Do hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân ở nhiều tỉnh bỏ cây điều, trồng cà phê, tiêu, cao su... Ảnh: T.L |
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2009 ngành điều nhập khẩu gần 250.000 tấn điều thô dưới dạng tạm nhập tái xuất. Còn năm nay, số lượng điều cần phải nhập là 300.000 tấn và sẽ tăng thêm trong những năm tiếp theo vì diện tích trồng điều của Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng do người dân chặt điều để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao như tiêu, cà phê, cao su.
Diện tích đang giảm dần Theo ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, mặc dù tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước (khoảng 150.000 héc ta/450.000 héc ta của cả nước) nhưng trong vài năm qua đã liên tục giảm từ 157.000 héc ta xuống còn 150.000 héc ta, và dự báo đến năm 2015 còn khoảng 130.000 héc ta. Tại Bình Dương, dự án đầu tư cải tạo và phát triển diện tích điều trong vòng 20 năm (2000- 2020) có vốn đầu tư là 20 tỉ đồng. Tính đến năm 2007, đã có hơn 1.308 héc ta cây điều vùng phòng hộ được trồng mới và chăm sóc, đạt gần 97% mục tiêu. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây diện tích trồng điều trong dự án nói trên mất đi 145 héc ta (còn 1.163 héc ta). Lý do là người dân đã chủ động chặt cây điều để trồng cao su và những cây có giá trị kinh tế cao hơn. Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, chuyện người dân bỏ điều trồng cao su không phải là chuyện mới mẻ vì mỗi héc ta trồng điều người dân chỉ có thể thu về khoảng 12 triệu đồng/héc ta/năm; trong khi đó, nếu trồng cao su thì số tiền thu về cao gấp 5 lần. Mặc dù được tỉnh Đắk Lắk xem là cây rừng sinh thái vì điều dễ trồng, vốn đầu tư ban đầu thấp, chịu được hạn, có thể sinh trưởng nhanh trên vùng đất xấu, thời gian thu hoạch dài trên 50 năm nhưng ở tỉnh này, cây điều chỉ được người dân trồng ở những vùng đất bạc màu, đất trồng rừng là chủ yếu. Chính vì vậy, diện tích trồng điều của Đắk Lắk trong 5 năm trở lại đây chỉ xoay quanh 50.000 héc ta (chủ yếu là tại huyện Ea Súp với 17.000 héc ta) cho dù tỉnh đã có những chính sách khuyến khích tăng diện tích nhưng hiệu quả không cao. Ở Kom Tum, diện tích trồng điều chỉ trên 1.000 héc ta, tập trung tại các huyện Sa Thầy, Đắc Hà. Trong lúc đó, Đắk Nông xem cây điều là cây trồng chiếm vị thế quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích điều toàn tỉnh vẫn chưa vượt quá 2.000 héc ta. Còn ở Đồng Nai có hơn 50.000 héc ta, năng suất gần 13 tạ/héc ta, lợi nhuận ước đạt 8,5 triệu đồng/héc ta. Tuy nhiên, diện tích này khó có thể tăng lên trong thời gian tới vì diện tích bạc màu của tỉnh hiện không còn nhiều nên không thể mở rộng diện tích. Ông Đông Hải, chuyên viên nông nghiệp Văn phòng phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng diện tích trồng điều mới trong những năm qua không tăng mà còn giảm đáng kể. Theo ông, lâu nay Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk có diện tích trồng điều lớn là nhờ đã trồng cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, do giống điều kém phẩm chất, lại trồng tại những vùng đất bạc màu, không được chăm sóc tốt nên năng suất thu hoạch dưới 10 tạ/héc ta. Do đó, khó có thể khuyến khích người dân tăng diện tích trồng điều vì phải mất 4 năm điều mới cho thu hoạch. “Nếu không có hỗ trợ về tài chính thì khó có thể khuyến khích người dân trồng điều”, ông Hải cho biết. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas, cho biết Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhưng gần 1/3 sản lượng là từ nhập khẩu theo cách tạm nhập tái xuất chủ yếu từ Campuchia, các nước Tây Phi và Indonesia. Số lượng này sẽ tăng lên khi người dân cứ thờ ơ với cây điều. Hướng đầu tư về kỹ thuật Để giải quyết vấn đề sụt giảm diện tích trồng điều vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang có xu hướng diễn ra ngày càng mạnh, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu phải tăng năng suất thu hoạch trên 2 tấn/héc ta/năm để bù lại diện tích trồng điều bị giảm sút vì chuyển sang cây trồng khác. Từ tháng 6-2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước đã đưa vào hoạt động Trung tâm phát triển giống cây điều với mục đích lai tạo giống điều cao sản năng suất cao để thay thế diện tích điều kém năng suất hiện nay. Còn những tỉnh khác như Đồng Nai, Kom Tom đang tìm cách liên kết với các viện, trường đại học, trung tâm giống cây trồng để nhờ cải thiện và lai tạo giống điều cao sản năng suất cao.Hiện tại, hơn 100 doanh nghiệp chế biến điều đang lo lắng về việc tìm kiếm nguồn vốn vay khoảng 2.000 tỉ đồng để mua 300.000 tấn nguyên liệu thô. Trong khi lãi suất ngân hàng trên dưới 15% thì rất khó cho doanh nghiệp huy động vốn từ ngân hàng để mua điều thô phục vụ cho xuất khẩu.
(Theo Ngọc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com