Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu hạt tiêu: “Người khổng lồ chậm tỉnh giấc”

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, trong những thành tựu to lớn trong việc thực hiện đường lối hướng mạnh về xuất khẩu để phát triển nền kinh tế trong 25 năm vừa qua, xuất khẩu nông sản chính là thành tựu nổi bật nhất. Trong đó, ngoài gạo và điều, chính hạt tiêu là mặt hàng xuất khẩu rất sớm mang lại “tấm huy chương vàng” đầu tiên trong việc chinh phục thị trường thế giới.

Trước hết, ít ai biết thứ “gia vị vua” này được trồng ở nước ta từ bao giờ, nhưng số liệu thống kê của thế giới cho thấy, diện tích trồng tiêu ở Việt Nam cách đây nửa thế kỷ chỉ là 300 héc ta và 20 năm sau cũng chỉ 426 héc ta, cho nên tỷ trọng trong tổng diện tích hồ tiêu toàn cầu vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ” ở mức 0,2%.

Tuy nhiên, bước tăng đột biến về tỷ trọng đã xảy ra năm 1981 khi diện tích đạt 900 héc ta và tỷ trọng này đạt 0,4%, còn ở thời điểm “trước đổi mới” là 2.176 héc ta và 1%. Vào năm này, lần đầu tiên có 100 tấn hồ tiêu “made in Vietnam” được đem ra “trình làng” hồ tiêu quốc tế.

Tiếp theo, bước tăng đột biến thứ hai đã xảy ra đúng vào thời điểm công cuộc đổi mới được phát động năm 1985, khi diện tích đã tăng vọt lên 3.900 héc ta, nên tỷ trọng trong tổng diện tích hồ tiêu toàn cầu tăng vọt lên 1,5%.

Trong năm này, khối lượng xuất khẩu tăng vọt lên 1.300 tấn, tỷ trọng tăng nhảy vọt lên 0,9% và bước tăng đại nhảy vọt ngay trong năm tiếp theo chính là 3.133 tấn và tỷ trọng 1,8%.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong những năm dài chiến tranh và bao cấp, cây hồ tiêu của nước ta vẫn chỉ sống lay lắt. Thế nhưng, trong những năm khó khăn chồng chất khó khăn của “đêm trước đổi mới”, chúng ta mới chợt nhận ra thiên nhiên đã rất ưu ái ban tặng cho chúng ta những tiềm năng to lớn để phát triển vượt bậc loại “gia vị vua” này.

Bởi lẽ, trên thế giới cũng chỉ có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trồng được hồ tiêu, nhưng số quốc gia và vùng lãnh thổ có 1.000 héc ta trở lên chỉ là 22, còn nếu tính từ 10.000 héc ta trở lên thì con số này “co lại” chỉ còn 7. Trong đó, với 197.300 héc ta, “người khổng lồ” Ấn Độ chiếm 39% và Indonesia về nhì với 117.500 héc ta và 23,2%, còn chúng ta đứng thứ ba với 50.000 héc ta và 9,2% (năm 2008).

Thực tế đó có nghĩa là, thứ cây “gia vị vua” này vừa kén khí hậu, vừa kén thổ nhưỡng, cho nên được trồng rất tập trung ở một số “đếm trên đầu ngón tay” trong tổng số gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới. Trong số đó, chỉ ba quốc gia dẫn đầu nói trên đã chiếm 72,1%, còn nếu tính năm quốc gia dẫn đầu (thêm Sri Lanca và Brazil) thì tỷ trọng này lên tới 84,7%.

