Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc chiến mía đường: Bao giờ có hồi kết?

Đến hẹn lại lên, cứ vào vụ ép là cuộc chiến tranh giành thu mua mía ở các vùng nguyên liệu mía đường Thanh Hóa lại nổi lên rầm rộ giữa 3 nhà máy (NM). Hàng loạt các cuộc điều đình, các công văn giấy tờ, rồi lại đâu vào đó…

“Sân nhà” ép giá, phá giá “sân khách”.

Vào vai một nhân viên thị trường của một NM đường đến vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Thọ Xuân thu mua mía, chúng tôi đã tiếp cận nhiều người dân trồng mía và thấu hiểu những mánh khóe mua chui, bán lén mía giữa các NM với nhau. Một nông dân trồng mía tên Đỗ Văn Tám ở xã Sơn Thọ, huyện Thọ Xuân cho biết: “Mấy anh em nhà tôi trồng được 15 ha mía, nhưng NM đường Lam Sơn chỉ thu mua với giá 950.000 – 1 triệu đồng/tấn. Nghe NM đường Việt – Đài đang thu mua với giá 1,2 triệu/tấn, tội gì không bán cho Việt – Đài. Tôi sẽ đứng ra gom thêm mía của bà con để bán”.

Chỉ đôi câu chuyện, chúng tôi đã có thể thực hiện được một “hợp đồng miệng” mua mía chui số lượng lớn với bà con giá 1,2 triệu đồng/tấn, ngay giữa vùng nguyên liệu mía của NM đường Lam Sơn và không quên xin số điện thoại để tiện giao dịch. Cũng theo anh Tám, việc bán mía khỏi vùng nguyên liệu năm nào cũng có, hễ nơi nào mua được giá hơn là bà con bán. Tuy nhiên việc mua bán và vận chuyển phải thực hiện vào lúc chập tối để khỏi bị công an và chính quyền địa phương cũng như phía NM ngăn cản.

Việc mua chui, bán lén mía nguyên liệu giữa các NM đường tại Thanh Hóa là có thật. Để lí giải điều này chúng tôi được biết, mía trong vùng nguyên liệu thường bị NM độc quyền o ép giá khi thu mua. Mặt khác, đôi khi mía chặt rồi mà mãi không thấy xe của NM đến bốc. Lâu nay, NM đường Lam Sơn mua mía theo cách tính trữ lượng đường để thanh toán, thực tình mà nói người dân không biết như thế nào. NM bảo được bao nhiêu trữ lượng đường thì người dân hưởng bấy nhiêu. Không những thế, nhiều khoản chi phí luôn bị NM khấu trừ một cách khó hiểu. Đơn cử như NM đưa vào quỹ rủi ro với mức 10.000đ/tấn. Tuy nhiên, lâu nay người dân gặp rủi ro như lũ lụt, hạn hán làm hư hại mía cũng chẳng thấy NM trích quỹ rủi ro này ra hỗ trợ dân. Nếu đem bán ra ngoài thì việc bốc mía, vận chuyển sẽ được sốt xắng làm ngay khi mía vừa chặt xong, lại có ngay tiền tươi với giá cao.

Vừa qua, đã xảy ra trường hợp, một xe mía trên đường đưa vào Nghệ An bán đã bị cán bộ NM này bắt lái xe đưa mía vào NM bán. Mặc cho hộ dân không chấp nhận nhưng lãnh đạo NM đường Lam Sơn vẫn kiên quyết và phối hợp với công an thị trấn Lam Sơn để đẩy chiếc xe mang BKS 37N- 6883 vào NM. Do biết việc làm của mình như thế là không đúng thẩm quyền, nên xe mía đó vẫn đang bị giam lỏng trong khuôn viên NM.

