Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển KCN: Cần một sự thay đổi?

Bài toán môi trường và kinh tế đang khiến nhiều KCN trở thành nỗi bức xúc của người dân - tinkinhte.com
Bài toán môi trường và kinh tế đang khiến nhiều KCN trở thành nỗi bức xúc của người dân

Những bất hợp lý từ phát triển KCN nói riêng, các dự án phát triển công nghiệp nói chung đang ngày càng nhiều thêm. Hàng loạt vụ việc khiếu kiện đông người, ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ hoạt động của các dự án phát triển công nghiệp, KCN đang đặt các nhà quản lý trước vấn đề: Có cần thay đổi cách tiếp cận, hình dung về các dự án phát triển công nghiệp, KCN...

Trên thực tế, đã có nhiều dẫn chứng, dấu hiệu về sự thay đổi trong phát triển dự án công nghiệp, KCN. Nhưng những dẫn chứng, dấu hiệu ấy lại chưa thể phát huy hiệu quả tối đa khi thiếu định hướng chiến lược xây dựng, phát triển. Và kèm theo đó là cả hệ thống quy định quản lý vừa có tác dụng giám sát, vừa có tác dụng hỗ trợ, khuyến khích.

Ít có sự hài lòng

Nông dân Hoàng Minh Trọng (đội 1 xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với nguồn gốc nông nghiệp của mình sau khi bị thu hồi 13 sào Bắc Bộ đất (4.680 m2) cho dự án phát triển KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng). Dù hiện nay đang là bảo vệ của KCN Nam Cầu Kiền, nhưng anh Trọng vẫn có thể xem là một... “phú ông” đích thực, với một trang trại khép kín theo mô hình vườn – ao – chuồng rộng 15 sào Bắc Bộ (5.400 m2). Anh Trọng đã mua diện tích đất này hoàn toàn bằng tiền đền bù DN chi trả khi gia đình bị thu hồi đất. Và khi cả hai vợ chồng anh Trọng đều là công nhân tại DN đã thu hồi đất của họ làm KCN (Cty CP Shinec - Vinashin), thì họ lại thuê 2 lao động chuyên làm việc tại trang trại ấy. Thu nhập của gia đình anh Trọng hiện gồm hai khoản chính. Đó là lương công nhân hàng tháng của 2 vợ chồng (4,2 triệu VND), thu nhập theo mùa vụ từ các sản phẩm của trang trại. “Ổn định hơn hẳn trước kia” là cách anh Trọng nhận xét về đời sống hiện tại của gia đình anh sau khi bị... thu hồi đất.

Với các nhà quản lý và với Cty CP Shinec – Vinashin, sự ổn định – theo cách nói của anh Trọng – không dừng lại ở gia đình nông dân (hay công nhân) này. Mà là ở số hơn 10 nhân khẩu tìm được đời sống, công việc và thu nhập ổn định cùng với sự yên ổn của gia đình ấy. Nhìn rộng hơn, theo anh Trọng, toàn xã Thiên Hương có hơn 40 hộ, với trên 100 nhân khẩu bị mất đất cho KCN Cầu Kiền, nhưng cứ 10 người mất đất thì có 7 – 8 lao động tìm được việc làm mới tại các DN thành viên của Cty CP Shinec – Vinashin hoặc ngay trong KCN Nam Cầu Kiền. Thu nhập của những lao động này từ 1,8 – 2,5 triệu VND/tháng nếu là lao động phổ thông, còn nếu là lao động đã qua đào tạo thì thu nhập đương nhiên cao hơn. Thu nhập này đều cao hơn hẳn thu nhập từ nghề nông trước kia của những lao động này.

