Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sức hút từ Khu công nghiệp Thụy Vân

Khu công nghiệp Thụy Vân  được thành lập từ năm 1997 tại xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì. Trải  qua 2 giai đoạn mở rộng đầu tư đến nay  Khu công nghiệp Thụy Vân có tổng diện tích là 323 ha. So với các cụm, các khu công nghiệp sinh sau đẻ muộn như: Khu công nghiệp Trung Hà, cụm công nghiệp Bạch Hạc, cụm công nghiệp Đồng Lạng... thì Khu công nghiệp Thụy Vân hiện vẫn là khu công nghiệp lớn nhất, thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất, đóng góp nhiều nhất vào ngân sách Nhà nước, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Có được kết quả này không chỉ do sức hút của các cơ chế chính sách mà còn do tinh thần cởi mở luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư của Ban quản lý các khu CN.

Theo Ban quản lý các khu CN thì  đến hết quý I-2006 Khu CN Thụy Vân đã thu hút được 40 dự án đầu tư  với tổng vốn đăng ký là: 121,27 triệu USD  và 627,07 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 88,34 triệu USD, 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 32,93 triệu USD và 627,07 tỷ đồng. Các dự án sản xuất ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khá phong phú như: Vật liệu xây dựng, điện - điện tử, cơ khí chế tạo, hóa chất - cao su - khoáng sản - ga, nông lâm sản thực phẩm, dịch vụ, dệt may và dịch vụ dệt may... Trong tổng số 40 dự án đến nay đã có 32 dự án đi vào sản xuất kinh doanh, 6 dự án đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng lắp đặt thiết bị máy móc dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm 2006, 2 dự án mới được cấp phép đầu tư. Tuy nhiên  trong số 32 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh nói trên, hiện đã có 4 dự án đang phải tạm dừng hoạt động do thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các dự án này chủ yếu là dự án của các doanh nghiệp trong nước như: Dự án chế biến tinh bột ngô, sản xuất bóng đèn huỳnh quang, dây cáp điện có DN hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục chuyển đổi hình thức hoạt động hoặc bán doanh nghiệp. Còn lại 28/ 32 dự án đã đi vào sản xuất ổn định, nhiều dự án sau đầu tư giai đoạn 1 sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và mở rộng đầu tư. Điển hình là các doanh nghiệp ở lĩnh vực dệt may, cơ khí chế tạo... Thực tế như ở công ty TNHH Kee-Eun Việt Nam doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dệt may hiện nay đang thu hút 700 lao động vào làm việc với mức thu nhập bình quân đạt 1 triệu đồng/người /tháng. Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Han Yong - Tổng Giám đốc người Hàn Quốc cho biết: Hiện tại ở giai đoạn 1 công ty Kee-Eun đang sản xuất và xuất khẩu trên 2 triệu sản phẩm quần áo dệt kim/năm sang thị trường: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Sau khi sản xuất ổn định công ty đã tiếp tục đầu tư 1,7 triệu đô la xây dựng tiếp xưởng 2 dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sản xuất trong năm nay và thu hút thêm 850 lao động, đồng thời nâng tổng công suất lên 5 triệu sản phẩm/năm. Còn ở Công ty TNHH Đại Thịnh, một doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước thuộc mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất với các sản phẩm như: Keo AKD, tinh bột biến tính phục vụ cho ngành giấy. Mặc dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng bình quân trong 2 năm: 2004, 2005 đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 2 tỷ đồng/năm, hiện nay đang tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập bình quân vào loại nhất nhì khu công nghiệp: 2,6 triệu đồng/người/tháng. Trong định  hướng phát triển của mình công ty  dự kiến sẽ đầu tư sản xuất thêm một vài sản phẩm hoá chất nữa mà ngành giấy đang cần và đang phải nhập khẩu. Ở Công ty TNHH Việt Vương - doanh nghiệp 100%vốn đầu tư trong nước, sản xuất kinh doanh đa ngành nghề như: Sản xuất bồn nước i nox,  ô xy kỹ thuật và các sản phẩm cơ khí chế tạo... được nhiều bạn hàng, người tiêu dùng  trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu Việt Vương thông qua các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như bồn chứa nước i nox từ 500 lít đến 30.000 lít, các sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp như ô xy kỹ thuật, mạ kẽm nhúng nóng, các sản phẩm phục vụ cho ngành điện, giao thông, bưu chính viễn thông như xà giá trụ, cột thép... Hiện tại cũng đang thu hút 200 lao động với thu nhập bình quân 900.000đồng/người/tháng, doanh số sản xuất năm 2005 đạt trên 12 tỷ đồng, năm 2006 Công ty đang phấn đấu nâng doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng. Song điều đáng nói là cả 3 doanh nghiệp kể trên mặc dù khác nhau nhưng lại có một điểm chung giống như đa số các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là đang áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, sản phẩm có đủ sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Qua đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh  của khu công nghiệp Thụy Vân  cho thấy: Năm 2005 toàn khu công nghiệp đã đạt  tổng giá trị sản xuất công nghiệp là: 726,01 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là: 397,50 tỷ đồng chiếm 54,75%. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 22,799 triệu đô la. Tổng doanh thu đạt 690,71 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách Nhà nước 24,36 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2004... Như vậy  đã và đang đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của toàn tỉnh. Cụ thể như tổng giá trị sản xuất của khu công nghiệp Thụy Vân năm 2005 đã chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, 7,3%giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá trị xuất khẩu chiếm 18,5% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tổng nộp ngân sách Nhà nước chiếm 10,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Khu công nghiệp Thụy Vân phát triển còn kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ phù trợ, sự phát triển của đô thị, tăng nhanh tốc độ đô thị hóa, đặc biệt giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Được biết hiện nay tổng số lao động làm việc tại khu công nghiệp Thụy Vân lên đến 6.000 lao động với thu nhập bình quân 790.000đồng/ người/tháng, trong đó thu nhập bình quân ở doanh nghiệp thấp nhất là 600.000đồng/ người/ tháng, thu nhập bình quân ở doanh nghiệp cao nhất là 2,6 triệu đồng/ người/ tháng. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp cho biết thì: Các doanh nghiệp đều thực hiện đúng Luật lao động, 100% doanh nghiệp sản xuất đã xây dựng nội quy lao động, thời gian làm việc, chế độ làm thêm đêm và thêm giờ đúng quy định như: Làm việc 8h/ngày, làm thêm không quá 4h/ ngày, không quá 200h/năm. Cả 32/32 doanh nghiệp đều thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, 28/32 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn cơ sở (chiếm 88%), 15/32 doanh nghiệp đã ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5/14 DN, doanh nghiệp trong nước là 10/18 DN.

