Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đào tạo nguồn nhân lực tại các khu công nghiệp

Thế và lực của Bắc Ninh đang tạo ra sức lan toả và hội tụ mạnh mẽ, thu hút nhiều nguồn lực tạo đà cho  phát triển bền vững. Hiện nay trong các KCN tập trung đang sử dụng hơn 30.000 lao động, trong các làng nghề lực lượng lao động cũng lên tới hàng chục nghìn người. Đối với doanh nghiệp, việc thu hút, sử dụng và duy trì nguồn nhân lực chất lượng là  vấn  đề  cốt  lõi, sống còn. Trước yêu cầu của hội nhập, phát triển, mỗi  doanh nghiệp đều có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đơn vị mình. 

Là một doanh nghiệp trong nước, Công ty cổ phần kính GLACO (KCN Quế Võ) hoạt động hơn hai năm tại Bắc Ninh nhưng đã kết hợp nhiều yếu tố thu hút những người có trình độ, tay nghề cao vào làm việc. Trong tổng số gần 60 cán bộ, công nhân của công ty có 1 thạc sỹ kinh tế; 13 người trình độ Đại học; 3 cao đẳng và 25 người có bằng trung cấp nghề. Không những 100% người lao động được tham gia bảo hiểm y tế, xã hội, tổ chức Công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà ở mỗi cương vị, công ty đều có chính sách đãi ngộ bằng cơ chế tiền lương, thưởng đáp ứng yêu cầu về công việc và cuộc sống. Vì vậy, trong quá trình hoạt động công ty không để xảy ra các trường hợp tranh chấp lao động. Cũng như vậy, Công ty TNHH Canon Việt Nam đã qua 7 năm hoạt động và đến thời điểm này lực lượng lao động của công ty tại Bắc Ninh khoảng 10.000 người. Nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp nước ngoài này chính là đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Canon thực hiện đào tạo từ công nhân đến cấp quản lý ở mọi tầng cấp theo phương thức vừa thuê giảng viên bên ngoài vừa quán triệt đào tạo trên nhiều lĩnh vực trong quá trình làm việc; đồng thời đào tạo những đầu mục liên quan trực tiếp đến công việc và các trưởng nhóm phụ trách một bộ phận với nhiều kỹ năng về tổ chức, sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, công ty cũng quan tâm rèn luyện người công nhân hiểu biết và thực hiện đúng Luật pháp Việt Nam như Luật Giao thông, Luật Thuế thu nhập cá nhân… Tại KCN Yên Phong I, tập đoàn Samsung cũng sử dụng phương pháp tuyển lực lượng lao động kỹ thuật độ tuổi dưới 30 và đào tạo bài bản song song với quá trình xây dựng, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thời gian và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

 

 

Đến tháng 3-2009, Bắc Ninh có 38 trường dạy nghề (năm 2008 thành lập mới 5 trường) gồm: 12 trường Trung cấp nghề; 19 trung tâm dạy nghề; 6 trường đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và 1 trung tâm giới thiệu việc làm có dạy nghề. Năm 2008, các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo 17.000 lao động (vượt 21% so kế hoạch), góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các KC tập trung, KCN nhỏ và vừa, cụm công nghiệp làng nghề.

 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp ở Bắc Ninh đang đứng trước khó khăn thừa lao động phổ thông nhưng thiếu lao động chất lượng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chính xác, chế tạo linh kiện máy, thiết bị… Hầu hết các doanh nghiệp phải sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật như kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia, thợ lành nghề bậc cao… từ tỉnh ngoài hoặc nước ngoài về. Theo số liệu điều tra gần đây của Ban Quản lý các KCN thì Bắc Ninh mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cho doanh nghiệp. Tại các KCN tập trung hiện nay chỉ có hơn 20% lao động có trình độ chuyên môn cao về kỹ thuật, quản lý. Nhiều doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đã phải trả chi phí cao cho các vị trí quản lý nhân sự, điều hành, tài chính, chuyên gia kỹ thuật cao cấp. Giữa năm 2008, Phòng Quản lý Lao động, (Ban Quản lý các KCN) đã thực hiện khảo sát ở 31 doanh nghiệp đang sử dụng 4.391 lao động thì tỷ lệ đạt trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12,7%, trong khi lực lượng chưa qua đào tạo chiếm tới 43,6%. Theo một đại diện quản lý nhân sự ở Công ty Miltax thì dù phải thu hẹp quy mô sản xuất khi nền kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải giữ lực lượng lao động có tay nghề và biết việc, bởi nếu phải đào tạo lại thì sẽ khó khăn, tốn kém hơn nhiều lần.

 

Mặc dù hệ thống đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp và các làng nghề của Bắc Ninh khá phong phú và bài bản, song trên thực tế lao động chất lượng, giàu kinh nghiệm thực sự vẫn đang trở thành vấn đề bức thiết đối với doanh nghiệp. Điều này cho thấy, tỉnh nên đánh giá chính xác hơn chương trình, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bởi nếu chỉ chú trọng về số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng sẽ vừa tốn kém về vật chất, vừa tốn thời gian mà hiệu quả không cao. Các ngành liên quan cần rà soát, nghiên cứu để xây dựng một cơ chế đào tạo nguồn lao động trên cơ sở nắm chắc nhu cầu sử dụng nhân lực cán bộ quản lý và kỹ thuật ở mỗi lĩnh vực trong từng giai đoạn. Từ đó, các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển, chủ động tiếp cận với các trường đào tạo, có thể đầu tư trước kinh phí nhằm chuẩn bị nguồn lao động, nhân lực phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Nên có chính sách ưu đãi tốt nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng từ mọi nơi vào địa bàn và có định hướng về nghề nghiệp khi đào tạo ở các trường phổ thông. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xác định vấn đề nguồn lực là cốt lõi, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, bố trí đúng người, đúng việc để phát huy hết khả năng sáng tạo của mỗi vị trí lao động. áp dụng biện pháp gắn lợi ích với trách nhiệm, tạo ý thức học tập vươn lên ở mỗi cá nhân…Đây chính là cơ sở cho doanh nghiệp tạo dựng nguồn lao động chất lượng phục vụ quá trình hoạt động trong hội nhập sâu kinh tế quốc tế.

(Theo Báo Bắc Ninh)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container