Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Cao Phát (huyện Châu Đức). |
Tuy không phải là vùng “thủ phủ” của cây điều, nhưng nhiều năm qua, cùng với cây cao su, hồ tiêu, điều là một trong 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Theo báo cáo của Sở Công thương, năm 2009, toàn tỉnh xuất khẩu được 6.220 tấn hạt điều, kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu hạt điều chiếm 38,6% tổng sản lượng nông sản xuất khẩu; kim ngạch bằng 39,7% tổng kim ngạch của 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh (sau mủ cao su). Mặc dù chiếm vị thế quan trọng về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu, nhưng hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu hạt điều đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Toàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến hạt điều với công suất khoảng 24.000 tấn/năm và 13 cơ sở chế biến nhỏ lẻ công suất dưới 200 tấn/năm. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay các doanh nghiệp cơ sở chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất, do sản lượng hạt điều không đáp ứng được khả năng chế biến của các doanh nghiệp, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ các địa phương khác, hoặc từ nước ngoài. Tình trạng “ tranh mua” nguyên liệu luôn diễn ra giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều cho biết, do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên giá đầu vào tăng hàng năm. Riêng năm nay, giá hạt điều khô nhập kho tăng từ 1.100 USD/tấn - 1.150 USD/tấn, cao hơn khoảng 40% so với năm 2009, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ. Ông Lê Văn Cơ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp BR-VT - một trong những doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu, cho biết, vụ điều năm nay giá hạt điều tươi là 16.900 đồng/kg, hạt điều khô 20.000 đồng/kg, cao hơn từ 6.000-7.000 đồng/kg so với năm 2009. Nguyên nhân giá tăng là do diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa trái mùa và nắng nóng gay gắt làm điều mất mùa. Thời tiết còn làm cho chất lượng hạt điều không bảo đảm tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp chế biến điều thường mạnh ai nấy làm, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, vì vậy nhiều doanh nghiệp chế biến điều đứng bên bờ vực phá sản do giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao.
Thiếu nguyên liệu là một khó khăn lớn nhất của ngành điều. Trong ảnh: Phơi điều sau thu hoạch. |
Bên cạnh tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất, ngành điều Việt Nam cũng đang trong tình trạng thiếu lao động. Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu lao động là do thu nhập của người lao động thấp, nhiều công nhân đã bỏ sang các ngành khác có thu nhập khá hơn. Ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát cho biết thêm: “Phần lớn lao động trong ngành điều là lao động phổ thông, chưa có tay nghề. Vì thế, công ty vừa phải tự đào tạo tay nghề vừa tìm cách tăng doanh thu cho công ty để qua đó công nhân có thu nhập ổn định, có như vậy mới giữ chân được công nhân”.
HƯỚNG TỚI NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG
Vụ điều năm nay, toàn tỉnh có khoảng 13.000ha điều đang cho thu hoạch, giảm 400ha so với năm 2009; sản lượng ước đạt hơn 11.000 tấn, giảm hơn 40% so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Tân Lâm) cho biết, sản lượng điều của gia đình ông năm nay giảm khoảng 60% so với mọi năm. Nguyên nhân do mỗi đợt điều bung bông đều gặp phải mưa trái vụ. Đợt trổ bông đầu tiên (trước tết Canh Dần) gặp mưa thất thường làm hoa không đậu trái. Tại các huyện Long Điền, Châu Đức, Tân Thành… người trồng điều cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết, ngành nông nghiệp cho rằng, hiện nay bà con nông dân sử dụng 60% giống điều thực sinh, năng suất thấp, chất lượng không cao. Trong khi đó, một số loại nông sản như: cao su, ca cao đang được giá nên một số vườn điều kém chất lượng được nông dân chuyển sang trồng các loại cây này.
Trước thực trạng đó, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là không mở rộng thêm công suất hay đầu tư thêm nhà máy chế biến hạt điều mới; giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ bằng cách thành lập các công ty, tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, trình độ công nghệ cao, tập trung đầu tư vùng nguyên liệu, tìm giống mới tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tăng giá trị doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu và đưa thiết bị cơ khí tự động, hiện đại phục vụ cho công nghiệp chế biến nhân điều và các sản phẩm sau nhân điều, phù hợp với yêu cầu của thị trường; Tiếp thu đầu tư nghiên cứu giống điều cao sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng, liên kết dọc giữa doanh nghiệp chế biến và người sản xuất, mục tiêu là tăng trưởng về năng suất và chất lượng sản phẩm; quy hoạch lại vùng nguyên liệu điều trên cơ sở cân đối giữa năng lực sản xuất, chế biến và định hướng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.
(Theo Thanh Nga // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com