Gia đình anh Trọng, cũng như hơn 40 hộ gia đình tại xã Thiên Hương có thể chỉ là mẫu hình hiếm hoi của sự ổn định công việc, thu nhập sau khi mất đất cho dự án xây dựng KCN Nam Cầu Kiền. Theo kết quả một khảo sát do Bộ LD-TB-XH công bố, tại khu vực động bằng Bắc Bộ, mỗi ha đất trước khi bị thu hồi tạo việc làm cho bình quân 13 lao động, nhưng sau khi bị thu hồi đất, thì mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm. Hiện tỷ lệ lao động không có việc làm sau khi bị thu hồi đất đã tăng lên mạnh tại các địa phương và xê dịch trong khoảng từ 8 - 13%. Đồng thời cơ cấu nghề nghiệp cũng thay đổi mạnh, nhưng số người có công việc trong KCN tăng chưa tới 3%. Có nghĩa, nhìn ở góc độ việc làm, các KCN, các dự án phát triển công nghiệp đang tước đoạt dần hơn là tạo thêm công việc cho những người nông dân. Thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân trực tiếp, quan trọng nhất dẫn tới sự bất ổn định xã hội, chính trị tại những khu vực bị thu hồi đất. Và sự hài lòng (nếu có) mà các nông dân xã Thiên Hương đang thể hiện, dường như là bắt đầu từ định hướng hình thành một hệ thống DN phụ trợ chuyên chỉ phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Nam Cầu Kiền. Các DN phụ trợ ấy do Cty CP Shinec – Vinashin thành lập và thu hút lượng lớn lao động địa phương bị thu hồi đất.

Tai họa kép !

Một thông tin từ Cục Cảnh sát Môi trường cho biết, kết quả khảo sát cho thấy có 70% KCN tại 17 địa phương phía Nam chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bao gồm cả  chất thải rắn và lỏng. Không riêng gì phía Nam, các KCN phía Bắc hay miền Trung cũng chưa bao giờ được... khen về thành tích bảo vệ môi trường. Và nếu tính cả các KCN có hệ thống xử lý chất thải nhưng không hoạt động, không đủ tiêu chuẩn, thì bức tranh chung về thực trạng bảo đảm môi trường tại các KCN còn u ám hơn nhiều. Hàng loạt các cuộc khiếu kiện đông người, ngăn trở hoạt động của DN... có nguyên nhân liên quan tới việc vi phạm môi trường của các KCN, các DN trong thời gian qua cho thấy tác động của các DN nói chung, các KCN nói riêng tới không chỉ môi trường, mà tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân là cực lớn. Theo kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP HCM) thì chỉ một hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của Cty Vedan đã làm cả một khu vực hơn 10 km dọc theo lưu vực sông Thị Vải thuộc 3 địa phương (TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) bị ô nhiễm nặng nề. Tổng diện tích đất và mặt nước bị ô nhiễm lên tới gần 2.678 ha. Trong đó, có 2.000 ha bị ảnh hưởng nặng, 678 ha bị ảnh hưởng nhẹ. Theo tính toán của các nhà khoa học, Vedan đã đóng góp tới 85% trong việc “bức tử” môi trường từ từ và dần dần đó. Nhưng điều hài hước là ở chỗ, Cty Vedan đã ... không đồng ý với toàn bộ quy trình khảo sát, đánh giá thiệt hại.... do Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện.

Ô nhiễm về nước thải, chất thải rắn còn có thể được phát hiện, được khẳng định, thậm chí là xác định được mức thiệt hại để làm cơ sở yêu cầu các hình thức đền bù phù hợp. Nhưng ô nhiễm về khí thải lại là loại hình vi phạm cực khó phát hiện, xác định nguồn vi phạm cũng như mức độc hại, thiệt hại... Mặc dù tất cả các dự án, các KCN đều có các cam kết về môi trường ngay từ khâu dự án và cam kết ấy đều phải được thẩm định, cho phép thì mới được triển khai. Nhưng do các biện pháp, quy định, phương tiện... không đáp ứng được yêu cầu giám sát, mà việc thực hiện các cam kết về môi trường, khí thải đã chỉ được tiến hành một cách hình thức, không hiệu quả. Tại Hải Phòng, các ngành chức năng đã không có phương tiện lấy mẫu khí thải tại ống khói của các DN tại Quán Toan, Hải Phòng để giám định nồng độ. Trong khi đó thì kết quả tự giám định khí thải do các DN thực hiện và báo cáo đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Câu chuyện hài hước là ở chỗ, không hiểu các DN đã làm thế nào để lấy được mẫu khí thải khi ngay các cơ quan chức năng cũng... bó tay ? Cần nói thêm là, đến nay chưa có đánh giá cụ thể do cơ quan chức năng tiến hành về ô nhiễm khí thải tại các KCN của VN.

