Có một nghịch lý, trong khi những ngành khác luôn phải lo toan đầu ra sản phẩm, thì ngành điều không chỉ mua hết mà còn nhập khẩu thêm nguyên liệu để chế biến, nhưng diện tích điều mỗi năm đều giảm mạnh.
2.000 tỷ đồng cho sàn giao dịch điều VN Sáng 20-3, sàn giao dịch điều đã được khai trương do Công ty CP Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom - STE) triển khai giao dịch thử nghiệm, tạo tiền đề cho sự ra đời Sàn giao dịch Điều đầu tiên của Việt Nam vào tháng 7-2010. Mục tiêu là kết nối giữa người mua và người bán thông qua hệ thống giao dịch điện tử, chuyên nghiệp và bảo mật. Sản phẩm chủ yếu trước mắt là điều nhân (đã qua chế biến). Sacom - STE cung cấp giải pháp trọn gói cho DN giao dịch mua - bán, hỗ trợ vốn kinh doanh, phương thức thanh toán và hệ thống kho bãi trải dài toàn quốc. Người tham gia sẽ có khả năng mở rộng và tìm kiếm lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư trên sàn. Theo ban tổ chức lễ hội, Sacom - STE dành 2.000 tỷ đồng cho việc giao dịch này. |
Nếu như năm 2006 có diện tích điều cao nhất với 444.200ha thì nay chỉ còn 393.000ha, riêng năm 2009 giảm trên gần 51.000ha. Dự báo, diện tích điều sẽ giảm xuống còn 350.000ha trong thời gian tới. Ngay cả năng suất bình quân, dù có lúc trên 1 tấn/ha (gấp đôi bình quân thế giới), nhưng hiện nay giảm xuống còn 0,86 tấn/ha.
Diện tích điều bị canh tranh gay gắt bởi cây sắn (khoai mì), đặc biệt là cây cao su do thu nhập từ cây điều quá thấp so với các loại cây công nghiệp trên. Ngoài ra, tỷ lệ xuất khẩu điều nhân còn quá cao, lên đến 95%, tiêu thụ nội địa quá ít. Điều này dễ bị động khi giá cả và mức cầu thị trường thế giới giảm xuống làm ảnh hưởng tức khắc giá cả xuất khẩu, tác động tiêu cực đến bà con nông dân.
Nhiều ý kiến cho rằng phải thâm canh cây điều thay vì phó mặc cho nước trời như bấy lâu nay, cung cấp giống mới, trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều… nhằm tăng thu nhập cho người trồng điều.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Bùi Văn Thạch, để người dân yên tâm trồng điều, nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ riêng cho người trồng điều như hỗ trợ lãi suất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, điện… Nhưng điều quan trọng là phải cơ cấu lại ngành hàng theo hướng hiệu quả, phân chia lại lợi nhuận trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hạt điều.
Một chuyên gia nước ngoài, sau nhiều năm khảo sát về chuỗi giá trị tại Việt Nam đã nhận định, “chiếc bánh” lợi nhuận ngành hàng nông sản hiện nay chưa được chia đều giữa các bên. Bà con nông dân hưởng quá ít, 2/3 thuộc về các khâu trung gian và nhà chế biến. Vì vậy, đối với cây điều, không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, trong đó, quyền lợi và thu nhập của người trồng điều phải được đặt lên hàng đầu
(Theo CÔNG PHIÊN // SGGP Online)