Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp da giày Hải Phòng trước nỗi lo về lao động

Các doanh nghiệp (DN) da giày tại Hải Phòng đang phải chọn giải pháp thuê gia công để giải quyết bài toán thiếu lao động cho các đơn hàng sản xuất.
 
Một trong số các DN da giày tại Hải Phòng phải chọn giải pháp này để thực hiện các đơn hàng sản xuất là Công ty CP Long Sơn có trụ sở tại huyện An Dương, Hải Phòng. Tại phân xưởng may của công ty này, nhiều bàn máy vẫn che phủ nilong vì sau Tết nguyên đán nhiều lao động vẫn chưa quay trở lại làm việc. Trước đây, bộ phận này chưa bao giờ có công nhân nam nhưng đến nay do nhu cầu công việc nên phân xưởng may đã có nhiều công nhân nam tham giao lao động. Theo ông Phạm Văn Vinh, giám đốc công ty, gần đây nguồn nhân lực của công ty luôn ở trong tình trạng biến động, có xu hướng giảm dần về số lượng và chất lượng. Thời điểm cao nhất, DN này có hơn 2.000 lao động, nhưng đến những tháng cuối năm 2009, số lao động giảm chỉ còn 650 người. Đặc biệt, từ sau Tết đến nay, ước tính có khoảng 120- 150 lao động chưa quay trở lại làm việc. Hai dây chuyền sản xuất của công ty thiếu khoảng 300 lao động. “So với những năm trước, chúng tôi được phép lựa chọn công nhân, nhưng đến thời điểm này, không kể nam hay nữ, làm được việc là trúng tuyển”. Ông Vinh trao đổi và cho biết thêm, trước đây DN tuyển rất kỹ càng cả về tay nghề, sức khoẻ và hình thức. Nhưng hiện tại, do thiếu lao động nên cứ có người nộp hồ sơ là được công ty bố trí việc làm ngay. Chính vì lao động luôn biến động như vậy, nên mặc dù được thành lập 10 năm nhưng số lao động có thâm niên trên 3 năm cũng không nhiều.

Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trường Sơn cho hay, đến thời điểm này công ty thiếu hụt gần 400 công nhân và nếu để đảm bảo cho hoạt động sản xuất thực chất cần 1.600 đến 1.700 công nhân, nhưng hiện tại mới chỉ có 1.200 công nhân. Công ty Da giầy Hải Phòng cũng là một trường hợp tương tự. Ông Bùi Văn Luyện, Phó giám đốc Công ty cho biết: “riêng giày vải, sản lượng đơn đặt hàng của chúng tôi tăng 45- 50%. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/1/2010 công ty có 4.793 lao động, nhưng sau Tết có 179 lao động không trở lại làm việc”. Ông Luyện cũng khá lo lắng về việc tăng giá thành các sản phẩm đầu vào như xăng dầu, điện, than… Còn đại diện một DN da giày khác cho hay: “nếu đủ lao động để thực hiện đơn hàng, năm 2009, tăng trưởng xuất khẩu của công ty còn cao hơn nữa, vì thiếu lao động nên công ty không dám nhận thêm đơn hàng. Công ty luôn trong tình trạng thiếu 300- 500 lao động”.

Thiếu lao động không chỉ là vấn đề nóng của một số DN trên, mà còn là tình trạng chung của hầu hết các DN sản xuất và gia công mặt hàng này tại Hải Phòng. Theo tính toán, các DN da giày tại Hải Phòng có từ 8- 15% lao động không trở lại làm việc sau Tết. Tuy vậy, để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh hiện nay không phải dễ. Để thu hút người lao động, trên thực tế một số DN da giày đã tiến hành nhiều đợt tăng lương trong năm 2009, với mức lương trung bình là 1,8 triệu người/tháng. Tuy nhiên, các DN vẫn không tuyển đủ số lao động mình cần. “Nguyên nhân là mức lương mà các DN đưa ra với lao động phổ thông còn thấp so với môi trường và tính chất công việc”. Đại diện một DN cho biết. Phần lớn lao động trong ngành da giày là lao động từ nông thôn. Trong khi đó, hầu hết các địa phương hiện nay đều chú trọng phát triển và mở rộng các KCN, nên việc thu hút lao động từ nông thôn ra thành phố làm việc tại các KCN sẽ còn khó khăn hơn nữa. Mặt khác, tâm lý lao động nông thôn khi ra thành phố kiếm việc làm là phải được đảm bảo về thu nhập và phương tiện đi lại từ phía DN. Song hầu hết các DN hiện nay ở TP thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được một cách trọn vẹn nhu cầu này cho người lao động.

Trong bối cảnh trên, nhiều công ty đã cử người trực tiếp về khu vực ngoại thành Hải Phòng và các tỉnh khác, thậm chí còn qua các trung tâm môi giới để tìm được lao động. Một số khác, để đối mặt với nỗi lo chậm đơn hàng do không đủ lao động đã chọn giải pháp đem đơn hàng đi thuê gia công tại các DN vệ tinh. Tuy vậy, “để đem đơn hàng đi gia công DN lại phải thêm phần chi phí gia công. Thậm chí, để gia công được, cơ sở đó phải gia công được đúng với đẳng cấp sản phẩm mà DN đã ký với đối tác, nếu không sản phẩm làm ra sẽ không được các nhà nhập khẩu chấp nhận”. Ông Vinh nói và cho biết, đây chỉ là giải pháp trước mắt vì hiện tại việc tuyển dụng lao động phổ thông là rất khó. Được biết, tại Hải Phòng có gần 30 DN sản xuất và gia công da giày đang hoạt động. Do vậy, về lâu dài, muốn thu hút được lao động vào làm việc, các DN da giày phải có chiến lược nhân sự phù hợp, cần nâng mức thu nhập và các chế độ đãi ngộ cho người lao động như: có chỗ ở ổn định cho công nhân, có xe đưa đón công nhân…

(Theo Đồng Yến // Báo đầu tư)

  • Giày dép XK của Việt Nam bị áp dụng 3 biện pháp phòng vệ
  • Xuất khẩu dệt may, da giày: Tăng trưởng nhưng không lạc quan
  • Ngành da giày chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu cả nước
  • Ngành da giày chiếm 1/10 kim ngạch xuất khẩu cả nước
  • Ngành dệt may đầu tư nâng tỉ lệ nội địa hóa
  • Trung tâm nguyên phụ liệu thành nơi cho thuê
  • Đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng tạo đột phá cho dệt may
  • Ngành da giày khó trên sân nhà
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container