Cho đến nay, đã có 219 KCN được xây dựng, sử dụng hơn 61.000 ha đất trên địa bàn 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. 17 năm qua, từ khi KCN đầu tiên được khởi công xây dựng, đa phần nông dân và các khu dân cư thiệt hại nhiều hơn là được lợi từ khi có sự xuất hiện của các KCN, các dự án phát triển công nghiệp tại địa phương của họ. Trong 5 năm (2003-2008) việc thu hồi đất thực hiện các dự án đã tác động trực tiếp đến 627.000 hộ gia đình, với khoảng 2,5 triệu người. Thiệt hại của người dân không không chỉ về tư liệu sản xuất (mất đất), mà còn là thiệt hại vì bị ô nhiễm môi trường đã “vươn xa” tới cả những diện tích còn lại, không bị thu hồi. Chính xác hơn, là ô nhiễm về môi trường có nguồn gốc từ các dự án phát triển công nghiệp, các KCN đã ảnh hưởng trực tiếp tới đối tượng chưa bị tác động trong quá trình thu hồi đất thực hiện dự án. Tác động theo chiều hướng xấu đối với tự nhiên, xã hội của dự án phát triển công nghiệp, KCN là cực lớn. Và không thể ước lượng bằng con số hàng trăm nghìn hộ dân đã bị thu hồi đất, mà tính bằng hàng triệu hộ dân trong vùng chịu ảnh hưởng do các hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra.

Hài hòa như thế nào ?

Từ nhiều năm nay, các chính sách về thu hồi đất, về bảo vệ môi trường – hai vấn đề quan trọng nhất trong thu hồi đất phát triển công nghiệp – đã liên tục được thay đổi, bổ sung. Chiều hướng sửa đổi, bổ sung, theo quan điểm của các cơ quan ban hành, là ngày càng sát thực tế, giảm thiểu thiệt hại và đem lại cơ hội, lợi ích nhiều hơn cho người bị thu hồi đất, người chịu ảnh hưởng. Nhưng cũng là một thực tế, sự bất bình của người dân với thu hồi đất thực hiện dự án phát triển công nghiệp và sự tồn tại của các dự án này đang ngày một tăng. Số vụ khiếu kiện tập thể. số vụ bị phát hiện liên quan tới vấn đề thu hồi đất và bảo vệ môi trường tại các dự án tăng cao cao cả về số vụ, cả về quy mô. Và đó là mâu thuẫn lớn trong thực tế phát triển công nghiệp hiện nay, khi cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện thì càng tạo ra nhiều hơn sự bất bình từ người dân.

