Gần như mặc nhiên trong tâm thức của nhiều người, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã thành thành phố từ lâu - ít nhất cũng 15 năm qua, vì ra rả bên tai nào là thành phố vệ tinh, vị trí chiến lược, nằm trên đường vành đai có cây cầu nối với quận 9, gần kề sân bay quốc tế Long Thành… Tiếc thay, cho đến nay tất cả những lời “có cánh” đó chỉ nằm trên bản vẽ nhằm phục vụ cho ý đồ làm địa ốc. Còn Nhơn Trạch đang hoang hóa dần…
Khu đô thị mới thành “phế tích”
Hiện diện sớm nhất, quy mô nhất cho đến nay là khu dân cư Long Thọ - Phước An, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư.
Tháng 1-2002, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho công ty này đầu tư hạ tầng làm khu dân cư. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 223ha. Trong đó gồm 115,68ha dành cho các loại nhà phố và 4,2ha xây dựng chung cư cao tầng. Nhà phố gồm có biệt thự, nhà vườn, nhà liên kế, song lập... diện tích từ 90 - 500m². Khu công cộng gồm có trường học, bệnh viện, ngân hàng, bưu điện, trung tâm hành chính, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao… Tất nhiên, các hạng mục sẽ được xây dựng đầy đủ, nhằm phục vụ cho khoảng 25.000 dân sinh sống!
Sau 8 năm triển khai, hiện nay khu dân cư này đã hoàn chỉnh hạ tầng, đường sá thênh thang, có bảng tên đường hẳn hoi, lác đác vài cụm nhà biệt thự hoặc nhà liên kế. Đó là tất cả những gì có được đối với khu đô thị này.
Còn thực tế là một khu đô thị hoang vắng, sức sống hiện diện yếu ớt từ vài văn phòng môi giới nhà đất hoặc một vài nhà có người ở. Các khu đất phân lô thì ngút ngàn cỏ cây, cao vượt đầu người. Đối với dãy nhà phố xây sẵn hầu như bị bỏ hoang phế, không có người ở. Tường lở lói, cửa kính bể nát. Có căn nhà trương tấm băng rôn hết sức “quyến rũ” bằng tiếng Việt, Hoa và Anh: “Nhà cho thuê dài hạn giá ưu đãi, trong nhà sẽ hoàn thiện theo ý khách hàng”.
Chưa hết, có dãy nhà, trước đây là nhà phố nhưng bây giờ lại xây bít các cửa sổ, cửa lớn để biến thành nơi nuôi chim yến. Các công trình công cộng không thấy đâu, một sân tennis đã xuống cấp, mặt sân bong tróc, hàng ghế bể nát. Theo thống kê của Sàn giao dịch bất động sản Nhơn Trạch, tại đây chưa tới 150 căn nhà có người ở. Nói chung, tuy là đại đô thị nhưng thiếu sức sống, gần như trở thành phế tích!
Mặc dù thực tế là vậy, nhưng tất cả các lô đất ở đây đều đã có chủ. Còn nhớ, trong hai đợt sốt đất của năm 2007, văn phòng của chủ đầu tư tại TPHCM luôn chìm ngập trong “biển người” mua đất, có vị khách mua sỉ hàng chục lô, có ngày chủ đầu tư bán hàng trăm lô! Còn bây giờ, cũng thông tin từ Sàn giao dịch bất động sản Nhơn Trạch, toàn bộ giao dịch đều mua đi bán lại. Nhà phố có giá 2,8 - 5 triệu đồng/m², tùy theo vị trí, đường lớn hay nhỏ; giảm nhiều so với thời sốt đỉnh điểm. Qua khảo sát cho thấy, việc mua bán rất khó khăn, giá đất đã tụt xuống hơn 2/3 so với thời sốt đất nhưng vẫn không có người mua.
Kế bên dự án này, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị còn làm chủ một dự án xây dựng khu dân cư khác với diện tích 135ha, đang tiến hành xây dựng hạ tầng. Nằm “sát vách”, Công ty Xây dựng - Kinh doanh nhà Thành Hưng được giao hai dự án làm khu dân cư. Trong đó, dự án 40ha được giao đất năm 2004 thì đang san lấp mặt bằng, bị liệt vào diện chậm xây dựng công trình. Đường sá chỉ mới rải đá cấp phối, nhưng không có dấu hiệu nào tiếp tục thi công. Còn dự án 10ha được tỉnh chấp thuận địa điểm vào năm 2005, đến nay đã hết hạn, chủ đầu tư cũng “biến” luôn.
