Trong khi diện tích trồng cây ăn quả trên cả nước đang bị thu hẹp, người nông dân bị “o ép” đầu ra do thương lái ép giá thì hệ thống hạ tầng cơ sở chế biến cũng đang rơi vào tình trạng mất cân đối không đảm bảo về an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Những bất cập trên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với sự tham gia của 4 nhà trong hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng trái cây bền vững cho tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Mất lợi thế do bỏ hổng chuỗi chế biến - tiêu thụ
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô công nghiệp, với tổng công suất 313.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có khoảng gần 130 cơ sở chế biến tư nhân và hàng chục ngàn cơ sở chế biến tự phát nằm rải rác tại các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, nhìn chung, công tác bảo quản rau quả tại các nơi vẫn chủ yếu được thực hiện bằng các biện pháp thủ công. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói bao bì, bảo quản không đúng cách làm cho tỉ lệ hư hỏng của trái cây lên đến 25 – 30%. Việc xử lý, bảo quản sau thu hoạch với qui trình, công nghệ bảo quản còn lạc hậu, chi phí cao nên số lượng sản phẩm được bảo quản rất ít, chất lượng bảo quản không cao, thời gian bảo quản ngắn nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Ông Đới Xuân Quảng, Cục Chế biến thương mại - nông lâm thủy sản và nghề nuôi cho biết thêm, do đặc điểm sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn, hình dáng kích thước từng loại rau quả không đồng đều; các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật cho chế biến công nghiệp không đảm bảo nên Việt Nam luôn rơi vào nghịch lý: sản lượng và chủng loại trái cây phong phú nhưng tỷ lệ rau quả qua chế biến thấp, tổn thất sau thu hoạch còn rất cao; các yêu cầu về VSATTP chưa đảm bảo, luôn tiềm ẩn mối nguy mất an toàn. Do những bất cập nêu trên mà tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam hiện chỉ dựa chủ yếu vào một số loại đã ký kết được với các thị trường truyền thống, còn lại phải dựa vào nhập khẩu để cân đối nhu cầu thị trường nội địa.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làm vườn Việt Nam cho biết, do thực tế sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu cơ sở chế biến và đặc biệt do hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp chưa gắn kết khiến chất lượng trái cây Việt Nam còn chưa cao và không an toàn. Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có tới gần 41% người bị ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên từ các mặt hàng rau quả.
Hợp tác 4 nhà - giải pháp phát triển bền vững trái cây Việt Nam
Ông Phạm Văn Dư, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) kiến nghị, để cải thiện chuỗi chế biến – tiêu thụ, từ nay tới năm 2020 Nhà nước và Nhà doanh nghiệp cần tập trung rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành chế biến; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả. Song song đó cần hiện đại hóa công nghệ bảo quản, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm quả xuất khẩu theo kịp với thế giới.
Tiến sĩ Michael Lay Yee, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế New Zealand góp ý, để phát triển bền vững ngành trồng cây ăn quả thì chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là các Nhà khoa học, các viện nghiên cứu cần hướng dẫn người nông dân hạn chế các tác động về hóa chất và các chất độc hại khác ngay từ khâu sản xuất, thay vào đó là các biện pháp kiểm soát sinh học, tự nhiên và khoa học kỹ thuật để ngăn chặn các tổn hại không mong muốn do dịch bệnh, sâu hại và đồng thời đảm bảo chất lượng thành phẩm xuất khẩu trước sự kiểm duyệt ngày càng gay gắt của một số thị trường khó tính (về dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản...).
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) khẳng định, liên kết 4 nhà trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp tạo ra khả năng phát triển bền vững chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, đổi mới từ cơ chế chính sách (Nhà nước), kỹ thuật, công nghệ (Nhà khoa học), chế biến, phân phối (Doanh nghiệp) sẽ là tiền đề quan trọng để tháo gỡ đầu ra cho người nông dân yên tâm sản xuất.
Bà Atsuko Toda, Đại diện Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (IFAD) cho biết, muốn tăng tính cạnh tranh thì Nhà nước cần có chính sách vĩ mô phù hợp, đầu tư về khoa học, kỹ thuật sản xuất, xây dựng hệ thống chế biến, phân phối phù hợp để tạo các kênh phân phối đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, hiện sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế, do đó IFAD khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia vào thị trường với tư cách là nhà thu mua, đầu tư cơ sở chế biến hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng sức cạnh tranh các mặt hàng nông nghiệp trên thị trường, đồng thời đảm bảo chất lượng các mặt hàng xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhất.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com