Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rộng cửa xuất khẩu dệt may

Mỹ vẫn là thị trường số 1 của hàng dệt may (DM) Việt Nam (VN) trong nhiều năm qua, với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt trên 5 tỷ USD trong năm 2008 và chiếm đến 57% thị phần của hàng DM VN. Tuy nhiên, so với tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) khoảng 90 tỷ USD hàng DM vào Mỹ trong năm 2008 thì cơ hội gia tăng thị phần của hàng DM VN vào Mỹ là rất lớn.


Tiếp xúc trực tiếp nhà nhập khẩu

Dây chuyền may quần jean xuất khẩu tại Công ty cổ phần may da Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TÂM


So với tổng kim ngạch NK khoảng 90 tỷ USD/năm hàng DM tại Mỹ hiện nay thì con số 5 tỷ USD của DM VN còn khá nhỏ. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Mỹ, hàng dệt kim (áo pull, T-shirt, đồ thể thao…) của VN NK vào Mỹ trong năm 2008 đứng thứ 2 sau Trung Quốc; hàng dệt thoi (kaki, kate…) đứng ở vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Mexico và Bangladesh.


Hàng DM của VN đã có vị trí quan trọng tại thị trường Mỹ, nhưng kim ngạch XK vào đây vẫn còn ít và DM VN vẫn có nhiều khả năng gia tăng XK vào thị trường đã có nền móng và thế mạnh.


Trong 5 tháng đầu năm 2009, XK hàng DM VN vào Mỹ có sự giảm sút, nhưng so với nhiều nước XK hàng DM vào Mỹ, tỷ lệ giảm của DM VN thấp hơn. Theo số liệu của Hải quan Mỹ, thị phần hàng DM của VN tại thị trường Mỹ đã tăng từ 3,4% của quý 1-2008 lên 4,74% trong quý 1 năm nay.


Dù đã chiếm hơn phân nửa thị phần XK nhưng chắc chắn các doanh nghiệp (DN) DM vẫn muốn tăng XK vào đây. Điều quan trọng của XK DM vẫn là bài toán gia tăng giá trị. Vì phần lớn đơn hàng XK vẫn là hàng gia công, nếu làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) thì cũng rơi vào tình trạng làm FOB “lại” cho các tập đoàn thương mại.


Việc tiếp xúc trực tiếp với nhà nhập khẩu (NNK) tại thị trường Mỹ còn nhiều hạn chế. Việc này có tác động lớn từ việc DN DM VN không có nhiều cơ hội tham gia xúc tiến, quảng bá. Đặc biệt là tiếp xúc trực tiếp tại các hội chợ chuyên ngành lớn tổ chức ở Mỹ hay ở các thị trường khác. Xưa nay, chi phí xúc tiến, quảng bá, giới thiệu ở nước ngoài chủ yếu tự thân DN lo. Và với khoản chi phí khá lớn trong mỗi lần xúc tiến, tham gia hội chợ thì chỉ có các DN lớn mới đủ điều kiện tham gia.


Để đẩy mạnh và mở rộng thị trường XK trong thời điểm khó khăn hiện nay, Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí để giúp các DN XK xúc tiến thương mại. Tại thời điểm hiện nay, các nước XK DM lớn như Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh đều có những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và ấn tượng để giúp ngành DM vượt qua khó khăn trong XK. Với ngành DM VN, đây là dấu hiệu tích cực bước đầu trong việc hỗ trợ các DN XK.


Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội DM VN cho biết, kể từ năm 2009, hàng năm DM VN sẽ có mặt ở hội chợ Magic (hội chợ chuyên ngành về hàng DM lớn nhất thế giới được tổ chức ở Las Vegas – Mỹ, vào tháng 2, 8 hàng năm). VN sẽ cố gắng xây dựng hình ảnh tại hội chợ này để các NNK biết đến. Vì các công ty thu mua là NNK đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua hàng từ nhà sản xuất, phân phối đến các nhà bán lẻ.