Nói chung tại xã này có đến 889,8ha làm khu dân cư, phần hoàn thành gần như trở thành “phế tích”, phần đang làm thì nham nhở. Tuy dự án cũ không hoàn thành, nhưng trong năm 2009 lại xuất hiện thêm nhiều dự án mới để tiếp tục đầu tư làm khu dân cư!
Hạ tầng dang dở tại dự án khu dân cư do Công ty Xây dựng - Kinh doanh nhà Thành Hưng đầu tư. |
Dự án “treo” sát bên huyện ủy
Xã Phú Hội trung tâm của huyện Nhơn Trạch hoặc có thể ví von như quận 1 của TPHCM. Xã này có hàng chục dự án nhà ở đã và đang triển khai, nhưng tại đây cũng có dự án “ngâm tôm” hoặc chủ đầu tư biệt tích nhưng dự án lại không khai tử.
Có vị trí rất tốt, nằm sau lưng trụ sở UBND huyện và huyện ủy là dự án xây dựng khu dân cư - thương mại 25ha do Công ty TNHH Địa ốc Chợ Lớn làm chủ đầu tư. Tháng 10-2003, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định chấp thuận địa điểm, tháng 11-2004 duyệt quy hoạch chi tiết. Đến nay, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi đất từng hộ cá nhân, tổ chức họp dân để triển khai công tác bồi thường và trao quyết định thu hồi đất.
Mới đây nhất, chính quyền đề xuất thu hồi dự án, theo ông chủ tịch xã Châu Thanh Phong, vì chủ đầu tư không có năng lực. Ví dụ, mặt tiền đường 25B, vị trí 1, đất nông nghiệp giá chuyển nhượng khoảng 1 triệu đồng/m² nhưng chủ đầu tư chỉ đền bù 160.000 đồng/m². Dự án không làm, treo quyền lợi của dân.
Ông Châu Thanh Phong chua xót kể, năm 1996 vét hết tiền dành dụm cũng như vay mượn để mua miếng đất 8 x 100m, 10 cây vàng. Vì mua đất cất nhà nên khi sốt đất, nhiều người trả giá cao ngất ông cũng không bán. Nhưng rồi khu đất nằm trong quy hoạch dự án, thế là đất của ông nhưng lại không quyết định được, tính đến nay lơ lửng 16 năm trời.
Nhưng có lẽ chuyện xưa nay hiếm, chưa có tiền lệ trong quản lý đất đai đó chính là Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu dân cư Long Tân, do Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thiên Nam làm chủ đầu tư. Ngày 25-12-2001, chủ đầu tư đệ đơn lên UBND tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu địa điểm đầu tư. Ngày 2-5-2002, ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ban hành quyết định chấp thuận chủ trương. Rồi sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai liên tiếp có công văn tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai.
Tháng 7-2003, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi và tạm giao đất cho công ty này để tiến hành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng lập thủ tục đầu tư xây dựng khu dân cư, diện tích gần 30ha, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 53 hộ.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, xã Phú Hội, có đất nằm trong dự án kể lại, năm 2005 chủ đầu tư có họp dân một lần, đưa ra giá đền bù, rồi một đi không trở lại.
Ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Phú Hội, bức xúc nói: Chủ đầu tư biến mất, thế là thành dự án treo. Không có chủ quyền không thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, không chuyển nhượng được, mọi vấn đề liên quan đều bế tắc. Chủ đầu tư mất tích mà dự án lại vẫn tồn tại, trong khi luật pháp đất đai quy định khá rõ ràng: quá 12 tháng dự án không triển khai là thu hồi. Thế nhưng dự án này hơn 5 năm không triển khai lại không thu hồi, gây khốn đốn cho người dân.
Theo báo cáo mới nhất, huyện Nhơn Trạch có 74 dự án khu dân cư với tổng số đất đã giao hơn 4.740ha, trong đó đang xây dựng 12 dự án, số còn lại chậm triển khai hoặc đang lập thủ tục hồ sơ. Tuy nhiên, việc giao đất thiếu kiểm tra, xây dựng khu dân cư không hiệu quả như trên đã nêu, vậy phát triển đô thị tại Nhơn Trạch là văn minh, theo nhu cầu hay đang làm hoang hóa đất đai?
(Theo LƯƠNG THIỆN // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com