Tới đây, các nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình của lâm sản, tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm một cách rõ ràng. |
Mục tiêu 3 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ trong năm 2010 là hoàn toàn khả thi khi 3 tháng đầu năm đã xuất được xấp xỉ 770 triệu USD, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền nhận định.
Ông Quyền cũng lo ngại nhiều dự luật mới về buôn bán lâm sản từ các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU đang đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào một tình thế khó khăn mới.
Xin ông cho biết nhận định về xuất khẩu đồ gỗ trong năm nay?
Năm 2010, ngành gỗ Việt Nam đăng ký với Chính phủ mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD. Đây là cố gắng rất lớn, vì mục tiêu năm 2009 là 2,8 tỷ USD nhưng cuối cùng chỉ đạt 2,65 tỷ USD. Tuy vậy, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đều tin tưởng rằng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu.
Ngay từ tháng 12/2009, rất nhiều doanh nghiệp ở miền Trung và miền Nam đã ký được trọn vẹn hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ cho cả năm 2010 thậm chí nhiều doanh nghiệp còn ký được hợp đồng xuất khẩu cho năm 2011.
Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế, sản phẩm tiêu thụ chậm nên nguồn nguyên liệu nhập vào từ năm trước hiện còn tồn khá nhiều. Bởi vậy năm nay giảm được một phần áp lực về nguyên liệu. Mặt khác, trước đây đồ gỗ chế biến từ gỗ rừng trồng Việt Nam là gỗ keo, bạch đàn ít được thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng năm 2009 các sản phẩm từ gỗ keo, bạch đàn của Việt Nam xuất khẩu chiếm tới trên 1 triệu m3 gỗ, điều này càng tăng thêm sự kỳ vọng cho sự phát triển của ngành gỗ nước ta.
Chiến lược đề ra cho ngành gỗ là đến năm 2015 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 5,4 tỷ USD; năm 2020 đạt 7 tỷ USD, bởi vậy năm nay tối thiểu phải đạt 3 tỷ thì mới hy vọng đạt được đúng như chiến lược.
Tháng 1/2010 xuất khẩu gỗ đạt kim ngạch 270 triệu USD, tháng 2/2010 đạt 220 triệu USD. Trong tháng 3/2/2010 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam ước tính đạt khoảng 280 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật và EU. Thông thường những tháng đầu năm tiêu thụ gỗ thường thấp vì vụ xuất khẩu chính đối với gỗ là từ tháng 9 cho đến tháng 12 hàng năm. Ước tính trong khi quý 1 đạt khoảng 770 triệu USD, đạt gần 26% kế hoạch cả năm, càng có cơ sở để khẳng định sẽ đạt mục tiêu.
Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện tại có những khó khăn, trở ngại nào, thưa ông?
Doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam không còn nhiều thời gian ứng phó khi các đạo luật mới của Mỹ (Lacey) và của EU (FLEGT) sắp có hiệu lực. Ngày 1/4/2010, đạo luật Lacey cấm buôn bán lâm sản bất hợp pháp, trong đó có gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Hoa Kỳ, bắt buộc doanh nghiệp phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, quốc gia khai thác gỗ, cách thức khai thác..., tức là phải có chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới.
Đến tháng 1/2012, đạo luật FLEGT của EU cũng sẽ có hiệu lực. Đặc điểm chung của cả FLEGT và Lacey đều đòi hỏi nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình của lâm sản, tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm một cách minh bạch, rõ ràng để nhà chức trách Mỹ và EU có thể truy xét nguồn gốc nguyên liệu.
Thế nhưng hiểu biết để ứng phó với các đạo luật này thì hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng, bởi vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng. Bộ tiêu chí chứng chỉ rừng đến nay Nhà nước ta đã xây dựng xong nhưng còn phải chờ các tổ chức quốc tế thẩm định để công nhận.
Đến nay, các bộ ngành có liên quan vẫn chưa có ý kiến thống nhất rằng liệu cơ quan Nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cấp chứng nhận FSC và CoC cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Vẫn còn băn khoăn nữa là, các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ lấy tiền đâu mà triển khai và xin cấp chứng chỉ vì mỗi lâm trường trồng rừng nguyên liệu gỗ cần 2 triệu USD thì mới triển khai được. Trong khi các cơ quan chức năng và hầu hết các doanh nghiệp còn lúng túng về vấn đề này thì nhiều đối tác nước ngoài đã và đang chủ động hỗ trợ tháo gỡ. Hầu hết các đối tác mua đồ gỗ của Việt Nam đều đã có quan hệ làm ăn lâu năm nên họ nắm rõ chất lượng hàng, cách thức mua hàng rồi. Nhiều đối tác đã đầu tư vào Việt Nam số lượng vốn khá lớn nhằm tạo nguồn cung hàng ổn định cho họ.
Cái khó thứ 2 là hiện nay Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ các giấy phép như vậy. Trước đây nhập khẩu gỗ chỉ cần quan tâm đến chứng chỉ rừng FSC nhưng giờ ngoài FSC ra còn cần nhiều chứng chỉ khác.
Vấn đề khó thứ ba là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn kém so với các nước khác như Myanmar, Malaysia và Indonesia... Vì các nước này có đủ nguồn gỗ không cần phải nhập khẩu nguyên liệu nên đỡ tốn kém, giá thành hạ hơn.
Năm 2009, Mỹ vẫn nhập của Việt Nam 1 tỷ USD đồ gỗ; EU khoảng 700 triệu USD; Nhật Bản trên 360 triệu USD, đây vẫn là 3 thị trường hàng đầu của ngành gỗ nước ta. Riêng thị trường EU đang có sự thay đổi một chút đó là về cơ cấu sản phẩm. Trước đây EU nhập của ta 80% là đồ gỗ ngoài trời, nay chỉ còn 20- 30% thôi, sản lượng còn lại chuyển sang chủ yếu là đồ gỗ nội thất. Bởi vậy các nhà máy chế biến gỗ từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào phải đầu tư thay đổi về công nghệ sản xuất, thay đổi về mẫu mã.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com