Thuận lợi ở thị trường truyền thống

Theo nhận định, hàng dệt may xuất khẩu sẽ rộng cửa hơn vào thị trường Mỹ.Ảnh: ĐỨC THÀNH


Việc mở rộng, xúc tiến sang một số thị trường mới như Nam Phi, Trung Đông trong thời gian gần đây cũng là một giải pháp tốt để đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN DM, chưa hẳn thị trường mới sẽ đem lại ngay kết quả.


Vì thực chất, đến nay, phần lớn DN DM VN vẫn chưa biết được sở thích, cách ăn mặc của các nước ở Trung Đông, Nam Phi thì làm sao có thể có được kết quả! Việc dùng chi phí cho xúc tiến trong trường hợp này đôi khi lại không hiệu quả bằng việc triển khai, mở rộng ngay chính những thị trường truyền thống.


Dù đã là một thị trường lớn, có nền móng từ trước, nhưng việc đẩy mạnh xúc tiến vào thị trường Mỹ, tiếp cận với các NNK vẫn là việc cần thiết với các DN DM VN hiện nay. Bởi so với tổng kim ngạch NK 90 tỷ USD hàng may mặc tại Mỹ thì hàng DM VN vẫn còn rất nhiều cơ hội để gia tăng sản lượng cũng như giá trị XK. Hơn nữa, do những điều tiết của nền kinh tế Trung Quốc, nước XK DM đứng đầu tại Mỹ, đang có dấu hiệu giảm thị phần vào Mỹ.


Tại buổi làm việc mới đây tại TPHCM, bà Karalynn L.Sprouse, Phó Chủ tịch Magic International (Ban tổ chức hội chợ Magic - PV) nhận định rằng, tiêu thụ hàng may mặc vẫn là một thành công trong thời điểm khó khăn hiện nay tại Mỹ. Thậm chí, Tập đoàn bán lẻ toàn cầu H&M (Hennes & Mauritz) dự kiến mở 25 cửa hàng bán hàng may mặc tại Mỹ trong năm nay. Người tiêu dùng Mỹ đã quay lại sử dụng mặt hàng bình dân.


Trong 305 triệu dân Mỹ, có đến 65% sử dụng các sản phẩm bình dân. Doanh thu của các cửa hàng bán hàng may mặc cấp thấp cao hơn các cửa hàng cao cấp. Xu hướng kinh doanh nhỏ hơn sẽ đi vào vùng sâu, xa thay cho các chuỗi cửa hàng lớn tại Mỹ. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho hàng DM VN gia tăng thị phần XK vào Mỹ trong thời gian tới.


(SGGP). – Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), XK hàng DM Việt Nam vào các thị trường chủ lực như EU, Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2009 chỉ giảm ở mức 2% - 4% so với cùng kỳ 2008. Mức sụt giảm này thấp hơn rất nhiều so với dự báo mức giảm chung 15%. Trong khi đó, các nước XK DM lớn trên thế giới đều có mức giảm chung 10% - 20%.


Hiện Việt Nam là nước duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương XK DM trong năm 2009. Sở dĩ DM có mức giảm thấp hơn dự kiến là do XK vào thị trường Nhật Bản có tăng trưởng khá, tăng khoảng 25% và đã “bù đắp” cho các thị trường khác.

(Theo SGGP)

  • Thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2009
  • Xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc tháng 5 giảm manh
  • Canada- thị trường tiềm năng cho hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam
  • Campuchia hỗ trợ 400 triệu USD cho ngành may
  • Ngành kinh doanh da giày của Ấn Độ duy trì tăng trưởng
  • Giá một số nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu đang trong xu hướng tăng
  • Việt Nam lọt vào top 10 nước cung cấp dịch vụ gia công
  • Hiệp định FTA ASEAN – EU có nhiều lợi thế cho da giày Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container