Chuẩn bị cọc để đóng xuống biển,xây dựng cảng. |
Xây dựng khu kinh tế (KKT) Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ tạo thêm nhiều động lực phát triển không chỉ riêng cho tỉnh Khánh Hòa mà cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Song việc triển khai xây dựng KKT này còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc, tỉnh Khánh Hòa đang có nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Con đường nối quốc lộ 1A với khu vực Ðầm Môn, KKT Vân Phong rộng dài tít tắp. Miên man nắng, và gió, cái nóng như được nhân lên bởi dưới chân người toàn những cát, và cát. Chúng tôi đến khu vực đang triển khai xây dựng Cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế Vân Phong. Dự án này trên diện tích 41,5 ha; xây dựng hai bến cảng cho tàu công-ten-nơ có sức chở 6.000 đến 9.000 TEU, đáp ứng lượng hàng thông qua cảng khoảng 700 nghìn TEU/năm. Công trường xây dựng vắng vẻ, những con tàu, phương tiện phục vụ thi công im lìm trên bến. Khởi công đã gần hai năm, nhưng trên công trường chỉ thấy trơ trọi mấy chiếc cọc nhỏ nhoi cắm trên biển vắng.
Phó Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong Hoàng Ðình Phi cho biết: Việc thực hiện dự án này gặp một số khó khăn. Mà theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đây là dự án giữ vai trò chủ đạo trong KKT Vân Phong.
KKT Vân Phong có quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa mà cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. KKT Vân Phong càng sớm hình thành, đi vào hoạt động, tỉnh Khánh Hòa cũng như các tỉnh lân cận càng sớm có thêm động lực phát triển. Từ năm 2007, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ra Nghị quyết tập trung phát triển KKT Vân Phong. Nghị quyết xác định, đến năm 2010 hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng; quy hoạch, thiết kế sử dụng đất trong KKT; hoàn thành cơ bản các khu tái định cư để triển khai dự án xây dựng Cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế giai đoạn khởi động và các dự án quan trọng khác; hoàn thành cơ bản các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội; thu hút khoảng 50 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký khoảng 40 nghìn tỷ đồng...
Tỉnh đã tập trung vào một số công việc, như quản lý, lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng KKT; giải phóng mặt bằng; huy động các nguồn vốn đầu tư; bảo vệ môi trường; thực hiện cơ chế 'một cửa tại chỗ'... Trong ba năm, từ 2007 đến 2010, KKT Vân Phong thu hút 80 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 311 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều dự án có quy mô lớn, như Cảng trung chuyển quốc tế với tổng vốn đầu tư 2.948,5 tỷ đồng; Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; Trung tâm nhiệt điện Vân Phong vốn đầu tư 3,8 tỷ USD; Khu đô thị mới Tu Bông và Khu du thuyền cao cấp vốn đầu tư 3,5 tỷ USD...
Song, xét về tổng thể, việc triển khai xây dựng KKT Vân Phong còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Một phần do công tác chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian. Phần khác, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế nhiều nhà đầu tư huy động vốn khó khăn, dẫn tới việc triển khai đầu tư xây dựng công trình chậm. Công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đều quá chậm. Nhiều dự án triển khai chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển chung của cả KKT, như xây dựng hạ tầng chậm ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư, đến triển khai những dự án lớn, có tính chủ đạo, như dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và ảnh hưởng chất lượng hoạt động của KKT.
Có một thực tế là, rất nhiều nhà đầu tư đến KKT Vân Phong tìm hiểu, khảo sát thực tế rồi... một đi không trở lại. Tìm hiểu nguyên nhân, được họ cho biết, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ở đây chưa có gì, cho nên chưa thể đầu tư. Ai cũng biết, nhà đầu tư chỉ có thể tiến hành đầu tư, triển khai thực hiện dự án khi KKT có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Do đó, thách thức lớn nhất của KKT Vân Phong là phải xây dựng cho được hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn có hạn. Theo Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong Nguyễn Trọng Hòa, dự kiến, từ nay đến năm 2015, KKT Vân Phong cần được đầu tư ít nhất 10 nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và toàn diện. Hiện nay, huy động vốn đầu tư cho KKT Vân Phong đang là một bài toán rất khó.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển KKT Vân Phong Lê Thanh Quang cho biết, bên cạnh việc cố gắng tổ chức huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang đề nghị Chính phủ cho phát hành trái phiếu công trình Trung ương để huy động vốn chi hỗ trợ có mục tiêu đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu. Ðề nghị Trung ương đưa vào danh mục kêu gọi nguồn vốn ODA đối với một số công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng như cấp nước, xử lý chất thải... Bên cạnh đó, tỉnh chủ động thực hiện hình thức đấu thầu ứng vốn thi công công trình; tìm thêm các nguồn vốn khác như vốn từ chuyển quyền sử dụng đất trong KKT, vốn đầu tư hỗn hợp công tư. Có cơ chế bố trí hợp lý hơn nguồn thu từ hoạt động trung chuyển dầu trên Vịnh Vân Phong để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của KKT trong thời gian từ ba đến năm năm.
Song song với việc giải quyết các vấn đề về vốn đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị hoàn thành Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước quý III-2011 để sớm đưa vào triển khai thực hiện; phối hợp các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, nhằm sớm triển khai các dự án nhóm A và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho khu phi thuế quan, trong đó ưu tiên cho cảng trung chuyển quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho các khu công nghiệp đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong.
Khu vực Vịnh Vân Phong, trong đó có KKT Vân Phong, được tỉnh Khánh Hòa xác định là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, cùng với TP Nha Trang và khu vực bán đảo Cam Ranh. Do vậy, thực hiện tốt các giải pháp sớm đưa KKT Vân Phong đi vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng góp phần tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Khánh Hòa mà cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, KKT Vân Phong là KKT tổng hợp, trong đó Cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế giữ vai trò chủ đạo kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề kinh tế khác. Tổng diện tích được quy hoạch khoảng 150 nghìn ha. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh tính chất KKT Vân Phong là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, Cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. |
(Theo Phong Nguyên/nhandan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com