Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hỗ trợ đầu tư khu kinh tế cửa khẩu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 33/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) và khu phi thuế quan (KPTQ). Như vậy, sau gần một năm ban hành quyết định phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các KKTCK của Việt Nam đến năm 2020”, bước tiếp theo đề án này đã nhanh chóng được triển khai.


Ưu đãi về thuế, lệ phí


Theo đó, kể từ ngày 1-5-2009 khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình dịch vụ tiện ích, công cộng cần thiết của KKTCK sẽ được đưa vào danh sách dự án kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài được đầu tư trực tiếp vào KKTCK, kể cả việc áp dụng các hình thức BOT, BT, BTO.

Đồng thời, các doanh nghiệp (DN), cá nhân đầu tư vào KKTCK còn nhận nhiều ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và chính sách tài chính khác.
 

 

Siêu thị miễn thuế được đầu tư tại Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ảnh: T.L.

Quy định này đã nêu cụ thể, DN thành lập mới từ dự án đầu tư vào KKTCK được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế thu nhập DN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.


Đối với người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKTCK, nếu có thu nhập từ việc làm tại KKTCK thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thì được giảm 50% số thuế phải nộp.


Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong KPTQ; hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào KPTQ và từ KPTQ xuất khẩu ra nước ngoài được miễn thuế GTGT. Hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong KKTCK và hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam đưa vào KPTQ được áp mức thuế suất thuế GTGT là 0%.


Ngoài ra, dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư thì được miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các dự án khác thì được miễn tiền thuê đất 11 năm.


Riêng đối với các KKTCK Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), An Giang (An Giang), Mộc Bài (Tây Ninh), Bờ Y (Kon Tum), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Tháp (Đồng Tháp), ngoài các hình thức huy động vốn ở trên còn được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các DN có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật trong KKTCK; được áp dụng hình thức tín dụng đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và huy động mọi nguồn vốn đầu tư dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật.


Ngoài ra, khi hết thời gian được miễn tiền thuê đất, các nhà đầu tư vào các KKTCK trên còn được áp dụng mức giá thuê đất, thuê mặt nước bằng 30% giá áp dụng tại huyện có mức giá thuê đất, thuê mặt nước thấp nhất trong địa bàn tỉnh.


KKTCK trở thành động lực 
 

Các DN đánh giá quyết định này có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm cả nước chung sức đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, việc xây dựng các KKTCK trên các vùng biên giới sẽ trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia.


Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 cả nước có 30 KKTCK, trong đó có 9 KKTCK là Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang, Đồng Tháp và Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo sẽ được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình quản lý, cơ chế, chính sách để đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đạt 42-43 tỷ USD, đón 7,8-8 triệu lượt khách du lịch từ các nước vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước láng giềng.


Hiện nay một số DN quan tâm đến lĩnh vực này cho biết, khi có quyết định này họ sẽ mạnh dạn đẩy nhanh việc xúc tiến các quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, các DN cũng cho rằng, các thủ tục hành chính cần phải được cải thiện để thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn biên giới; nhanh chóng phát triển các trục tuyến giao thông nối liền các KKTCK với nội địa và các cửa khẩu và KKTCK của Trung Quốc. 


Toàn bộ hệ thống giao thông nối KKTCK với các nơi tại các khu vực biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng đã được quy hoạch trong đề án.

Điều này cần sự phối hợp giữa các bộ - ngành trung ương với UBND các tỉnh có liên quan trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện KKTCK.


Trong đó, công tác vận động xúc tiến đầu tư vào KKTCK, thu hút đầu tư vào các ngành và lĩnh vực ưu tiên cần được thực hiện thống nhất, tích cực; công bố rộng rãi và chi tiết danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và các chính sách khuyến khích cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước; chú trọng phát triển nguồn nhân lực bằng việc hỗ trợ đầu tư xây dựng trường, trung tâm dạy nghề, tạo việc làm cho vùng thu hồi đất để xây dựng KKTCK…

(Theo SGGP)

  • Ưu đãi ở khu kinh tế cửa khẩu
  • Thành lập Khu công nghiệp Nhơn Hòa (Bình Định)
  • Doanh nghiệp trong KCN Việt Nam - Singapore (VSIP): Phấn đấu nộp ngân sách 50 triệu USD trong năm 2009
  • 3.000 tỷ đồng xây khu công nghiệp Phú Mỹ 2
  • Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa
  • Thêm một dự án KCN thu hút mạnh đầu tư tại Bà Rịa Vũng Tàu
  • Khu công nghiệp Đồng An: 120 doanh nghiệp hoạt động ổn định
  • Cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp phía Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container