Mới đây, cũng tại huyện Thạch Thành cũng đã xảy ra trường hợp tương tự khi mía của một hộ nông dân là bà Nguyễn Thị Xuân tại xã Thạch Quảng cũng bị chính quyền địa phương phối hợp cùng NM đường Việt – Đài o ép không cho xuất ra ngoài, tìm đủ mọi cách như bắt giữ, giam lỏng mía của bà Xuân khi bà Xuân đưa mía sang bán cho NM đường Lam Sơn. Trong khi toàn bộ hơn 200 ha mía do gia đình bà bỏ vốn ra trồng mà không hề nhận một đồng tiền hỗ trợ nào từ phía NM đường Việt - Đài…

Cần phải nói rằng việc chính quyền địa phương phối hợp cùng với các NM bắt giữ các xe mía của người dân là sai trái. Nhưng hiện chưa có văn bản luật pháp quy định nào cấm họ làm như vậy. Có thể thấy không riêng gì NM đường Lam Sơn mà cả NM đường Việt – Đài hay NM đường Nông Cống tại Thanh Hóa đều đang dùng chiêu phá giá “sân khách” còn “sân nhà” thì o ép hết chỗ.

Cần có một “trọng tài”

Để nói về việc người trồng mía trong vùng nguyên liệu giờ đây không còn mặn mà với việc bán mía cho NM đường Lam Sơn, ông Lê Văn Thanh – TGĐ Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biêt: “Chúng tôi đã cùng bà con hơn 20 năm qua xây dựng mảnh đất này trở nên trù phú như ngày nay nhờ cây mía. Nên không có chuyện người dân trồng mía quay lưng lại với nhà máy, họa chăng đó chỉ là một vài hộ có lí do này nọ mà không hợp tác cùng NM thôi.”

Việc “ông anh cả” trong ngành mía đường Việt Nam đã biến mảnh đất miền Tây Thanh Hóa trở nên trù phú như ngày nay là có thật. Vấn đề là ở chỗ, khi cuộc sống khấm khá lên, người dân bắt đầu có quyền lựa chọn. Họ không những có quyền lựa chọn giống tốt, phân tốt mà còn phải chọn cả những nơi có giá bán hợp lý nữa nên người dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất, tránh bị chèn ép, lệ thuộc vào NM một khi NM cậy thế độc quyền, chèn ép, gây bất lợi cho họ. Nhiều hộ dân cho rằng, bây giờ cứ bám vào QĐ quy hoạch vùng nguyên liệu thì càng làm khó cho người dân cũng như sự cạnh tranh trong thị trường về mặt giá nông sản.

Ông Lê Văn Biền – Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho hay: “Về góc độ quản lí về mặt nhà nước, chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân trong vùng nguyên liệu đã được đầu tư từ hệ thống vùng nguyên liệu đến đường giao thông… thì không nên có hiện tượng bán mía ra khỏi vùng nguyên liệu. Mặc dù mía của họ trồng họ muốn bán cho ai là việc của họ. Mặt khác, nếu các NM không có tình trạng thu mua mía ngoài vùng nguyên liệu và quyền lợi của người trồng mía được đảm bảo thì không có chuyện xáo động thị trường mía đường như vậy.”

Thiết nghĩ, nếu có một ban trọng tài độc lập do Hiệp hội mía đường Việt Nam đứng ra thành lập quy định chung về giá mía, và quy định về cách tính trữ lượng đường cũng như về cách mua, bán giữa người dân và NM thì tình trạng này mới có thể không xảy ra./.

(Báo Tổ quốc)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Cơ sở bảo quản và chế biến nông sản ở Hà Nội: Nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu
  • Nông sản thua trên sân nhà
  • Các nhà máy chế biến rau, củ, trái cây chỉ đạt 50% công suất
  • Liên kết “4 nhà” nâng sức cạnh tranh trái cây Việt Nam
  • Trung Quốc tranh mua nông sản: Hai mặt của một chiêu thức thị trường
  • Thiếu thông tin, nông dân thiệt thòi khi bán nông sản
  • Sản phẩm nông sản Việt Nam được đánh giá cao
  • Liên kết "bốn nhà" để xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container