Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rào cản cho nông sản đi Mỹ

Con cá tra Việt Nam nếu bị đưa vào danh sách cá catfish của Mỹ thì sẽ chịu thêm nhiều rào cản khác còn lớn hơn cả việc bị áp thuế chống bán phá giá hiện nay ở thị trường Mỹ-Ảnh: Hồng Văn.

Bắp, đậu nành của Mỹ ùn ùn chảy vào Việt Nam mà chỉ riêng hạt đậu nành, trong năm ngoái Việt Nam đã nhập từ Mỹ hơn 60 triệu đô la Mỹ, các sản phẩm từ đậu nành (bột, bã…) gần 90 triệu đô la và phần nhiều trong số này lẫn lộn với đậu nành có biến đổi gen.

Theo quy định của Việt Nam, sản phẩm biến đổi gen khi vào thị trường phải dán nhãn, thực tế không một ai thực thi quy định này trong những năm qua. Trong khi đó, theo đạo luật Lacey của Mỹ, các sản phẩm đồ gỗ xuất vào thị trường Mỹ phải khai báo rõ nguồn gốc gỗ nguyên liệu khai thác, hay nói khác hơn, theo nhiều doanh nghiệp, thị trường Mỹ đã gắn vấn đề thương mại với bảo vệ môi trường.

Sắp qua cái thời xuất siêu nông sản

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ là một thế mạnh của Việt Nam trong hơn chục năm qua nhưng điều đó dường như đã thay đổi khi thị trường nước này ngày càng có nhiều quy định, đòi hỏi nhà xuất khẩu phải vượt qua, nói nôm na là những rào cản của thị trường này ngày một tăng.

Từ chỗ Việt Nam gần như xuất siêu nông sản vào thị trường Mỹ nhờ lợi thế là quốc gia có thế mạnh trong nông nghiệp, nay khoảng cách đó thu hẹp dần và nông sản của Mỹ ngày một chảy sang Việt Nam nhiều hơn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 3 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Việt Nam nhập siêu nông sản từ Mỹ tới gần 78 triệu đô la trong khi 5 năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu nông sản vào thị trường này.

Nhiều mặt hàng nông thủy sản có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ như gạo, tôm đang bị chững lại, thậm chí tụt giảm như tôm sú, mặt hàng chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ thì trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch bị giảm 1%, còn gạo giảm tới 78%.

Những mặt hàng nông sản Việt Nam có tăng trưởng ở thị trường Mỹ thời gian gần đây lại là những loại hàng có kim ngạch nhỏ, không đáng kể như cá ngừ đại dương (kim ngạch cả năm chỉ 70 triệu đô la), chè (chỉ 5 triệu đô la mỗi năm).

Trong khi ở chiều ngược lại, do nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến của Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, trong đó có thị trường Mỹ nên kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh, chẳng hạn gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong quí 1 từ Mỹ tăng 135%, lúa mì tăng 280%, hạt đậu nành tăng 52%, các sản phẩm sữa tăng 183%...

Gần chục năm qua, kể từ khi có Hiệp định thương mại Việt-Mỹ, gần như nông sản Việt Nam luôn ở thế xuất siêu với khoảng cách lớn so với nông sản của Mỹ vào Việt Nam. Nhưng 5 năm trở lại đây, điều đó đã thay đổi mạnh mẽ. Nếu như vào năm 2005, xuất khẩu nông sản vào Mỹ cao gấp 4 lần so với chiều nhập khẩu thì tới năm ngoái, xuất khẩu nông sản vào Mỹ đạt 1,44 tỉ đô la trong khi nhập khẩu từ Mỹ lên tới 1 tỉ đô la.

Vì vậy mà trong hội thảo dự báo triển vọng ngành hàng nông nghiệp năm 2010 tổ chức tuần trước tại TPHCM, có chuyên gia trong nước đã lên tiếng cảnh báo trong tương lại không xa, thậm chí có khi ngay trong năm nay, Việt Nam có thể trở thành quốc gia nhâp siêu nông sản từ Mỹ, điều mà gần chục năm trước không ai ngờ tới.

Rào cản

Mới chỉ thanh long là trái cây tươi đủ tiêu chuẩn vào Mỹ, các loại trái cây khác của Việt Nam còn phải chờ-Ảnh: TL.

