Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu hút đầu tư ở Đồng Nai : “Nút thắt” khó gỡ

Nhiều KCN đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng số nhà đầu tư tìm đến và “cư ngụ” vẫn còn đếm trên đầu ngón tay (Trong ảnh: Hệ thống đường giao thông tại KCN Suối Tre).

Hiện nay, các KCN vẫn là trung tâm thu hút đầu tư của Đồng Nai nhưng với nhiều đổi thay về cơ chế chính sách theo hướng cắt giảm những ưu đãi đối với các KCN, khu chế xuất, lại thêm nhiều “nút thắt” lâu năm chưa được tháo gỡ nên hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cũng như việc thu hút đầu tư vào các KCN đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Với khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn diện tích 497 ha được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 5 vừa qua, đến nay tỉnh Đồng Nai đã có tổng cộng 30/34 KCN theo quy hoạch được phê duyệt với tổng diện tích trên 9.500 ha.

Dòng đầu tư mới yếu ớt

Tính đến nay các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã đầu tư 78,7 triệu USD và trên 3.800 tỷ đồng đề đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Các KCN đã lấp đầy 61,6% diện tích đất để cho thuê.

6 tháng đầu năm, các KCN trên địa bàn thu hút thêm 30 dự án đầu tư với tổng vốn gần 500 triệu USD. Lũy kế đến nay các KCN của tỉnh Đồng Nai đã thu hút 1.107 dự án đầu tư, trong đó có 821 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 12,3 tỷ USD và 295 dự án trong nước với số vốn đăng ký 28.800 tỷ đồng. Hiện có 35 dự án đang triển khai với số vốn 279 triệu USD nhưng có tới 147 dự án ngừng hoạt động với tổng vốn đăng ký 147 triệu USD.

Theo ông Võ Thanh Lập – Trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai: có tới 90% trong tổng số gần 500 triệu vốn đầu tư từ đầu năm đến nay là do các DN mở rộng quy mô đầu tư. Điều này cho thấy phục hồi kinh tế thế giới đã giúp những DN hiện hữu có điều kiện mở rộng sản xuất chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên dòng đầu tư mới hiện còn yếu ớt. Trong 18 dự án FDI đầu tư mới vào Đồng Nai nửa đầu năm nay, hầu hết là những dự án nhỏ, quy mô vốn dưới 2 triệu USD và không có dự án nào thuộc ngành nghề kỹ thuật cao.

KCN miền núi vất vả

Bên cạnh những KCN nhanh chóng lấp đầy diện tích đất cho thuê như Biên Hoà 2, Amata, Loteco, Tam Phước... 3 KCN miền núi là Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc hiện gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Riêng KCN Tân Phú diện tích 50 ha đã hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đưa vào sử dụng từ cuối năm 2007 nhưng đến nay chưa thu hút được dự án nào. Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hồng Minh giải thích: “Do đường từ TP HCM lên Tân Phú quá xa, trong khi đó tuyến  QL 20 lại hư rất nhiều khiến việc đi lại vận chuyển hàng hóa mất nhiều thời gian. Hơn nữa qua địa bàn Định Quán -Tân Phú có trạm thu phí, Container qua lại mất khoảng 300.000 đồng/ chuyến. Chí phí như thế quá cao. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư đến tham quan KCN Tân Phú nhưng  “một đi không trở lại”. 

Cách KCN Tân Phú 25 km, KCN Định Quán giai đoạn 1 có diện tích 54 ha đã có 14 nhà đầu tư đăng ký thuê đất với diện tích trên 21 ha chiếm gần 50% diện tích đất dành cho thuê. Tuy nhiên, đến nay mới có 6 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Tương tự, KCN Xuân Lộc (diện tích 104 ha), qua 3 năm triển khai dự án, cuối năm 2008 phần lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đã được đầu tư hoàn chỉnh, nhưng KCN này mới thu hút 3 DN thuê đất với diện tích 30,8 ha, chiếm 47% diện tích cho thuê. Chủ đầu tư phấn đấu lấp đầy diện tích cho thuê trong 2 năm 2009 và năm 2010. Thế nhưng trên thực tế gần 2 năm qua KCN này hầu như không thu hút thêm được dự án đầu tư nào...

Ngoài vị trí địa lý xa xôi, hệ thống giao thông bên ngoài hàng rào các KCN kém phát triển, lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật khó tuyển dụng. vì vậy các KCN miền núi chưa thực sự có sức thu hút đối với các nhà đầu tư. Năm 2008 với nghị định 29 của Chính Phủ, những chính sách ưu đãi cho các KCN miền núi cũng bị xoá bỏ, vì vậy việc kêu gọi đầu tư lấp đầy các KCN càng thêm khó khăn.

Còn nhiều thách thức

Đối với các KCN còn đang trong quá trình triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như Ông Kèo, Giang Điền, Lộc An – Bình Sơn...“nút thắt” về khâu đền bù giải tỏa lâu nay chưa được tháo gỡ, nay tình hình càng thêm khó khi nhà nước quy định mức hỗ trợ bồi thường tái định cư cho nông dân mất đất sản xuất nông nghiệp gấp 1,5 đến 5 lần giá đền bù.

Liên quan đến việc quản lý ô nhiễm môi trường, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh đến nay đã có 21 KCN hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng tại các KCN miền núi, nhà máy nước thải xây dựng xong nhưng không hoạt động được vì không có nước thải, hoặc nước thải quá ít không đủ để vận hành.

Cũng liên quan đến lĩnh vực môi trường, hiện nay khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các KCN trên địa bàn khoảng 390.000 tấn/năm, trong đó có trên 101.700 tấn rác thải nguy hại (khoảng 279 tấn/ngày). Nhằm tăng cường quản lý chất thải phát tán ra môi trường, ngày 11/3/2010 UBND tỉnh ban hành chỉ thị 04 giao trách nhiệm thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh trong KCN cho các cty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện chủ trương trên đây còn nhiều khó khăn, lúng túng do một số KCN thiếu quỹ đất để xây dựng điểm trung chuyển chất thải rắn. Mặt khác, việc hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, trong đó có chất thải độc hại tại DN cũng không dễ dàng bởi hầu hết các DN đã có “mối mang” làm ăn trước.

(Theo Minh Thanh // Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container