Giá nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, điều, cao su, tiêu trên thị trường thế giới trong những tháng đầu năm tăng khá cao nên các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng tăng mạnh giao dịch. Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm lên đến 3,6 tỉ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, nhiều loại nông sản được mùa, trúng giá. Trong ảnh: Thu hoạch cà phê ở Lâm Đồng
Trong đó, mặt hàng cao su xuất khẩu được 106.000 tấn, trị giá 467 triệu USD (tăng 38% về lượng và tăng 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái). Mặt hàng cà phê cũng đã xuất được 225.000 tấn, đạt 438 triệu USD (tăng 40,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước)…
Do giá xuất khẩu tăng cao nên giá thu mua nông sản trong nước cũng tăng mạnh. Giá cà phê nguyên liệu trong nước hiện đang ở mức 49.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Mặt hàng tiêu dù đang vào mùa thu hoạch giá cũng nhảy lên 90.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá điều thô năm ngoái chỉ hơn 20.000 đồng/kg, năm nay đã tăng lên 35.000 đồng/kg do giá xuất khẩu tăng từ 4.500 USD- 5.500 USD/tấn lên 7.000 USD - 8.000 USD/tấn…
Theo báo cáo từ Hiệp hội Điều Việt Nam, sản lượng điều trong nước năm nay không tăng như dự báo, chỉ khoảng 300.000 tấn, trong khi công suất sản xuất của các nhà máy cao hơn gấp đôi. Do đó, các DN chế biến điều xuất khẩu không chỉ nỗ lực thu mua trong nước mà còn phải nhập nguyên liệu thô để chế biến hàng xuất khẩu...
Các DN chế biến nông sản xuất khẩu đều cho biết họ đang rất cần vốn để thu mua nguyên liệu, nếu chậm trễ DN nước ngoài sẽ mua hết. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, do giá cả nông sản thế giới tăng cao nên các DN nước ngoài tranh mua nguồn nguyên liệu trong nước rất mạnh, tổ chức cả người thu gom tận các hộ nông dân.
Ông Đỗ Hà Nam, Công ty XNK Intimex Chi nhánh TPHCM, cho hay không riêng gì cà phê bị DN nước ngoài “lấn sân” trong thu mua mà các mặt hàng nông sản khác cũng gặp tình trạng tương tự. Trong cuộc “đua” này, DN nước ngoài ngày càng chiếm ưu thế vì có vốn lớn, khác với DN trong nước phần lớn hoạt động nhờ vào vốn vay ngân hàng.
Theo tính toán của Hiệp hội Điều Việt Nam, mùa vụ điều năm nay, với sản lượng 300.000 tấn, các DN chế biến trong nước cần hỗ trợ từ 9.000 tỉ- 10.000 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu trong dân và khoảng 12.000 tỉ đồng để nhập khẩu 450.000 tấn điều thô phục vụ chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho rằng giá cả nguyên liệu tăng cao dù rất có lợi cho người trồng điều nhưng đang gây áp lực rất lớn về vốn thu mua của các DN. “Trước đây có 100 tỉ đồng, DN mua được 5.000 tấn thì năm nay cũng số tiền đó, DN chỉ mua được 3.000 tấn”- ông nói.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết thông thường hằng năm, hạn mức cho vay của các NH dành cho DN chỉ đáp ứng tương đương mức năm trước đó. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn năm nay của nhiều DN xuất khẩu nông sản tăng gấp 2, 3 lần do giá nguyên liệu tăng mạnh. Nếu các NH cho vay như năm ngoái thì DN không biết sẽ xoay xở như thế nào.