Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu nông sản: hồi phục sau khó khăn

Xuất khẩu đồ gỗ đang hồi phục mạnh - tinkinhte.com
Xuất khẩu đồ gỗ đang hồi phục mạnh-Ảnh: Hồng Văn

Mặc dù xuất khẩu chung của cả nước giảm nhưng riêng xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản thì trong 2 tháng đầu năm nay lại tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tăng 25%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản (bao gồm nông sản, lâm sản và thủy sản) trong tháng 2 đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, đưa kim ngạch trong 2 tháng qua lên 2,82 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.

Con số tăng xuất khẩu 25% sẽ không có nhiều ý nghĩa ở những năm mà kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng. Còn nay, trước tình hình hồi phục kinh tế còn chưa ổn định, xuất khẩu cả nước trong 2 tháng qua giảm 2,2% so với cùng kỳ, xuống còn 8,7 tỉ đô la Mỹ, thì con số nói trên được chú ý.  

Xuất khẩu thủy sản dần hồi phục, nhất là thị trường xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu tốt, đã nâng đỡ giá cá tra của nông dân trong nước và giúp đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 628 triệu đô la Mỹ, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn hàng gỗ trang trí nội thất năm ngoái tụt giảm mạnh sau một thời gian tăng trưởng nóng 30 - 40% mỗi năm, thì 2 tháng qua đã hồi phục mạnh, đạt kim ngạch 617 triệu đô la Mỹ, tăng 60% so cùng kỳ. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), hiệp hội có doanh nghiệp hội viên chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, cho biết, hiện tại dù đơn giá xuất khẩu gỗ không tăng nhưng đơn hàng thì không thiếu.

“Có doanh nghiệp gỗ năm ngoái sản xuất cầm chừng, thậm chí sắp đóng cửa, cho công nhân giãn việc thì nay có đơn hàng cho công nhân làm đều đều là quá tốt”, ông Thắng nói và điều này giải thích tại sao ngành gỗ tăng trưởng mạnh trong 2 tháng qua.

Một số mặt hàng xuất khẩu như hạt tiêu, hạt điều và chè, tuy kim ngạch không lớn nhưng tác động nhiều tới đời sống nông dân trong nước, tăng trưởng từ 10 - 47% về lượng và 32 - 58,6% về giá trị so với cùng kỳ.

Đối với mặt hàng mủ cao su, hiện nay, giá cao su trồi sụt theo mức độ tác động của các sàn giao dịch cao su thế giới nhưng vẫn ở mức cao. Cá biệt trong 2 tháng qua, có thời điểm giá cao su vươn lên gần ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Có lúc, nông dân, các công ty trồng cao su bán mủ đạt 53 - 54 triệu đồng/tấn còn giá FOB xuất khẩu mủ tại cảng TPHCM vào giữa tháng 1-2010 vọt lên 2.700 đô la Mỹ/tấn, cao gần gấp đôi so với cách nay 1 năm.

Các doanh nghiệp cao su thì giải thích rằng giá dầu tăng (kéo theo giá cao su nhân tạo tăng) cùng với công nghiệp săm lốp ô tô hồi phục ở Trung Quốc là những nhân tố nâng đỡ giá cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Có lẽ điều này mà trong 2 tháng qua, xuất khẩu mủ cao su được 98.000 tấn với kim ngạch 241 triệu đô la Mỹ, tăng 28,6% về sản lượng nhưng kim ngạch lại tăng 136%.

Gạo, cà phê gặp khó  

Nông dân trồng cà phê vừa bị mất mùa lại mất giá-Ảnh: Hồng Văn.

Khó khăn nhất hiện nay là mặt hàng cà phê mà liên tục trong 2 tháng qua, Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) đã nhiều lần họp bàn để cứu vãn tình hình, áp dụng các biện pháp mạnh là mua cà phê tạm trữ hoặc khuyến cáo không ký hợp đồng giao xa, còn giới kinh doanh cà phê thì gọi là “sập” giá cà phê.

“Sập” là từ để nói về việc giá cà phê hai tháng qua trồi sụt thất thường và gần như sụt nhiều hơn trồi, cụ thể chỉ 1 tuần sau Tết Nguyên đán, mỗi tấn cà phê doanh nghiệp mất 100 đô la Mỹ do cà phê mất giá. Hiện tại giá FOB tại cảng TPHCM chỉ còn 1.170 đô la Mỹ/tấn R2, tiêu chuẩn cà phê phổ biến hiện nay.

Hai tháng qua, cà phê xuất khẩu được 280.000 tấn, đạt kim ngạch 394 triệu đô la Mỹ, giảm 3% về lượng và 11% về giá trị. Nông dân trong nước mất mùa cà phê do thời tiết mưa bão vào cuối năm ngoái đã đành, mà thu hoạch về còn mất giá, trong khi mọi năm, cứ mất mùa thì bán được giá.

Trừ lùi trong mua bán cà phê là phương thức mà nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu ký hợp đồng mua bán một khối lượng cụ thể nhưng không chốt giá, chờ tới thời điểm giao hàng mới dùng giá giao dịch tại thị trường London trừ một mức nào đó thành giá thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại trừ lùi là 70 đô la Mỹ/tấn nhưng có khi lên 200-300 đô la Mỹ/tấn.

Gần như 95% các hợp đồng xuất khẩu cà phê hiện nay đều mua bán theo phương thức trừ lùi, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp. 

Hiện tại, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, các doanh nghiệp cà phê không nên ký hợp đồng giao xa và từ chối phương thức bán trừ lùi, vốn đã bám rễ sâu vào tập quán xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Còn gạo, tuy chưa giảm giá nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm vì sản lượng giảm. Hai tháng qua, xuất khẩu gạo cả nước được 704.000 tấn với kim ngạch 333 triệu đô la Mỹ (tính giá FOB). Tính bình quân thì 1 tấn gạo hiện nay bán được 473 đô la Mỹ, cao hơn 73 đô la Mỹ so với bình quân cả năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quí 1 này cả nước xuất khẩu được 1,1 - 1,2 triệu tấn, như vậy thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quí 1 năm ngoái xuất gần 1,6 triệu tấn).

Do nông dân thu hoạch lúa đông xuân đang rộ, lúa hàng hóa nhiều mà xuất khẩu chậm chạp nên 30 doanh nghiệp hội viên của VFA hiện đã triển khai chương trình mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ để bình ổn giá lúa cho nông dân với giá sàn lúa khô 4.000 đồng/kg.

Hiện tại ở ĐBSCL, lúa chất lượng thấp IR 50404 mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo hạn chế trồng, có giá rớt xuống 4.000 đồng/kg, các loại lúa chất lượng khá hơn vẫn còn giá cao hơn giá sàn 4.000 đồng.

(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Thu hoạch nông sản đầu năm, vui buồn lẫn lộn
  • Chư Sê: vụ tiêu 2010 giảm 5.000 tấn
  • Trung Quốc sẽ sản xuất 500 tỷ kg ngũ cốc năm 2010
  • Tôn vinh nông sản Việt
  • Ngành Nông-Lâm-Thuỷ sản dự kiến đạt 16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010
  • Tiêu thụ hết nông sản cho nông dân qua hợp đồng
  • Nông nghiệp - bài học sau ba năm hội nhập WTO
  • Ngành điều lo thiếu nguyên liệu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container