Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sắp xếp lại các cơ sở chế biến gỗ ở Quảng Nam

Tình trạng lợi dụng địa điểm sản xuất, kinh doanh để khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ và lâm sản trái phép tại các cơ sở chế biến gỗ ở Quảng Nam xảy ra từ nhiều năm nay. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, song đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.


Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 475 xưởng chế biến gỗ các loại. Ðiều đáng nói là ở những địa phương đồng bằng không có rừng và liên quan đến rừng lại là những nơi có nhiều cơ sở nhất, nhất là ở những huyện có các tuyến đường, tuyến sông nằm trong trục đường vận chuyển gỗ trái phép như Ðiện Bàn với 59 cơ sở, Ðại Lộc có 58 cơ sở, Duy Xuyên 58 cơ sở, Núi Thành 53 cơ sở... Trong số các xưởng cưa nói trên, có không ít xưởng cưa trá hình, lợi dụng địa điểm sản xuất, kinh doanh để mua bán gỗ trái phép.

 

Ðể ngăn chặn tình trạng trên, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó tập trung tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tạm đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép một số cơ sở vi phạm, nhất là các xưởng cưa nằm ven sông Vu Gia, Thu Bồn và các tuyến đường ở các điểm nóng liên quan việc vận chuyển, chế biến, tiêu thụ gỗ trái phép tại các huyện Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hiệp Ðức... Một số xưởng cưa bị đình chỉ hoạt động, còn bị chấm dứt hợp đồng mua bán điện cho đến khi được cấp phép hoạt động mới. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra rà soát lại toàn bộ các xưởng cưa xẻ gỗ trên địa bàn để quy hoạch, sắp xếp lại một cách hợp lý. Các xưởng cưa được cấp phép hoạt động phải thực hiện ký cam kết không tồn trữ, chế biến và tiêu thụ gỗ trái phép; đồng thời phải có dự án sản xuất, kinh doanh chứng minh có đủ nguồn nguyên liệu gỗ ổn định và hợp pháp trong sáu tháng gần nhất, và phải đặt cách xa bờ sông Vu Gia, Thu Bồn tối thiểu 500 m. Ðối với các huyện đồng bằng chỉ cho phép hoạt động đối với cưa xẻ gỗ rừng trồng, gỗ vườn. Và mỗi xã ở đồng bằng, nơi có khu, cụm tiểu thủ công nghiệp tối đa chỉ được mở hai xưởng.

 

Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay, việc quy hoạch sắp xếp lại các xưởng cưa trên địa bàn tiến hành chậm và chưa triệt để. Trong tổng số 475 xưởng cưa mới chỉ kiểm tra và đình chỉ 76 cơ sở, trong đó có 24 cơ sở không có giấy phép hoạt động. Các xưởng cưa còn lại đang trong quá trình thẩm định theo đề nghị của UBND các huyện. Tại Duy Xuyên, trong tổng số 58 cơ sở thì có bảy cơ sở bị đình chỉ hoạt động; Ðiện Bàn với 59 cơ sở, có 13 cơ sở bị đình chỉ. Tại một số địa phương, các xưởng cưa xẻ gỗ chưa được quy hoạch cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động cưa xẻ gỗ trái phép mà cơ quan kiểm lâm địa bàn không phát hiện và báo cáo kịp thời. Ðêm 9 rạng 10-4-2009, tổ công tác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trực tiếp chỉ huy đã kiểm tra đột xuất tại chín xưởng cưa thuộc hai huyện Thăng Bình và Hiệp Ðức, phát hiện bảy xưởng cưa vi phạm. Tổ công tác đã lập biên bản xử lý hơn 9 m3 gỗ các loại. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện gần 3 m3 gỗ tập kết tại một số gia đình và bãi đất trống chuẩn bị đưa vào các xưởng cưa. Ðiều đáng nói là một số xưởng cưa nằm ngay trung tâm huyện nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Tại xưởng cưa xẻ gỗ của ông Ðặng Văn Ðinh, khối phố An Tây và ông Huỳnh Ngọc Hải, khối phố An Nam thuộc thị trấn Tân An, huyện Hiệp Ðức, tổ kiểm tra đã phát hiện 44 thanh, phách gỗ với số lượng hơn 3 m3. Tại xưởng cưa của ông Võ Hưng Thám, tổ 14 và Trần Ngọc Mai, tổ 7 cùng ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đã phát hiện khối lượng gỗ vi phạm hơn 1 m3.

 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo hạt kiểm lâm cũng như chính quyền địa phương một số huyện đều thừa nhận tình hình vi phạm của các xưởng cưa trên địa bàn đang là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, do hoạt động của các xưởng cưa ngày càng tinh vi nên các cơ quan chức năng khó phát hiện. Nhiều xưởng cưa thường lén lút hoạt động vào ban đêm, hay buổi trưa. Trước đây, các xưởng cưa thường vận chuyển tập kết gỗ gần xưởng cưa, nay họ để xa xưởng hàng trăm m. Nếu gặp các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện thì coi như vô can. Việc thực hiện cưa xẻ gỗ trái phép tại các xưởng cưa diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 30 phút, sau đó tẩu tán không để lại "dấu vết" tại hiện trường. Các cơ quan chức năng nếu không kiên trì theo dõi, mai phục thì khó mà phát hiện, xử lý.

 

Phải khẳng định rằng, chế biến gỗ trái phép là hành động tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Vì vậy, đi đôi với việc kiểm tra sắp xếp, quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn một cách hợp lý, tỉnh Quảng Nam cần có biện pháp kiên quyết và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.

(Theo PHAN VĂN // Báo Nhân dân điện tử)

  • Trao đổi giải pháp tăng hiệu suất chế biến gỗ
  • Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc giảm 26,5%
  • Gỗ sẽ “đổ” về đâu?
  • Rút ngắn quá trình chế biến gỗ
  • Xuất khẩu đồ nội thất dùng trong phòng ngủ 4 tháng đầu năm giảm nhẹ
  • Ngành chế biến gỗ chưa có nguồn nguyên liệu ổn định
  • EU hạn chế gỗ bất hợp pháp
  • Tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong tuần đến 21/5/2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container