Khánh Hòa, Quy Nhơn, Bình Ðịnh, Bình Thuận; vùng 4 gồm các tỉnh Ðông Nam Bộ và vùng 5 gồm các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre. Nhà nước có thể ban hành chính sách giảm thuế thu nhập DN, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuẩn bị mặt bằng sạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẵn... để thu hút các DN da giày vào đầu tư tại những vùng này. Việc quy hoạch các vùng nêu trên sẽ khắc phục được những bất cập về bất ổn xã hội trong thu hút lao động cho ngành da giày tại những khu công nghiệp tập trung như hiện nay.
Ðể nắm được lượng đơn hàng xuất khẩu lớn, tranh thủ thời cơ vàng, các DN da giày Việt Nam cần tăng năng lực sản xuất bằng cách mở rộng sản xuất về các vùng có chi phí lao động rẻ, thay vì tìm cách thu hút nguồn lao động tại các trung tâm lớn. Theo tính toán, DN muốn tăng 15% năng lực sản xuất tại trung tâm thì phải mở rộng 20-30% năng lực sản xuất tại các vùng sâu, vùng xa. Ðặc thù của ngành da giày là 60% số lao động tập trung ở khâu may giày. Vì vậy, để giảm chi phí sản xuất, DN có thể thực hiện các khâu may mũi tại các vùng sâu, vùng xa, còn các khâu hoàn thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm có thể thực hiện tại các thành phố, khu công nghiệp tập trung, gần cảng... Ngoài ra, DN cần liên kết cùng nhau mua đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu có giá trị lớn để giảm chi phí đầu vào đồng thời tránh được việc các nhà cung cấp nguyên liệu ép giá. Không chỉ vậy, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng trung tâm thuộc da tập trung bởi hiện ngành này vẫn phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu da và hỗ trợ Hiệp hội da giày Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại.
(Theo HÀ HOA // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com