Đã có nhiều giải pháp được nêu ra, được áp dụng hầu mong tạo được sự đồng thuận giữa các dự án phát triển công nghiệp với cư dân khu vực chịu ảnh hưởng. Chẳng hạn như tăng cao tiền đền bù, yêu cầu chủ đầu tư tiếp nhận lao động địa phương, hình thành nguồn kinh phí đào tạo nghề, chuyển nghề cho lao động bị thu hồi đất... Về nguyên tắc, quy trình, thủ tục, yêu cầu liên quan tới đền bù, thực hiện của mỗi dự án có thể xem như mô hình tổng thể đảm bảo cân đối quyền lợi của nhà đầu tư, nhà nước và người dân. Nhưng, một mô hình tổng thể, đóng vai trò kết nối các biện pháp hỗ trợ cả nhà đầu tư và người dân thì dường như lại chưa đạt hiệu quả như các nhà quản lý mong muốn. Theo nghiên cứu của ông Phạm Hồng Điệp - TGĐ Cty Cty CP Shinec – Vinashin – DN chủ đầu tư dự án KCN Nam Cầu Kiền – thì hiện thiếu hẳn cơ chế tài chính khuyến khích sự ra đời và hoạt dộng của các DN chuyên trách phục vụ hoạt động của KCN như xử lý nước thải, cung ứng thực phẩm, giải trí... Như vậy, gánh nặng về đầu tư sẽ dồn hết lên vai nhà đầu tư KCN và đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới sự yếu kém của việc đảm bảo môi trường tại các KCN. Và sau đó là sự thiếu thốn của các mô hình như DN, hợp tác xã nông nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm hay dọn dẹp rác thải trong KCN. Trong khi đây lại là mô hình DN sử dụng nhiều nhất lực lượng lao động khó đào tạo cho các hoạt động công nghiệp như người quá tuổi lao động, người thất học... Do vậy, gánh nặng về thu nhập, về công việc và ổn định xã hội đối với những lao động này đã dồn vào chính quyền địa phương, thay vì được DN chia sẻ. 

Theo quan điểm của ông Phạm Hồng Điệp, điều cần thiết trong nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý đối với phát triển công nghiệp là các chính sách khuyến khích sự ra đời của các mô hình DN, tổ chức vệ tinh phục vụ sự hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hơn là sự áp đặt của các cơ chế quản lý cứng nhắc. Một KCN hoạt động phải là cơ hội, là hạt nhân, động lực phát triển kinh tế, ổn định xã hội một vùng. Chứ KCN không thể tồn tại biệt lập, khép kín với địa phương, xã hội nơi xây dựng nó. Mục tiêu hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi xã hội, trước tiên và sau cùng phải được xây dựng trên cơ sở các bên đều có lợi. Thay vì chỉ hài hòa theo kiểu đẩy khó khăn chỉ sang một phía. Và đó là vấn đề các cơ chế, chính sách cần phải có, sau hơn 20 năm đổi mới.
 
* Cho đến nay, đã có 219 KCN được xây dựng, sử dụng hơn 61.000 ha đất trên địa bàn 54 tỉnh, thành phố trên cả nước.

* Ô nhiễm về nước thải, chất thải rắn còn có thể được phát hiện, được khẳng định, thậm chí là xác định được mức thiệt hại. Nhưng ô nhiễm về khí thải lại là loại hình vi phạm cực khó phát hiện, xác định nguồn vi phạm cũng như mức độc hại, thiệt hại...

* Sự bất bình của người dân với thu hồi đất thực hiện dự án phát triển công nghiệp đang ngày một tăn
 
* Thiếu hẳn cơ chế tài chính khuyến khích sự ra đời và hoạt động của các DN chuyên trách phục vụ hoạt động của KCN như xử lý nước thải, cung cấp thực phẩm, giải trí...

(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Khu công nghiệp “đói” nhiên liệu
  • Năm 2010: Hà Nội sẽ có 177 điểm công nghiệp và 49 cụm công nghiệp
  • Ưu tiên vốn ngân sách cho các khu kinh tế ven biển
  • Lào Cai: Khu thương mại- công nghiệp lớn nhất vùng Tây Bắc đi vào hoạt động
  • Hà Nội: Cần 300 ha đất xây nhà ở công nhân các khu công nghiệp
  • Khai thác tiềm năng kinh tế biển ở Quảng Trị
  • Đồng Nai: Chuyển khu công nghiệp Biên Hoà 1 thành khu đô thị
  • Thành lập thêm 17 khu công nghệ thông tin tập trung
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container