![]() |
Học sinh ở ĐBSCL đạp xe đạp đến trường trên con đường bê tông đầu tư bằng vốn ngân sách. Ảnh: Duy Khương. |
Tình trạng đầu tư dàn trải và phân bố nguồn vốn chưa hợp lý khiến ngành nông nghiệp Việt Nam mãi vẫn chưa sản xuất được những sản phẩm có giá trị cao, qua đó cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân...
70% vốn đầu tư là cho hạ tầng
Theo dự toán ngân sách năm 2012 vừa được Quốc hội thông qua, tổng chi cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kể cả từ nguồn trái phiếu chính phủ, bằng khoảng 40,9% tổng chi ngân sách nhà nước (khoảng 343.108 tỉ đồng). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư của Nhà nước vào ngành nông nghiệp hiện nay vẫn còn dàn trải và chưa đồng bộ.
Theo TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội cho ngành nông nghiệp, vốn đầu tư cho hạ tầng nông thôn, xây dựng đường sá, kênh mương, hệ thống thủy lợi hiện đang chiếm đến 70%.
“Chúng ta không thể phủ nhận việc đầu tư vào hạ tầng đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng nếu tính lượng vốn đầu tư cho hạ tầng nông thôn vào tổng mức đầu tư cho nông nghiệp là không hợp lý...”, ông Bửu phân tích. Ở những quốc gia khác, nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tính vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của xã hội. Việc Nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho hạ tầng nông thôn, nông nghiệp đã làm mất cơ hội phát triển của nhiều lĩnh vực khác trong ngành.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về kết quả đầu tư năm 2011 của ngành nông nghiệp đã cho thấy ý kiến của ông Bửu là xác đáng. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách tập trung năm 2011 được Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNN là 3.672,3 tỉ đồng, trong đó có 1.519,3 tỉ đồng vốn trong nước và 2.153 tỉ đồng vốn nước ngoài.
Tổng vốn đầu tư thực hiện của ngành nông nghiệp tính đến hết tháng 11-2011 ước đạt 4.378,9 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho thủy lợi là 2.519,57 tỉ đồng; đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn đạt 1.249 tỉ đồng; đầu tư phát triển cho ngành thủy sản chỉ ở mức 22 tỉ đồng. Khiêm tốn hơn, vốn đầu tư cho chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp chỉ ở mức 18,5 tỉ đồng, còn vốn cho phát triển khoa học, công nghệ trong ngành nông nghiệp thì vỏn vẹn 43,93 tỉ đồng...
Trong khi đó, đầu tư cho các ngành trong nông nghiệp được Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể còn ít ỏi hơn, năm 2011 ước chỉ đạt 275,36 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản chỉ ở mức 10,94 tỉ đồng, đầu tư giống cây lâm nghiệp là 8,15 tỉ đồng và đầu tư phát triển giống cây nông nghiệp cũng chỉ ở mức 27,72 tỉ đồng. Tương tự, chương trình đầu tư giống thủy sản chỉ có 49,28 tỉ đồng và đầu tư giống vật nuôi ở mức 19,21 tỉ đồng.
Vốn FDI: giảm cả quy mô lẫn số lượng
Tính đến đầu năm 2011, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 478 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, với tổng vốn đăng ký trên 3 tỉ đô la Mỹ. Nếu so với tổng vốn FDI thì tỷ lệ đầu tư vào ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3,8% về số dự án và 2,3% về vốn. Đáng lo ngại, vốn FDI vào ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Vốn đăng ký năm 1995 đạt mức cao nhất là 550 triệu đô la Mỹ. Giai đoạn 1988-2008, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 48 dự án với tổng vốn khoảng 235 triệu đô la Mỹ. Đến năm 2009, chỉ có 16 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký 62,4 triệu đô la Mỹ và năm 2010 giảm xuống chỉ còn 12 dự án với số vốn đăng ký 11,3 triệu đô la Mỹ.
Theo một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết dự án FDI vào nông nghiệp tập trung ở những tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Tây Ninh, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An... “Điều này phản ánh thực trạng mức thu nhập giữa nông dân ở các tỉnh, thành được ưu tiên đầu tư luôn cao hơn vài chục lần so với nông dân ở miền núi, vùng sâu vùng xa”, vị chuyên gia nói trên phân tích.
Tập trung vào đâu?
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh hạ tầng nông thôn, thời gian tới cần tập trung vốn đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, hướng những khoản đầu tư trực tiếp vào nông dân nhằm gia tăng năng suất nông nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chất lượng sản phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều nên giá bán nông sản của nông dân vẫn thấp, xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị thấp. Bên cạnh đó, do năng suất lao động thấp nên giá thành sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng luôn cao hơn so với sản phẩm cùng loại ở những quốc gia khác. Vì thế, việc đầu tư khoa học công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện chất lượng các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi là một nhu cầu bức thiết.
TS. Bùi Chí Bửu cũng cho rằng để tăng năng suất cho ngành nông nghiệp, Chính phủ buộc phải đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt khoảng 20 tỉ đô la Mỹ/năm. Nhà nước nên trích 1% trong số đó để đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Với khoản đầu tư này, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ việc tăng năng suất từ con giống tốt, sản phẩm sau thu hoạch được bảo quản tốt hơn, góp phần tăng thu nhập. Và quan trọng hơn, nguồn kinh phí từ xuất khẩu đầu tư vào các lĩnh vực là đầu vào của ngành sản xuất nông nghiệp sẽ giúp cho nông dân chủ động hơn trên cánh đồng của mình.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com