Nâng tỷ lệ xuất khẩu hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) là mục tiêu của ngành Dệt May, nhằm giảm tỷ lệ gia công, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Việc phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển từ gia công sang sản xuất - Ảnh minh họa |
Nhiều năm qua, hàng dệt may luôn nằm trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng giá trị gia tăng mang lại chưa cao, chỉ chiếm khoảng 35% so với kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu ước tính, hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) XK chỉ chiếm khoảng 20% - 30%, còn lại là gia công. Hiện ngành Dệt May đang phấn đấu để nâng tỷ lệ xuất khẩu hàng FOB lên khoảng 50% trong 2 năm tới.
Năm 2010, ngành Dệt May phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2009. Để đạt mức tăng trưởng này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là quy hoạch, đầu tư có trọng điểm cho sản xuất nguyên, phụ liệu (NPL) nhằm hạn chế nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Định hướng chiến lược
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May đến năm 2020 đã được Chính phủ nhấn mạnh là hướng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, thay cho gia tăng số lượng và giá trị xuất khẩu bằng gia công.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015 với mục tiêu đến năm 2015, diện tích cây bông vải đạt 30.000 ha và tiếp tục tăng lên hơn 2,5 lần (76.000 ha) vào năm 2020. Việc triển khai tích cực chương trình này sẽ từng bước giúp các doanh nghiệp dệt - may có thể chủ động nguyên liệu trong nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trong các chỉ đạo chiến lược đối với ngành Dệt May đều nhấn mạnh: "Mục tiêu của ngành cần hướng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm bằng cách nâng cao chất lượng, nâng tỷ lệ nội địa hóa và chủ động nguồn nguyên liệu".
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vấn đề nhu cầu về thiết kế sản phẩm, cung cấp nguyên liệu bông, xơ trong nước hiện còn nhiều khoảng trống và thiếu ổn định, trong khi đây là những "đầu vào" thiết yếu cho ngành Dệt May trong việc nâng cao giá trị trên thị trường thế giới.
Việc đẩy mạnh đầu tư, phát triển nguồn NPL trong nước để phục vụ cho xuất khẩu dệt may đã được Bộ Công Thương đề ra thành Chiến lược phát triển ngành Dệt May VN đến năm 2010 và tính đến năm 2025, với Chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải, phát triển cây bông, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện chương trình này đang được khởi động.
Những khởi động đầu tiên
Triển khai thực hiện các chủ trương, chiến lược phát triển, hiện nay ngành Dệt May đang tập trung vào 3 chương trình phát triển chính là đầu tư các KCN dệt may tập trung, phát triển ngành bông và dệt, nhuộm; thúc đẩy nghiên cứu khoa học; phát triển thương hiệu sản phẩm.
Trong đó, việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã trở thành một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm nâng cao khả năng tự đáp ứng về nguyên liệu, phụ liệu và tỷ lệ nội địa hóa của ngành.
Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) đang xây dựng 4 KCN dệt nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Ðịnh, Long An, Trà Vinh nhằm thúc đẩy các dự án sản xuất vải, nâng năng lực sản xuất của tập đoàn tăng thêm 200 triệu mét vải vào năm 2015.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Vinatex cũng đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp ở KCN Ðình Vũ (Hải Phòng). Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào sản xuất năm 2012, đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành Dệt.
Ngoài các doanh nghiệp dệt may nhà nước và tư nhân cũng đã hào hứng đầu tư vào chương trình phát triển dệt may. Ngay từ năm 2000, Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ (TP.HCM) đã quyết định đầu tư phát triển sản phẩm sợi polyester filament, một trong những nguyên liệu dệt vải có tính bền cao, chống nhăn, đàn hồi. Ðến nay, cả nước đã có 4 doanh nghiệp đầu tư phát triển loại sản phẩm này.
Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ cho biết, năm 2000, công suất của nhà máy chỉ đạt 4.800 tấn/năm, đến năm 2009, nhà máy đã tăng công suất tới 14.400 tấn/năm, sản phẩm được tiêu thụ hết. Mới đây, Công ty khởi công xây dựng thêm một nhà máy có công suất 25.000 tấn/năm với tổng vốn 550 tỷ đồng.
Công ty TNHH Liên Anh đã mạnh dạn đầu tư một trung tâm NPL dệt may và da giày tại huyện Dĩ An, Bình Dương với quy mô rộng 160.000m2, nằm giữa khu vực trọng điểm kinh tế của Đông Nam Bộ. Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 12 triệu USD và giai đoạn 2 dự kiến khoảng 10 triệu USD.
Những động thái này sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu sản xuất của cả hai ngành dệt may và da giày, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển từ gia công sang sản xuất.
Tỷ lệ nội địa hóa đang tăng nhanh
Mục tiêu của ngành Dệt May Việt Nam đề ra trong Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 là đạt doanh thu 31 tỉ USD, riêng xuất khẩu dự tính thu được 25 tỉ USD, đồng thời nội địa hóa được NPL đầu vào đến 70%.
Có nhiều cơ sở để tin rằng điều này sẽ trở thành hiện thực. Theo ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, tỷ lệ nội địa hoá hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010 dự kiến sẽ đạt trên 50%, so với 44% của năm 2009. Mức tăng này có được là do những dự án đầu tư nhà máy sản xuất sợi, xơ, bông đã đi vào hoạt động.
Hiện bông đã đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước; xơ, sợi tổng hợp: 60%; sợi: 70%; vải: 50%; phụ liệu: 70%. Ðiều này cho thấy, ngành sản xuất NPL trong nước đã tăng trưởng đáng kể và tỷ trọng nội địa hóa trong các sản phẩm dệt may đã tăng khá trong năm 2009.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Vinatex kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, vì hiện năng lực về vốn của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, trong khi đầu tư phát triển lĩnh vực này thường đòi hỏi vốn lớn. Cùng với đó, các ngành chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm phiền hà cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu NPL phục vụ sản xuất.
(Theo Công Trí // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com