Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ Bình Dương: Kim ngạch tăng nhưng đối mặt với nhiều thách thức!

Sản xuất gỗ của DN Bình Dương

Theo số liệu thống kê thì tình hình xuất khẩu gỗ trong quý I-2009 vẫn tốt, đứng đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh về kim ngạch.

Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp (DN) cho thấy, hiện ngành gỗ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức...

Kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn tăng

Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương trong 3 tháng đầu năm rất khả quan, đạt hơn 271 triệu USD và tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2008. Đây là thông tin đáng mừng trong tình hình khách quan không thuận lợi do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu tác động. Các DN hoạt động ổn định và hiệu quả là: Trường Thành, Hiệp Long, Tiến Triển, Trần Đức, Minh Dương... Theo đánh giá từ Sở Công Thương, đạt được kết quả này là nhờ các DN gỗ Bình Dương đã nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, đầu tư thiết bị công nghệ và đa dạng mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là có chiến lược hợp lý trong hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với tình hình khó khăn.

Điểm thuận lợi trong xuất khẩu sản phẩm của các DN gỗ Bình Dương là thị trường mở rộng trên cả trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc là những thị trường chủ lực. Điều này cho thấy ngành gỗ tỉnh nhà chuyển biến đúng hướng, từ chỗ tập trung vào một số thị trường truyền thống và trung chuyển sang nước thứ ba, thì hiện nay sản phẩm gỗ của Bình Dương đã trực tiếp xuất sang các nước có người tiêu dùng.

Theo ý kiến từ các nhà quản lý, lợi thế trong môi trường đầu tư của Bình Dương cũng là lý do cho ngành gỗ phát triển. Vấn đề này hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ, hiện nay Bình Dương đã thu hút hơn 500 DN hoạt động sản xuất, chế biến gỗ (trong đó có đến 200 DN nước ngoài với số vốn cả tỷ USD); chiếm đến 25% số lượng DN và 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Sự tham gia của các DN nước ngoài cùng nhiều DN lớn trong nước vốn có nhiều kinh nghiệm tập trung trên cùng địa bàn không chỉ đưa ngành gỗ phát triển nhanh, mà còn là nguyên nhân giúp ngành gỗ tỉnh nhà có mức tăng trong quý I-2009, dù tình hình xuất khẩu gỗ cả nước giảm mạnh.

Ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức!

Nếu như trước đây chỉ tiêu tăng trưởng của DN gỗ thường được đưa ra từ 30 - 40%, thì hiện tại, theo nhiều DN cho biết đạt mức tăng trưởng 10% đã là quá khó! Nhìn vào tổng thể chung của xuất khẩu gỗ tuy có tăng trưởng, nhưng nhiều DN ngành này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ông Tsai Hsin I, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Return Gold (xã Khánh Bình, Tân Uyên),chuyên sản xuất đồ gỗ gia dụng xuất khẩu, cho biết DN bắt đầu gặp khó khăn từ tháng 11-2008 đến nay do không có đơn hàng để hoạt động, 750 công nhân của DN đang thiếu việc làm. Nói về khó khăn như Công ty TNHH Quốc tế Return Gold, ông Tsen Min Tao, đại diện Công ty TNHH Omexy Home Furnishing (xã Tân Hiệp, Tân Uyên) hiện có 836 lao động lý giải, tình hình hoạt động hiện nay của ngành gỗ còn tạm ổn do nhiều hợp đồng đã ký trước đó còn hiệu lực, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng nữa nhiều DN hết hợp đồng thì tình hình sẽ khó khăn hơn là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh cái khó về đơn hàng, DN ngành gỗ vẫn còn tồn tại không ít nỗi lo khác. Xét trên từng DN thì đó là cung cách làm ăn riêng lẻ, thiếu lực để cạnh tranh và đôi khi dẫn đến bất lợi và bỏ phí nhiều thời cơ, nhất là đối với các đơn hàng lớn. Một DN cho biết: “Nhiều DN trong tỉnh chưa đoàn kết, có khi DN này không đủ máy móc và thiết bị để làm, trong khi đó ở đơn vị khác chỉ đạt 50% công suất; hay như ở đơn vị này dư dả hệ thống sơn, cắt mà DN khác phải đi nước ngoài tìm mua... quả thật quá lãng phí”. Vấn đề nữa mà DN gỗ quan tâm là mặc dù ngân hàng đã triển khai chính sách cho các DN chế biến gỗ vay với lãi suất hỗ trợ 4% theo gói kích cầu của Chính phủ, song rất ít DN vay được tiền do những đòi hỏi từ phía ngân hàng như phải thế chấp, thanh toán xong nợ cũ...

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), giúp DN tháo gỡ khó khăn hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Thông qua BIFA, các vấn đề tồn tại như thiếu đoàn kết gây lãng phí và thiếu tính cạnh tranh, nhập nguyên liệu riêng lẽ đẩy giá thành lên cao, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... sẽ được giải quyết rốt ráo trong thời gian tới.

( Theo báo điện tử Bình Dương)

  • Doanh nghiệp cần biết: Những xu hướng thay đổi trên thị trường ván sàn Châu Âu
  • Ngành gỗ chống suy thoái
  • Thiếu trầm trọng nguyên liệu làm ván nhân tạo
  • Chính thức thành lập Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương
  • Malaysia mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ
  • Các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu
  • Dự báo, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh
  • Đặc điểm của thị trường các sản phổ gỗ tại Đức
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com