![]() |
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến đi vào vận hành năm 2020 là một trong số 8 nhà máy điện hạt nhân mà Chính phủ định hiướng xây dựng đến năm 2030. Ảnh mô hình. |
Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt với tổng công suất dự kiến từ 15.000 MW đến 16.000MW.
Quyết định số 906 mà Chính phủ mới công bố cho biết, quy hoạch định hướng điện hạt nhân được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ nay đến năm 2015 hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để đáp ứng yêu cầu khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2009, dự án nhà máy điện hạt nhân thứ nhất (còn gọi là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) đặt tại xã Phước Dinh, Ninh Thuận sẽ khởi công năm 2014 . Giai đoạn 2 của quy hoạch là hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại tổ máy thứ nhất (năm 2020), tổ máy thứ hai vận hành năm 2021. Đồng thời, Chính phủ chuẩn bị điều kiện khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận), công suất tương đương nhà máy điện Ninh Thuận 1 và chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Giai đoạn 3 (đến năm 2030) là triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khác, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước. Đây cũng là giai đoạn mà mục tiêu của Việt Nam là làm chủ công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với các đối tác nước ngoài. Các ngành công nghiệp trong nước tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị hợp đồng chiếm từ 30 - 40% tổng giá trị xây lắp công trình. Cũng theo lộ trình của quy hoạch, đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW, sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030. Con số này chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện. Để đáp ứng chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân, định hướng quy hoạch 8 địa điểm xây dựng điện hạt nhân được lập ra tại 5 tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 đến 6 tổ máy.Tới năm 2030, điện hạt nhân trở thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của Việt Nam.
Theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), việc phê duyệt quy hoạch định hướng là một bước chuẩn bị dài hạn của Chính phủ nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong thời điểm hiện nay và tương lai, nhu cầu sử dụng điện và khả năng đáp ứng của các nguồn điện mới vẫn còn chênh lệch rất xa.
Hơn nữa, điện hạt nhân dù suất đầu tư đắt nhưng có thể cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các loại nhà máy điện khác mà nguyên liệu đầu vào là nhập khẩu. Vẫn theo ông Hường, việc lập các địa điểm dự kiến nằm trong quy hoạch nêu trên đã được khảo sát từ nhiều năm nay. Đây là các địa điểm có địa hình thuận lợi, diện tích đủ để xây dựng nhà máy với các tổ máy công suất mỗi tổ từ 1.000 MW trở lên. Những nơi này cũng có điều kiện địa chất công trình tốt, nằm trong vùng có cường độ động đất không lớn, đảm bảo an toàn nhà máy, chi phí xây dựng thấp. Các địa điểm đó lại nằm sát biển, thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống cấp nước làm mát và vận chuyển vật tư, thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công xây dựng nhà máy. Ngoài ra, các địa điểm được chọn nằm trong vùng có mật độ dân cư thấp, ít ảnh hưởng đến đất canh tác và công trình công cộng cũng như các quy hoạch khác.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com