Theo các chuyên gia, năm 2010 thị trường xuất khẩu (XK) dệt may (DM) thế giới sẽ có nhiều cạnh tranh gay gắt từ các nước XK mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Băngla Đét... khi kinh tế bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lại cho rằng, thị trường XK năm nay có nhiều tiềm năng và tín hiệu khả quan để có thể đạt được kim ngạch XK 10,5 tỷ USD...
May hàng xuất khẩu tại Công ty May Sông Hồng. Ảnh: Yến Ngọc
Năm qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN, ngành hàng gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn là một năm thành công đối với ngành DM Việt Nam. Kim ngạch XK năm 2009 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2008, trong điều kiện XK của cả nước tăng trưởng "âm", đưa DM nằm trong top dẫn đầu những mặt hàng XK của cả nước. Sản phẩm DM của Việt Nam hiện có nhiều lợi thế so với các nước XK khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... vì nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới và thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang có xu hướng tìm đến sản phẩm của Việt Nam, do các DN đã có thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng của sản phẩm trung, cao cấp. Đến thời điểm này, nhiều DN DM đã ký được đơn hàng đến hết quý I, thậm chí là quý II-2010. Ngoài ra, do tận dụng được ưu thế của Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật, đồng thời lại được các nhà nhập khẩu Nhật Bản đánh giá cao tính ổn định, trình độ tay nghề của công nhân, chất lượng, mẫu mã đa dạng của hàng DM Việt Nam… nên nhiều DN đã xây dựng được mối quan hệ lâu dài và làm ăn khá thành công với thị trường Nhật Bản như dệt kim Đông Xuân, may Nhà Bè, may 10, dệt may Nam Định, may Việt Tiến...
Ông Nguyễn Khánh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) nhận định, thị trường XK năm 2010 có nhiều tiềm năng và tín hiệu tích cực hơn. Công ty cũng đã có đơn hàng đến hết quý I. Các DN như Việt Tiến đã có đơn hàng đến tháng 5, tháng 6-2010 và đang mở rộng thị trường sang Lào và Campuchia. Riêng Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã quan hệ hợp tác với Nhật Bản từ 20 năm nay, mới đây đã ký được hợp đồng XK thêm 10 năm nữa. Để có sức cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Băngla Đét, các DN DM cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển những mặt hàng chiến lược, có thế mạnh của mình, như Công ty CP X20 sản xuất quần áo đua mô tô; Việt Tiến may áo sơ mi, veston cao cấp dành cho "phái mạnh"…
Tuy nhiên, hiện nay điều khó khăn nhất để giúp các DN phát triển bền vững là thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu lao động. Mặt khác, từ ngày 1-1-2010, Luật Bảo vệ môi trường của người tiêu dùng của Mỹ có hiệu lực, dựng nên hàng rào kỹ thuật mới đối với thị trường XK DM. Theo đó, các lô hàng XK vào Mỹ phải có giấy kiểm nghiệm của bên thứ ba xác nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng. Bên cạnh áp lực từ hàng rào kỹ thuật, DN DM cũng đứng trước bài toán cải thiện hiệu quả SXKD. Hiện đơn giá XK vẫn giảm ở mức 10-15% và khả năng giá có thể nhích lên, nhưng không nhiều. Trong khi áp lực tăng thu nhập của người lao động khá cao. Ngoài ra, hệ thống giao thông vận tải, thủ tục XK chưa có dấu hiệu cải thiện…
Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã có đề án xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn để được Mỹ công nhận và cấp giấy chứng nhận, thay cho các thiết bị nghiên cứu thử nghiệm chất lượng hàng DM đã cũ. Đề án đã đưa ra một số giải pháp giúp DN tận dụng cơ hội thu hút đơn hàng; duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống, đồng thời phát triển thêm khách hàng mới. Chú trọng xây dựng liên kết chiến lược với những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, kinh doanh… Bằng cách làm đó, hy vọng năm nay ngành DM sẽ đạt mục tiêu kim ngạch XK 10,5 tỷ USD.
(Theo Thanh Hiền/HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com