Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu mua nông sản: Doanh nghiệp nội lép vế

Theo lộ trình cam kết WTO, bắt đầu từ năm 2011, Việt Nam phải mở cửa cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia vào mạng lưới thu mua một số nông sản chủ lực trong nước. Gần 3 tháng trôi qua, rất nhiều DN Việt đang “đứng ngồi không yên” khi phải vất vả cạnh tranh với các đối thủ nặng ký đến từ nước ngoài.

Thua thiệt đủ đường

Hiện cà phê đang vào mùa vụ thu mua, người dân đang “vui như Tết” vì giá bán cao. Đánh giá của ngành chức năng, giá cà phê Việt Nam đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 15 năm qua, vượt qua mức giá kỷ lục năm 1994. Tuy nhiên, do phải cạnh tranh với các đối thủ kinh doanh có vốn nước ngoài nên DN trong nước chỉ thu mua được khoảng 30 - 35% kế hoạch của niên vụ. “Rất nhiều DN ngoại đã xây dựng mạng lưới thu mua nông sản trực tiếp tới từng hộ nông dân. Tính đến nay, dù chỉ mới bắt tay thu mua cà phê hơn 2 tháng, nhưng khối lượng thu mua của họ đạt hơn 60% lượng cà phê trong nước”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam (Vicofa) cho hay.

Khảo sát của Vicofa, hiện có khoảng hơn 10 DN “ngoại” đang lập các đại lý thu mua trực tiếp của nông dân ở những huyện trọng điểm cà phê như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… Theo ông Tự, không còn mua thông qua những DN trong nước để chế biến hay xuất khẩu, ngay khi thời điểm cam kết WTO có hiệu lực, các DN nước ngoài đã nhanh chóng triển khai mạng lưới trực tiếp thu mua cà phê.

Tương tự mặt hàng cà phê, hơn 260 DN “nội” kinh doanh xuất khẩu gạo cũng đang đối đầu cuộc cạnh tranh quyết liệt về thu mua nguyên liệu. Dù có nhiều kinh nghiệm trong thu mua hoặc kho bãi, nhưng xét về tiềm năng vốn hoặc kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường, DN “nội” còn thua xa DN “ngoại”. “Khi tỷ giá USD/VND vừa nâng thêm 9,3% và đặc biệt được vay lãi suất thấp (chỉ khoảng 5%/năm) nên DN “ngoại” rất có lợi thế. Trong khi đó, DN “nội” không chỉ hạn chế về nguồn vốn mà còn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất gấp 3 - 5 lần, từ 15 -18%/năm”, ông Hồ Anh Tuấn, GĐ chi nhánh Ngân hàng TMCP Á Châu khu vực Thảo Điền nói.

Cần nỗ lực từ nhiều phía


Theo Thông tư của Bộ Công Thương, DN “ngoại” đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng hóa. Việc các DN nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua là việc làm trái với quy định của Nhà nước, cố tình lấn sân. Thông tin từ Vicofa, đơn vị này vừa có văn bản gửi các sở, ngành, tỉnh trồng cà phê về việc xem xét, xử lý những DN nước ngoài đang ráo riết tổ chức mạng lưới thu mua cà phê trái với quy định. “Chúng ta chỉ khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư sâu vào việc chế biến, kỹ thuật phát triển cà phê sạch theo quy định GAP… Theo quy định về lộ trình thực thi cam kết WTO thì quyền xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa trong nước”, ông Tự khẳng định.

Theo ông Tuấn, do DN “nội” thường mắc bệnh “kinh niên” là thiếu vốn, muốn có vốn phải vay mà muốn vay thì phải ký hợp đồng xuất khẩu trong khi trong kho của mình không có nguyên liệu. Vì thế, các DN Việt Nam phải được vay đủ vốn lưu động và có thể chủ động điều tiết lượng hàng bán ra. Có thể xem xét việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các DN vay vốn, chọn lọc các đơn vị có uy tín và có sự giám sát của ngành chức năng trong việc cho vay. Ngoài ra, cần có vai trò điều tiết của Chính phủ để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và công bằng, tránh được tình trạng để một số DN “ngoại” từng bước thao túng toàn bộ thị trường gây bất lợi cho người nông dân, thiệt thòi cho DN trong nước.

“Trước khi có các giải pháp tháo gỡ hay hỗ trợ từ Nhà nước, các DN phải có ý thức tự mình cứu mình, nhanh chóng thay đổi từ công nghệ, kho tàng, máy móc thiết bị, chuỗi giá trị với người sản xuất, thương lái… Với vai trò cầu nối, chúng tôi đang cố gắng làm sao tăng hiệu quả cho nhà nông nhưng cũng không gây bất lợi trong kinh doanh cho DN trong nước”, ông Tự nói thêm.

(Báo Tin tức)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container