Tuy nhiên thì trong quá trình thu hút đầu tư, cùng với những kết quả khả quan, khu công nghiệp Thụy Vân vẫn còn bộc lộ một số hạn chế về cả chủ quan và khách quan như: Vị trí địa lý không thuận lợi so với các tỉnh lân cận, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và còn yếu kém, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đang hết sức khó khăn do thiếu vốn, hệ thống các dịch vụ xã hội như: Ngân hàng, cấp điện, bưu chính viễn thông, y tế, khách sạn cho chuyên gia nước ngoài... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của khu CN, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Còn về phía các dự án đầu tư vào khu CN, hầu hết mới chỉ ở quy mô vừa  và nhỏ, chưa có các dự án lớn, công nghệ cao, các dự án của các doanh nghiệp Nhà nước không phát huy được hiệu quả, do đó tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thụy Vân trong GDP của tỉnh chưa cao, còn chiếm tỷ lệ ở mức độ khiêm tốn. Để giải quyết vấn đề này và tạo sức hút cho khu công nghiệp Thụy Vân trong giai đoạn 2005-2010 ông Phạm Hồng Hải - Phó trưởng Ban quản lý các khu CN cho biết: Tỉnh và Ban quản lý các khu CN sẽ tiếp tục vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước trong quá trình thu hút đầu tư, đồng thời tích cực khai thác các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó sẽ ưu tiên đầu tư xây các công trình hạ tầng cấp bách như giao thông, khu nhà ở công nhân, trạm y tế, trụ sở công đoàn khu CN... Tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư xây dựng hạ  tầng kỹ thuật  khu CN Thụy Vân giai đoạn 2,3 và quy hoạch chi tiết mở rộng giai đoạn 4 về phía Tây thành phố Việt Trì. Bên cạnh đó công tác vận động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa cũng tiếp tục được đổi mới nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết để cụ thể hoá những chiến lược phát triển này Ban quản lý các khu CN đang từng bước khắc phục những khó khăn về vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: Hệ thống đường giao thông vào khu công nghiệp, trong khu công nghiệp (đặc biệt là đoạn đường nối từ QL2 vào khu CN đang bị xuống cấp nghiêm trọng), khu nhà ở cho công nhân... Dự kiến năm 2006 khu CN Thụy Vân sẽ thu hút ít nhất từ 3 đến 5 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 20 triệu đô la. Có thể thấy việc tạo  môi trường đầu tư thuận lợi và quản lý tốt các doanh nghiệp trong khu CN  chính là bí quyết tạo sức hút từ  khu công nghiệp Thụy Vân.

(Theo báo Phú Thọ )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container