Với 51% nhân điều giao dịch trên thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới từ năm 2006 đến nay. Nhưng có một nghịch lý: Trong khi thương mại và chế biến ngày càng phát triển thì vùng nguyên liệu ngày càng teo tóp, năng suất giảm dần...
Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp nhận định, để ngành này phát triển căn cơ, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy về cây điều. Trước đây, điều không nằm trong danh mục cây công nghiệp, cũng chẳng được xếp vào nhóm cây ăn trái mà thuộc cây lâm nghiệp. Vùng đất nào không trồng được cây gì thì nghĩ đến… cây điều.
Rất lâu, nhiều người, kể cả nhà quản lý từ cơ sở đến trung ương xem điều là cây xóa đói giảm nghèo, cây trồng không cần chăm sóc vẫn cho thu hoạch.
Thực tế, điều là cây nông nghiệp, nhưng lại trồng theo kiểu cây rừng, không chăm sóc, lớn lên như “cây bụi đời”. Trớ trêu thay, dù không được chăm sóc, không được xem trọng, nhưng chế biến của mặt hàng nông sản này lại đi rất xa so với những mặt hàng nông sản khác và thuộc vào top vài nước dẫn đầu của thế giới như Ấn Độ, Brazil.
Vì vậy, suy nghĩ này có thể đúng trong quá khứ, nhưng sai lầm nếu tiếp tục suy nghĩ như bao lâu nay của ngành nông nghiệp. Điều đó giải thích vì sao khi định hướng cho ngành điều đến năm 2010 nhiều chỉ tiêu như diện tích, sản lượng, năng suất… không thể đạt được như mong muốn ban đầu vì lối tư duy và cách làm cũ.
Nếu không có gì bất ngờ, kim ngạch xuất khẩu điều nhân năm 2010 sẽ vượt con số 1 tỷ USD. Lượng điều chế biến của Việt Nam năm 2009 là 188.000 tấn, chỉ sau Ấn Độ, nhưng do gần phân nửa lượng điều chế biến của Ấn Độ tiêu thụ trong nước. Như vậy, điều là cây nguyên liệu để chế biến xuất khẩu cần phải đối xử xứng đáng với vị trí, vai trò mà cây này mang lại.
Muốn vậy, theo tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, cần có cơ chế và chính sách tương xứng. Vì thế, vấn đề đầu tiên phải là thay đổi nhận thức của người quản lý để có chính sách phù hợp, cả chính sách về khoa học công nghệ, sưu tập, chọn lọc để có giống điều cao sản và phù hợp thổ nhưỡng từng nơi. Vấn đề giống là số 1 hiện nay. Cần nhìn nhận lại chất lượng cây điều hiện nay thế nào và có chương trình đầu tư phát triển vùng nguyên liệu điều.
Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho biết, hiện nay đã có 4 doanh nghiệp đầu tư trồng khoảng 8.000ha điều ở Campuchia và sắp tới có thể cả nước Lào. Đó là Donafood (Đồng Nai), Tanimex và Lafooco ở Long An, Mỹ Lệ của Bình Phước.
Trước tình trạng diện tích điều trong nước giảm mạnh, việc hợp tác với Campuchia để trồng điều là hướng đi đúng nhằm đảm bảo nguyên liệu chế biến ổn định. Ngoài Campuchia, Lào là quốc gia mà Vinacas nhắm đến hợp tác trồng, có thể lên đến 200.000ha điều ở 2 nước này.
Nếu điều này thành hiện thực thì ý tưởng biến bán đảo Đông Dương thành trung tâm chế biến điều nhân lớn nhất thế giới sẽ là hiện thực.
(Theo Công Phiên/SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com