Tiến sĩ Trịnh Minh Anh từng là thành viên của đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nay là Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cho biết nông sản trong nước hiện nay vào thị trường Mỹ gặp phải khá nhiều quy định, rào cản theo hướng bất lợi cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Gần hai năm trước trái thanh long Việt Nam đã được xuất sang Mỹ mà trước đó phải trải qua một quá trình lâu dài cho việc kiểm tra, giám sát theo các tiêu chuẩn ngặt nghèo của Mỹ thì tới nay, Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Mỹ thúc đẩy quá trình cấp phép nhập khẩu rau quả tươi khác như vải, nhãn, chôm chôm nhưng dường như vẫn chỉ mới có thanh long.

Ông Anh cho hay, phía Việt Nam đã đề nghị Mỹ hỗ trợ cập nhật thông tin hướng dẫn thực thi đạo luật Lacey trong xuất khẩu đồ gỗ và theo nhiều doanh nghiệp, với đạo luật này, người Mỹ đã gắn thương mại hàng hóa với môi trường, một rào cản phi quan thuế mới trong giao thương hàng hóa. Trong khi đó, Mỹ lại là quốc gia xuất khẩu gỗ cứng nguyên liệu lớn trên giới và tại Việt Nam, năm ngoái nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ hơn 100 triệu đô la Mỹ, tăng hơn gấp 2 lần so với 5 năm trước.

“Với đạo luật này, khác nào người Mỹ bảo các doanh nghiệp chúng tôi nên nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ Mỹ, vốn rõ ràng và có các chứng chỉ minh bạch”, một doanh nghiệp đổ gỗ cho hay. Còn ông Anh thì cho biết Việt Nam đang chuẩn bị khả năng Mỹ kiện bán phá giá sản phẩm đồ gỗ gắn với vấn đề thương mại môi trường.

Trong khi đó, quy định về dán nhãn thực phẩm biến đổi gen của Việt Nam đã có từ lâu nhưng gần như không một cơ quan quản lý hàng nhập khẩu thực hiện, mà phần lớn thực phẩm biến đổi gen nhập vào Việt Nam lại xuất phát từ Mỹ. Do vậy nên ông Anh nói hai nước đang đối thoại trong việc xây dựng văn bản pháp luật thực thi quy định “dán nhãn thực phẩm biến đổi gen”.

Việt Nam và Mỹ hiện đều là thành viên của WTO và mới đây, Chính phủ đã khiếu nại Mỹ vi phạm trong việc áp dụng phương pháp “zeroing” (quy về bằng không) khi tính toán biên độ phá giá làm cơ sở chấm dứt vụ kiện chống bán phá giá tôm mà hiện nay Mỹ đang áp thuế với con tôm sú đông lạnh của Việt Nam.

Con cá tra hiện đang bị áp thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, hiện nay còn có nguy cơ khác, mệt mỏi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước. Theo đạo luật nông nghiệp Mỹ 2008 (Farm Bill 2008)) thì Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ định nghĩa lại con cá da trơn- catfish và nếu con cá tra của Việt Nam nằm trong danh sách catfish thì sẽ bị phía Mỹ kiểm tra chặt về vệ sinh an toàn thực phẩm toàn diện, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho tới phân phối.

“Nếu Mỹ định nghĩa cá tra của Việt Nam nằm trong catfish thì hiện tại, con cá tra của Việt Nam khó lòng đáp ứng được các quy định của Farm Bill 2008 của Mỹ”, ông Anh cho hay. Điều nghịch lý là vào đầu những năm 2000, chính Mỹ đã bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ không dùng từ catfish để khỏi lẫn lộn với con cá da trơn của các nông trại Mỹ.

Các sản phẩm từ sữa nhập từ Mỹ đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt Nam với các đợt tăng giá triền miên. Gần đây, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang tìm cách kiểm soát chặt việc tăng giá sữa ngoại nhập khẩu thì có thông tin từ Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, rằng các công ty đa quốc gia về sữa của Mỹ đang vận động Chính phủ nước này tạo sức ép với Việt Nam trong việc kiểm soát giá sữa.

“Chừng nào Mỹ dành cho Việt Nam quy chế hưởng Hệ thống thuế quan phổ cập (GSP) và công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường thì khi đó, xuất khẩu nông sản vào Mỹ mới thuận lợi”, ông Anh nói.

(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Hồ tiêu tăng giá, kẻ khóc người cười
  • Mổ xẻ khó khăn của ngành hàng nông sản
  • “Bé hạt tiêu” đang trưởng thành
  • Thị trường hồ tiêu đang dần khởi sắc
  • Thị trường hồ tiêu diễn biến lợi cho người sản xuất
  • Sản xuất mía đường còn nhiều bất cập
  • Sản lượng điều niên vụ 2010 giảm 15%
  • Thay “áo” mới cho cây điều
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container