Hơn thế, điều đặc biệt chính là ở chỗ, với lợi thế “trời cho” về khí hậu, thổ nhưỡng và có thể là cả về giống và kỹ thuật canh tác, lợi thế đặc biệt của Việt Nam chính là năng suất cao ngất ngưởng so với thế giới. Đó là, với 1.966 ki lô gam/héc ta, năng suất hồ tiêu của Việt Nam cao gấp gần 2,4 lần so với năng suất bình quân của thế giới. Trong khi đó, năng suất của Indonesia trong gần một thập kỷ gần đây liên tục giảm, chỉ còn bằng 82,7%. Thậm chí năng suất của Ấn Độ vốn đã quá thấp lại liên tục trồi sụt thất thường, cho nên chỉ dao động trong khoảng 29-49% so với năng suất bình quân của thế giới.

Chính vì sự “cộng hưởng” của hai yếu tố diện tích tăng phi mã và năng suất cao như vậy, từ chỗ chỉ chiếm 0,9% tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 1986, năm 1997 Việt Nam đã vượt qua Brazil để giành vị trí cường quốc sản xuất hồ tiêu lớn thứ ba thế giới. Còn năm 2002 Việt Nam vượt qua “người khổng lồ” Ấn Độ để giành vị trí thứ hai và năm 2007 thì vượt qua Indonesia để giành “ngôi hậu” trong “làng” sản xuất hồ tiêu thế giới. Với quy mô đất đai và tiềm lực đất nông nghiệp rất hạn chế của nước ta, đây có lẽ là loại cây trồng duy nhất mà chúng ta đạt tới “tột đỉnh vinh quang” như vậy.

Cho dù vậy, với đặc thù quy mô dân số quá khiêm tốn so với các cường quốc sản xuất hồ tiêu thế giới nói trên, những bước tiến mà Việt Nam đạt được trong xuất khẩu hạt tiêu còn ngoạn mục hơn rất nhiều.

Đó là, vào thời điểm năm 2000, cho dù vẫn bị “lái buôn trung gian” Singapore khuynh đảo thị trường này, nhưng với 36.400 tấn, Việt Nam cũng đã vươn lên vị trí thứ ba trong “làng xuất khẩu hồ tiêu thế giới” (sau Singapore với trên 50.000 tấn và Indonesia với 47.500 tấn). Thế nhưng ngay trong năm 2001, chỉ với một bước tăng đại nhảy vọt lên 57.000 tấn, Việt Nam đã loại bỏ cả hai để giành “ngôi hậu”. Và với nhịp độ tăng phi mã 15,6%/năm từ đó đến nay, sẽ hoàn toàn không ngoa khi nói rằng, Việt Nam không hề có đối thủ trong “làng xuất khẩu hồ tiêu” thế giới, bởi tỷ trọng thị phần dao động trên dưới 30%, ngang ngửa với cả hai quốc gia đứng liền sau cộng lại.

Thế nhưng, xét về giá, cũng hoàn toàn không ngoa khi nói rằng, Việt Nam đã xuất khẩu hạt tiêu với giá quá “bèo” trong hầu như suốt ba thập kỷ qua. Bởi lẽ, như các số liệu thống kê của thế giới cho thấy, chỉ trừ các năm 2007, 2008 và 2000, còn giá xuất khẩu trong các năm còn lại đều dao động xung quanh ngưỡng 80% giá thế giới, thậm chí liên tục trong bốn năm 1993-1996 “bèo” ở mức một nửa, thậm chí chưa bằng một nửa giá thế giới.

Bằng ngôn ngữ hình tượng, tất cả những điều nói trên cho phép khẳng định rằng, tận dụng triệt để những ưu thế của mình, Việt Nam đã trở thành “người khổng lồ” cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu hạt tiêu từ lâu. Và với tỷ trọng áp đảo như vậy, hoàn toàn có thể chi phối giá cả thế giới, nhưng “người khổng lồ” đó lại quá chậm “tỉnh giấc” trên phương diện mấu chốt này. Do vậy, phải chăng là với hai bước tiến đặc biệt quan trọng gần đây, đã có thể hy vọng “kỷ nguyên giá bèo” của hạt tiêu Việt Nam sẽ kết thúc?

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container