Ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biêt, Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh từng được nâng cấp, mở rộng vào cuối năm 2002 bằng nguồn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, đoạn đường dài 197 km, rộng 11 - 13 m, gồm 2 làn xe cơ giới hiện đã bị mãn tải với rất nhiều điểm đen về tai nạn giao thông.
Hơn nữa, với việc mở rộng các khu kinh tế trọng điểm trong vùng là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), nhu cầu vận tải qua đoạn tuyến này đang tăng lên khá nhanh. Trong khi đó, do Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, chưa thể xác định thời điểm xây dựng, nên việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 cần sớm được triển khai.
Được biết, tổng chiều dài Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hoá tới Hà Tĩnh được đưa vào Dự án là 131 km, bao gồm các tiểu dự án: Thanh Hóa - Diễn Châu (dài 72 km, mở rộng đường lên 4 làn xe, có mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng); Hoàng Mai - Cầu Giát (dài 9 km, mở rộng đường thành 6 làn xe, có chi phí xây dựng khoảng 600 tỷ đồng); đoạn qua huyện Nghi Sơn (dài 19 km, mở rộng thành đường 4 làn xe, có vốn đầu tư là 1.600 tỷ đồng); đoạn Nam cầu Bến Thủy, TP. Vinh - Thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (dài 36 km, được mở rộng thành đường 4 làn xe, có vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng).
Nguồn vốn đầu tư cho Dự án dự kiến được lấy từ nguồn thu từ việc bán quyền thu phí tuyến đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ước tính, sau khi hoàn thành việc mở rộng, tốc độ chạy xe trên tuyến đường bộ xuyên Việt thứ nhất đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh sẽ được nâng lên khoảng 80 km/giờ, rút ngắn một nửa thời gian hành trình 4 giờ như hiện nay.
Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT cần khẩn trương triển khai thực hiện việc mở rộng đoạn đường này, với mốc hoàn thành ấn định là trước ngày 31/6/2012. Như vậy, các đơn vị trong Bộ GTVT chỉ có khoảng 26 tháng để hoàn tất Dự án.
“Bộ GTVT sẽ áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị, triển khai công trình. Bộ GTVT sẽ huy động những đơn vị thi công đường bộ tinh nhuệ nhất để đưa vào Dự án”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Theo kế hoạch, vào đầu tháng 3/2010, Bộ GTVT sẽ phê duyệt quyết định đầu tư và bàn giao ngay tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các địa phương để tiến hành các thủ tục thu hồi đất. Bên cạnh đó, do tính chất cấp bách, Dự án sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp.
Ông Nguyễn Hoằng, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (Bộ GTVT) - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư Tiểu dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu khẳng định, nếu triển khai theo cơ chế chỉ định thầu, không phải qua nhiều công đoạn đấu thầu phức tạp thì với phần việc xây lắp Ban Quản lý dự án 1 hoàn toàn có khả năng đáp ứng về đích trong thời gian một năm rưỡi từ ngày khởi công như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB là UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng chậm, thì kế hoạch có nguy cơ bị “vỡ”.
Để hỗ trợ cho các địa phương, bên cạnh việc sớm bàn giao mốc lộ giới, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án và các cơ quan chức năng phải lập ra các tổ về GPMB để “hợp đồng tác chiến” với địa phương trong công tác GPMB. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ họp với các địa phương có tuyến đường đi qua để các địa phương có kế hoạch triển khai và sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị của Bộ GTVT có thể triển khai thi công.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com