Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quy hoạch phát triển ngành Dệt May: Chất hay lượng?

Phần giá trị gia tăng mà ngành công nghiệp dệt may Việt Nam tạo ra được chỉ chiếm khoảng 30%

Phần giá trị gia tăng mà ngành công nghiệp dệt may Việt Nam tạo ra được chỉ chiếm khoảng 30%
Tuy có tới 3 quy hoạch phát triển được phê duyệt kể từ năm 1998 tới nay, nhưng ngành dệt may vẫn dễ bị tổn thương và chưa có nền tảng vững chắc để thích ứng nhanh khi thị trường thế giới thay đổi.
 

Tại buổi giao lưu trực tuyến nhằm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu dệt may mới đây, khi nhiều doanh nghiệp than khó về thị trường thì đã có doanh nghiệp thẳng thắn chỉ ra sự bất cập vì phụ thuộc quá nhiều vào gia công. Lúc này, các doanh nghiệp càng thấm thía, việc lựa chọn phương thức gia công bởi ít rủi ro, không cần nhiều vốn lưu động như khi chọn phương thức bán hàng FOB không phải là chiến lược lâu dài, tạo được sức mạnh cho doanh nghiệp.


Điểm yếu
 

Trên thực tế, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng không có nhiều sự lựa chọn. Con đường phát triển FOB không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn để mua nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất mà còn cần phải có vùng nguyên liệu phát triển ngay tại trong nước.
 

Nhưng đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành dệt may dù ngoài quy hoạch ngành thông thường có từ năm 1998, còn có thêm Chiến lược tăng tốc đầu tư để đón cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ và mới đây nhất là quy hoạch phát triển ngành tới năm 2015. Những quy hoạch này cũng hướng tới các mục tiêu như sản xuất vải trong nước, phát triển vùng nguyên liệu trồng bông hay thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào làm phụ liệu phục vụ cho may xuất khẩu…
 

Kết quả thực hiện quy hoạch chủ yếu do các doanh nghiệp quyết định chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người làm quy hoạch


Tuy nhiên, với phương thức gia công là chính thì đa phần các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm hàng may xuất khẩu đều về “quê” ở Trung Quốc, Đài Loan để mua nguyên phụ liệu chứ không mua hay phát triển doanh nghiệp sản xuất phụ liệu dệt may ở Việt Nam. Đối với quy hoạch phát triển vùng bông nguyên liệu thì những khó khăn về giống, năng suất cây trồng, phương thức thu mua hay tình trạng giá thu mua bông lên xuống thất thường đã khiến cho bà con nông dân không mặn mà phát triển rộng cây bông so với những cây trồng khác. Còn với nhu cầu xơ, sợi tổng hợp hiện vẫn đang được đáp ứng cỡ 90% thông qua con đường nhập khẩu, việc sản xuất trong nước còn phải chờ thêm thời gian, khi các nhà máy lọc dầu số 2, số 3 đi vào hoạt động.


Không chỉ có vậy, để phát triển may xuất khẩu theo phương thức FOB thì phải làm được vải xuất khẩu. Muốn vậy, phải đầu tư cho dệt nhuộm, mà điều này không dễ bởi các địa phương không mặn mà do e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp tự đầu tư xử lý nước thải thì dù sử dụng tới 70-80% công suất của trạm xử lý nước thải với chi phí 10.000 đồng/m3 cũng không đủ hoàn vốn, mà vẫn bị chê đủ đường, một doanh nghiệp bộc bạch. Đó là chưa kể bài toán nhân lực cho ngành dệt may cũng được xem là nan giải. Bản thân ông Lê Đình Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May cũng phải bức xúc, chất lượng nguồn lao động đang sử dụng không tương ứng với trình độ sản xuất hiện nay. Vậy mà, doanh nghiệp xây 5 trường để đào tạo nghề cho công nhân dệt may thì gặp khó khăn vì vốn đầu tư cấp nhỏ giọt nên “xây mãi chưa xong”.


Chìa khóa thị trường
 

Chính những cái khó kể trên khiến cho tới thời điểm này dù đã thu hút gần 2 triệu lao động trực tiếp và đóng góp hơn 9 tỷ đô-la Mỹ vào kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái nhưng phần giá trị gia tăng mà ngành công nghiệp dệt may Việt Nam tạo ra được chỉ chiếm khoảng 30%.


Nhìn vấn đề từ góc độ quy hoạch, cũng cần phải nhắc lại, tháng 9 năm 1998, quy hoạch ngành lần đầu đã được phê duyệt đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu là 4 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2010 với nhu cầu vốn đầu tư tới năm 2010 xấp xỉ là 4 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, trong khi kim ngạch xuất khẩu đã dễ dàng bị bỏ xa từ lâu thì số liệu tổng hợp về vốn đầu tư đã đổ vào ngành dệt may ở tất cả các loại hình đầu tư, loại hình doanh nghiệp cũng như đầu tư vào khâu nào lại không hề được thống kê chính xác.


Quy hoạch mới nhất của ngành dệt may vừa được thông qua cách đây gần 2 tháng cũng đưa ra mục tiêu tổng quát phát triển ngành dệt may thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu, đảm bảo cho các doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững, hiệu quả. Những con số đã được đưa ra như: trong giai đoạn 2008 - 2010, tăng trưởng sản xuất bình quân đạt 16% đến 18%, tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 20% và kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2010, 18 tỷ đô-la vào năm 2015, 20 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020, sử dụng 2,5 triệu lao động đến năm 2010, 3 triệu lao động đến năm 2020… Một hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch này cũng đã được đưa ra.


Thế nhưng, cũng giống quy hoạch cũ và Chiến lược tăng tốc ngành dệt may, kết quả thực hiện các mục tiêu được đặt ra tại quy hoạch mới sẽ chủ yếu lại do các doanh nghiệp quyết định chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người làm quy hoạch. Việc các doanh nghiệp sẽ tự tìm thị trường cho mình hay lại phụ thuộc vào việc nhận gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào tình hình thị trường mà còn tùy thuộc vào năng lực tài chính, năng lực sản xuất và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. 


Chỉ có điều, thực tế thời gian qua đã cho thấy, quy hoạch tuy có nhưng không dễ làm theo bởi cả tâm lý ngại khó của doanh nghiệp lẫn các cơ chế chính sách đưa ra dường như vẫn chỉ là cho có chứ chưa đi vào thực tế.!

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Dệt may: nhiều cơ hội, thiếu đầu tư
  • Trung Quốc hỗ trợ ngành dệt may vượt qua khủng hoảng kinh tế
  • Đề xuất nhiều giải pháp cứu ngành dệt may xuất khẩu
  • Ấn Độ ưu đãi thuế với sản phẩm da và dệt may xuất khẩu sang EU và Mỹ
  • Thực hiện các giải pháp giúp ngành dệt may duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và xuất khẩu
  • Thủ tướng đồng ý với đề xuất hỗ trợ dệt may vượt khó
  • Dự báo xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản sẽ tăng trưởng khá
  • Cơ hội hợp tác giữa ngành da giày Việt Nam và Braxin
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container